Trang chủ » Diễn đàn Danh Y » Ôxy cũng… độc

Ôxy cũng… độc

Tại sao phải thở ôxy?

Ở người khỏe mạnh, chức năng phổi và các cơ quan bình thường, lượng ôxy cần thiết cho mọi hoạt động của cơ thể được cung cấp đầy đủ trong lượng không khí với áp suất 1 atmosphere ở độ cao tương đương mặt nước biển với lượng ôxy chiếm khoảng 21%. Trong nhiều trường hợp bệnh lý (tổn thương phổi, tổn thương tim, thiếu máu nặng…), lượng ôxy 21% trong không khí không thể cung cấp đủ cho nhu cầu của cơ thể, khi đó, phải cho bệnh nhân thở thêm ôxy nguyên chất đã được chiết tách khỏi không khí bình thường. Lúc này lượng ôxy hít vào phổi bệnh nhân cao hơn 21% và có thể lên đến xấp xỉ 100%.

Thế nào là liệu pháp ôxy?

Như trên đã nói, liệu pháp ôxy là một biện pháp cung cấp thêm ôxy cho cơ thể ở trên mức 21% bình thường nhằm sửa chữa tình trạng thiếu ôxy và cung cấp đủ ôxy cho các tế bào của cơ thể hoạt động. Ôxy nguyên chất, sau khi được chiết tách khỏi không khí sẽ được chứa trong các hệ thống bình dưới dạng nén hoặc hóa lỏng. Từ đó sẽ có một hệ thống dẫn đưa ôxy tới cho bệnh nhân sử dụng.

Nếu bệnh nhân có thể tự thở (không phải thở máy), ôxy, sau khi được làm ẩm, sẽ được cung cấp qua hai hệ thống: thở ôxy dòng cao (qua bộ trộn khí Venturi) và hệ thống thở ôxy dòng thấp (thở ôxy gọng kính, thở qua mặt nạ không hít lại, hít lại một phần, mặt nạ kín hoàn toàn….). Nếu bệnh nhân phải thở máy, lượng ôxy cần thiết sẽ được cung cấp qua máy thở với tỷ lệ được điều chỉnh chính xác tùy theo nhu cầu của bệnh nhân.

Ôxy cũng có thể được cung cấp qua hệ thống tim – phổi nhân tạo bên ngoài cơ thể qua màng trao đổi ôxy trong một số bệnh lý đặc biệt như trong hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS).

Thở ôxy có hại không?

Trên thực tế, thở ôxy không phải là vô hại hoàn toàn như mọi người vẫn nghĩ. Ôxy cũng gây nhiều tác dụng không mong muốn, đặc biệt là khi thở với nồng độ cao và kéo dài. Thở ôxy quá nhiều sẽ ức chế trung tâm hô hấp, làm chậm nhịp thở, giảm thông khí, gây tăng CO2 máu, điều rất nên tránh ở bệnh nhân có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Nồng độ ôxy quá cao sẽ tạo các gốc ôxy hóa làm tổn thương màng phế nang – mao mạch, gây thương tổn tại phổi.

 Thực hiện thở ôxy cho bệnh nhân bị suy hô hấp do viêm tụy cấp nặng tại Bệnh viện E Trung ương.         

Thở ôxy 100% kéo dài có thể gây xẹp phổi do ôxy đã thay thế hết ni tơ trong phế nang, ni tơ không được hấp thu vào máu nên có tác dụng giữ cho phổi không xẹp hết vào cuối thì thở ra. Nếu ôxy thay thế hoàn toàn cho ni tơ, ôxy sẽ nhanh chóng được hấp thu vào máu và phế nang sẽ xẹp xuống. Thở ôxy kéo dài gây mệt mỏi, đau đầu chóng mặt, ù tai. Thở ôxy cũng có thể gây bong võng mạc ở trẻ sơ sinh, nhất là trẻ sơ sinh non tháng.

Thở ôxy làm giảm hoạt động các vi nhung mao đường hô hấp, giảm hoạt động bạch cầu, làm khô niêm mạc miệng, mũi họng, khí phế quản nếu không được làm ẩm tốt nên dễ gây viêm phổi, khô, tắc đờm và tạo cảm giác khó chịu cho bệnh nhân. Vi khuẩn cũng có thể lây lan theo hệ thống dây dẫn, bình chứa, bình làm ẩm sang người bệnh nhân. Khu vực có chứa ôxy luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ nếu không được đảm bảo an toàn.

Phòng tránh được không?

Bất cứ liệu pháp điều trị nào cũng có mặt trái của nó, ôxy liệu pháp cũng không là ngoại lệ. Để hạn chế tối thiểu các tác dụng không mong muốn do thở ôxy gây nên, trước hết cần theo dõi thật chặt chẽ và chỉ định đúng liều lượng, thời gian thở ôxy cho bệnh nhân.
 
Điều chỉnh lượng ôxy thấp nhất mà vẫn đạt phân áp ôxy đủ cho bệnh nhân thông qua việc theo dõi khí máu và nồng độ ôxy bão hòa máu mao mạch (SpO2). Đảm bảo vô khuẩn cũng như làm ẩm đầy đủ hệ thống cung cấp oxy cho bệnh nhân. Kiểm tra thường xuyên phòng chống cháy nổ ở khu vực chứa và sử dụng ôxy. Không sử dụng ôxy một cách bừa bãi không cần thiết.

Gửi thảo luận