Phát minh trên có thể được dùng để cung cấp năng lượng cho các thiết bị cấy ghép trong não đối với những bệnh nhân bị chứng động kinh, Parkinson hoặc liệt toàn thân.
Hiện các thiết bị được cấy vào cơ thể thường sử dụng năng lượng từ pin lithium-ion, nhưng những loại pin này có thời gian giới hạn. Và việc mổ xẻ để thay pin mới là điều không hề dễ chịu, nhất là đối với các thiết bị cấy trên não.
Các nhà nghiên cứu tại Viện công nghệ Massachusetts (MIT), với trưởng nhóm là Rahul Sarpeshkar, đã chế tạo được tế bào năng lượng bằng chất xúc tác platinum ở một đầu, và đầu còn lại là lớp nano carbon. Nó được đặt trên một vi mạch bằng silicon, cho phép nối kết với các thiết bị điện tử cấy trong não.
Khi đường glucose chạy qua platinum, các electron và ion hydrogen sẽ bị tước bỏ trong quá trình ôxy hóa, tạo nên dòng điện. Ở đầu còn lại của tế bào, ôxy trộn với hydrogen tạo ra nước. Kết quả là tế bào này sản sinh ra dòng điện đến 180 microwatt, đủ cung cấp cho thiết bị cấy ghép tại đây.
Tế bào năng lượng của MIT sẽ vẫn còn hoạt động cho đến khi nào còn đường glucose và nước. Hiện nó vẫn chưa được thử nghiệm thực tế trên não thật, theo báo cáo trên chuyên san PLoS ONE.
Tế bào năng lượng từ hoạt động não
Theo Thanhnien.com.vn