Lợi ích giới hạn, nguy cơ “dồi dào” (Bài 1)
Lợi ích giới hạn, nguy cơ “dồi dào” (Bài 2)
Phản ứng của chủ trang trại và nông dân với các công ty công nghệ sinh học
Bằng các nghiên cứu trên, Công ty Monsanto vừa bán được thuốc diệt cỏ vừa bán được giống OGM chịu được thuốc diệt cỏ đều do chính họ sản xuất, tạo ra sự độc quyền về kỹ thuật. Họ đem giống OGM đăng ký chủ quyền và thắng kiện tại Tòa án tối cao Mỹ (năm 1997). Tòa phán quyết cho họ có 2 quyền: quyền làm chủ giống OGM do họ tạo ra và quyền làm chủ với bất cứ loại cây nào mang gen biến đổi DNA của họ. Với phán quyết ấy, Công ty Monsanto đã có hành lang pháp lý bảo vệ độc quyền cây con OGM.
Ngay sau đó, Công ty Monsanto đã cấy gen biến đổi DNA vào hơn 11.000 hạt giống tự nhiên nhằm xác lập chủ quyền. Họ còn tạo ra giống OGM vô sinh (tức là khi hạt hình thành thì chính hạt đó tiết ra chất diệt chết mầm), do đó không thể làm giống cho vụ sau. Nông dân mất quyền giữ giống, cứ mỗi mùa lại phải bỏ tiền ra mua giống OGM mới.
Từ bao đời, gia đình Percey Schmeiser chỉ trồng cây giống canola. Không hiểu sao trong 300 mẫu đất của ông lại có giống canola-OGM và bị Công ty Monsanto kiện về tội “ăn cắp” giống. Thực ra thì gen biến đổi DNA của Monsanto lẫn vào cây của ông, lẽ ra Công ty Monsanto có lỗi nhưng ông lại tốn kém hàng trăm nghìn USD để hầu tòa mà cuối cùng vẫn thất bại, buộc phải tiêu hủy toàn bộ giống của mình và bị phá sản. Từ năm 1998-2000, Công ty Monsanto còn kiện như vậy với khoảng 9.000 nông dân Mỹ. Họ đành chấp nhận bồi thường, hủy giống của mình và mua giống của Monsanto vì không đủ tiền hầu tòa! Điều này gây nên sự phản kháng của các chủ trang trại và nông dân với các công ty công nghệ sinh học (CNSH).

Ngô biến đổi gen đang được trồng khảo nghiệm tại Việt Nam. Khi xác lập được đế chế độc quyền, Công ty Monsanto tuyên bố: “Ai làm chủ hạt giống sẽ làm chủ thực phẩm, ai làm chủ thực phẩm sẽ làm chủ thế giới…”. Độc quyền giống làm cho các công ty CNSH có lợi nhuận cao. Năm 2011, các công ty CNSH thu về hơn 13 tỷ USD tiền bán giống trong khi hàng chục triệu người trồng trọt chỉ thu 160 tỷ tiền bán sản phẩm OGM. Độc quyền giống làm tăng chi phí giống trong canh tác gây cản trở phát triển sản xuất.
Quan điểm khác nhau, chiến tranh thương mại, thái độ thỏa hiệp
Tính đến năm 2011, có 29 nước trồng cây OGM, trong đó có 10 nước công nghiệp phát triển (CNPT), số còn lại là các nước đang phát triển (ĐPT). Sản lượng của các nước ĐPT chiếm 50% tổng sản lượng toàn cầu, dự kiến năm 2012 sẽ vượt qua các nước CNPT.
Nếu trước đây, các nước có độc quyền về cây OGM vừa bán giống vừa trồng bán sản phẩm thì lúc này họ lại muốn chuyển việc tiêu thụ giống, nuôi trồng, tiêu thụ sản phẩm OGM cho các nước ĐPT. Lý do: Ngay trong lòng các nước này, người dân tăng sự ái ngại về tính chưa an toàn sức khỏe của cây con OGM. Thậm chí, có nơi đã hình thành sự phản kháng. Tổ chức đại diện cho quyền lợi lúa gạo đã đuổi Công ty Bioscience ra khỏi bang vì đã tạo ra giống lúa OGM chống tiêu chảy chứa 02 loại protein người. Khi đậu nành lẫn gen ngô-OMG (nói ở phần I), người trồng đậu nành phẫn nộ. Bộ Nông nghiệp Mỹ buộc phải tiêu huỷ, tốn 3 triệu USD; Công ty Progigene, chủ loại ngô OGM phải đền bù. Tuy nhiên, các cơ quan công quyền vẫn khuyến khích, tìm đất cho các công ty CNSH thử nghiệm, trồng đại trà. Ngoài ra, các nước này chỉ cần độc quyền về giống OGM cũng đã có lợi nhuận cao.
Diện tích cây OGM năm 2006 là 90 triệu ha; năm 2010 là 148 triệu ha; năm 2011 là 160 triệu ha; dự kiến năm 2015 là 200 triệu ha. Các công ty CNSH dựa vào sự tăng trưởng này đã vẽ ra viễn cảnh không bao lâu nữa cây OGM bao phủ toàn cầu, tạo ra tâm lý muốn nắm bắt cây OGM ngay để khỏi chậm chân! Thực ra đến năm 2011, cây OGM mới chiếm 0,3% tổng diện tích canh tác toàn cầu (148 triệu ha/48 tỷ ha); đến năm 2015 cũng chỉ đạt 0,41%. Mức tăng hàng năm chậm lại, giai đoạn năm 2006-2010 là 12,8%, sang năm 2010-2011 là 8,1% và dự kiến năm 2015 sẽ chỉ còn 6,25%. Nguyên nhân là do nông dân các nước ĐPT chưa mặn mà với cây con OGM vì không đủ thông tin về giống, năng suất, kỹ thuật canh tác, tính an toàn với sức khỏe; rất lo ngại và cũng dễ gặp rủi ro; khi thua lỗ thì không còn tiền mua lại giống OGM mới, mà quay lại giống cũ cũng rất khó vì đã bị lai tạp hay mất; dễ sa vào phá sản.
Các nước ở châu Âu từng có “chiến tranh” về cây con OGM, chẳng hạn: Anh đã từ chối nhập sữa, thịt bò Mỹ có tiêm hormon tăng trưởng, nhưng Mỹ lại nhất quyết ép Anh, cũng như châu Âu mở rộng cửa thị trường cho sản phẩm của họ.
Ngày nay, các nước vừa đối chọi vừa gắn bó nhau về quyền lợi, lệ thuộc lẫn nhau, trong tình thế ấy, một số nước dùng cách thỏa hiệp: “không khuyến khích cũng không cấm, nhưng buộc các sản phẩm có nguồn gốc OMG phải ghi rõ trên nhãn; việc dùng hay không tùy vào sự nhận thức, quyền chọn lựa của người tiêu dùng”. Ngoài ra, cũng phải thừa nhận OGM là hướng đi mới, đem lại nhiều lợi ích kinh tế, nền y học nhiều nước đều có thái độ mềm dẻo, tạo điều kiện thử nghiệm, trồng đại trà.
Còn tại Việt Nam?
Dân ta còn ít hiểu biết về cây con OGM (thích sữa nước ngoài song không rõ sữa đó có lấy từ bò tiêm hormon tăng trưởng không, dùng đậu nành mà không biết rõ là nội hay loại OGM nhập?). Điều tra của Bộ Nông nghiệp (năm 2007) cho thấy: hầu hết các mẫu thức ăn cho gia súc đều có chứa sản phẩm OGM; đã có 3 giống cây OGM (ngô, lúa, bông) trồng tại nước ta. Vì vậy, cần cung cấp kiến thức phổ thông về OGM, làm cho họ biết cây con sản phẩm nào là tốt, là đang nghi ngờ hay có nguy cơ độc hại, từ đó giúp họ dùng “quyền tự chọn”.
Việc nghiên cứu, thử nghiệm cây OGM phải có quy trình chặt chẽ (chọn nhập giống, trồng đối chứng, cách canh tác, cách so sánh hiệu quả…). Các công ty giống nước ngoài muốn đưa nhanh giống OGM vào nước ta nên đã cung cấp giống và bao tiêu sản phẩm trực tiếp với nông dân. Một số nơi ở Tây Nguyên trồng bông OGM tự phát theo kiểu này. Một số nghiên cứu cho thấy ngô OGM có gen bình thường trồng lẫn lộn với ngô truyền thống ở Bình Dương, TP.HCM, Đồng Nai đã xuất hiện gen trội. Như thế rất dễ mất giống truyền thống. Cần làm cho người dân có ý thức và biết cách giữ giống truyền thống, cần phổ cập Luật Bảo vệ an toàn sinh học để họ tự giác chấp hành.
Cây OGM chịu được thuốc diệt cỏ, điều kiện khắc nghiệt, ít bị sâu hại nên cho năng suất cao hơn (hiệu quả thứ phát), chứ tự thân chưa hẳn là giống “cao sản”, việc trồng phải tuân theo các kỹ thuật riêng; chi phí cao (chứ không thấp như các công ty giống nước ngoài quảng cáo). Cần làm cho người dân biết rõ, tự cân nhắc trước khi quyết định trồng.
Cập nhật và thông báo cho người tiêu dùng, người sản xuất kinh doanh cả mặt lợi và mặt hại trên các lĩnh vực sức khỏe, môi sinh, trồng trọt, chống thông tin nhiễu.
Làm được các điều trên mới tạo ra sự đồng thuận trong xã hội.