Lạm dụng, sử dụng nhiều rượu bia luôn có chiều hướng tăng vào dịp Tết. Năm nay cũng không ngoại lệ, số bệnh nhân bị ngộ độc rượu và tai nạn giao thông (TNGT) do rượu bia gây ra tăng đáng kể.
Nạn nhân của “lưu linh”
Những ngày đầu năm mới Quỵ Tỵ 2013, các y – bác sĩ Khoa cấp cứu, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) trở nên tất bật, căng thẳng hơn những ngày thường. Từ sớm cho tới khuya, liên tục là những ca cấp cứu do TNGT, tai nạn do sinh hoạt gây ra mà nguyên nhân chính do say rượu bia.
TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, số người chết và bị thương do TNGT những ngày nghỉ đầu năm mới vừa qua tăng gấp đôi so với ngày thường. Tính đến sáng mùng 5 Tết Quý Tỵ, bệnh viện đã tiếp nhận gần 700 ca cấp cứu, trong đó hơn 300 trường hợp do TNGT, trong có rất nhiều trường hợp nguy kịch do chấn thương sọ não hoặc đa chấn thương, nhiều trường hợp gia đình phải xin đưa người bị nạn về nhà vì khó qua khỏi.
Rượu bia trong những ngày đầu năm mới còn dẫn tới tình trạng ngộ độc vô cùng nguy hiểm. TS Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ, những ngày này, gần như ngày nào trung tâm cũng tiếp nhận nhiều trường hợp bị ngộ độc rượu. So với dịp tết năm ngoái, số nạn nhân do ngộ độc rượu năm nay có xu hướng tăng.
Hiện nay, trong số bệnh nhân ngộ độc nặng thì ngộ độc do rượu chiếm đến 25% các trường hợp đang cấp cứu điều trị tại trung tâm. Bệnh nhân bị ngộ độc rượu cấp cứu chủ yếu trong độ tuổi lao động từ 20 – 50 tuổi.
“Quá chén”: hiểm họa lớn
Đây là khuyến cáo của rất nhiều chuyên gia y tế, cũng như thực tế đang diễn ra ở không ít phòng cấp cứu vào dịp đầu năm mới. TS Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong rượu bia thường có chứa chất ethanol và methanol, đặc biệt nguy hiểm hơn trong các loại rượu thủ công và rượu giả còn chứa nhiều hóa chất độc hại khác. Chỉ riêng ethanol cũng là chất có thể gây độc hại cho con người, có tác động làm ức chế, suy yếu hệ thần kinh trung ương.
Các bác sĩ cho biết, khi quá chén với rượu bia sẽ dẫn đến say xỉn, ngộ độc cấp tính. Nạn nhân bị ngộ độc rượu cấp tính trong giai đoạn đầu có dấu hiệu kích thích, hành động thiếu kiểm soát. Còn trong giai đoạn ức chế thường có biểu hiện giảm phản xạ vận động, tri giác giảm, mất khả năng tập trung tư tưởng, giãn mạnh, hạ huyết áp, thậm chí có thể tử vong. Nguy hiểm hơn với những trường hợp bị ngộ độc rượu bia có chứa nhiều chất methanol, nạn nhân có thể bị nhiễm độc gan, suy thận cấp, gây hôn mê, co giật, tụt huyết áp và tử vong nhanh. Ngoài ra, với trường hợp ngộ độc rượu mãn tính có thể dẫn tới ung thư gan, mất trí nhớ và rối loạn tâm thần.
Do đó để phòng ngừa ngộ độc rượu bia, cũng như những tai nạn, hiểm họa do rượu bia gây ra, nhất là vào dịp đầu xuân năm mới, các chuyên gia y tế khuyến cáo, mọi người cần phải kiểm soát được bản thân, không nên lạm dụng rượu bia trong việc chúc tụng nhau, tuyệt đối không uống rượu lúc đói. Khi uống nên chọn loại rượu bia có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn thực phẩm và không uống rượu có nồng độ từ 30 độ trở lên, vượt quá 30ml/người/ngày.
Đối với những hợp có biểu hiện say rượu, người nhà cần chăm sóc nạn nhân chu đáo, tìm cách để người bệnh nôn hết. Sau đó cho người say uống một lượng nước ít nhất cũng bằng lượng rượu uống vào để pha loãng nồng độ rượu trong cơ thể và giúp cho quá trình đào thải rượu được nhanh chóng và thuận lợi. Tiếp đến, cho người say rượu uống sữa nóng, hay trà đặc, cốc nước chanh tươi pha kèm một chút muối hoặc ăn cháo. Nếu bệnh nhân có biểu hiện co giật, thở không đều… phải đưa ngay đến bệnh viện để cấp cứu, điều trị kịp thời.