Trang chủ » Diễn đàn Danh Y » Bài viết hay » Đông Y sao cho đúng chỗ!

Đông Y sao cho đúng chỗ!

-Tỷ lệ phát hiện bệnh chỉ là phần nổi rất cạn của tảng băng quá sâu nên không phản ánh trung thực con số nhiễm bệnh. Hậu quả là nhiều người bệnh vẫn còn đến thầy thuốc quá trễ.
-Tỷ lệ di chứng vẫn tăng chứ không giảm vì nhiều người bệnh hoặc không thể tuân thủ y lệnh, hoặc chưa được điều trị đúng bài bản. Nếu số người phải đoạn chi vì bệnh tiểu đường làm tắt mạch máu là 20.000 vào năm 2003 ở Đức, nơi không thiếu thầy, cũng không thiếu thuốc, và hơn 60.000 trong năm 2007!, thì đủ hiểu phải có lý do nào khác khiến bệnh vẫn chiếm thế thượng phong.
-Phản ứng phụ nghiêm trọng của thuốc đặc hiệu do phải dùng dài lâu. Không lạ gì nếu ngành bảo hiểm y tế ở nhiều nước như Hoa Kỳ, Đức, Nhật… đang kêu trời không thấu vì phí tổn để điều trị hậu quả của thuốc cũng tương đương với kinh phí chữa bệnh nguyên thủy, nghĩa là với gánh nặng tăng đôi vì phải… chữa bệnh!

Riêng trong bối cảnh của nước mình, đáng tiếc hơn nữa là trong khi các công ty đại gia ngành dược phương Tây đang khẩn trương đầu tư nghiên cứu kinh nghiệm của Đông Y thì ngành y học cổ truyền ở nước ta vẫn chưa tìm được chỗ đứng trân trọng trong phác đồ điều trị nhiều bệnh chứng nghiêm trọng để góp phần giải quyết không ít vấn đề tồn đọng mà thầy thuốc Tây Y hiện không dễ tìm ra giải pháp. Vấn đề tuy phức tạp nhưng giải pháp lại không hẳn bất khả thi nếu thầy thuốc tìm cách xử lý các vấn đề đi kèm trong căn bệnh bằng cách mượn sức chữa bệnh từ thiên nhiên, thay vì cho thuốc theo kiểu cần đâu đánh ngay đấy để rồi cơ thể người bệnh vì phải dùng nhiều loại thuốc khác nhau, chẳng khác nào nơi tích lũy hóa chất chưa biết tương tác thế nào!

Nhưng cũng phải nói ngay cho rõ. Nếu sử dụng Đông Y một cách đơn phương thì đó là sai lầm nghiêm trọng xuất phát từ quan điểm cường điệu và phiến diện. Bây giờ đã sắp hết năm 2012! Cái thời dùng chữ Nho trong y khoa đã thuộc về quá khứ! Người bệnh trong mọi trường hợp, cho dù được điều trị bằng thuốc Nam, thuốc Bắc, châm cứu hay bất cứ phương pháp nào, cần được theo dõi và đánh giá diễn tiến dựa vào tiêu chí khách quan của y học hiện đại, từ xét nghiệm sinh hóa cho đến chẩn đoán hình ảnh với kỹ thuật cao cấp. Việc áp dụng Đông Y một cách quá chủ quan theo kiểu chắc chắn “vài thang là hết” đến độ xem thường chẩn đoán cận lâm sàng là một trong các lý do khiến nhiều biến chứng nghiêm trọng không được phát hiện kịp thời. Nói thế không có nghĩa phủ nhận giá trị của Đông Y. Trái lại là khác, thầy thuốc Tây Y nếu có thêm kiến thức về Đông Y càng có lợi cho người bệnh vì nhà điều trị có thêm trong tay:
-Nhân tố cần thiết để toàn diện hóa phác đồ điều trị.
-Phương tiện hữu hiệu cho mục tiêu dự phòng và điều trị phục hồi.
-Giải pháp thực dụng để giảm thiểu phí tổn điều trị cho người bệnh.

Đáng tiếc là mục tiêu kết hợp Đông Tây Y vẫn chưa được thực hiện đúng mức ở nước ta, mặc dầu nhà nước không ngừng vận động từ nhiều chục năm, phần vì đa số thầy thuốc Tây Y chưa có cái nhìn khách quan về khả năng thực sự của Đông Y,  phần vì không ít thầy thuốc Đông Y chưa có cái nhìn trung thực về vị trí đúng chỗ của Đông Y, do đôi bên chưa chịu ngồi lại gần nhau trong cùng một ngôn ngữ vì quyền lợi của người bệnh. Hậu quả là liệu pháp Đông Y tuy từ bao thế hệ đã tìm được chỗ đứng trong lòng người bệnh nhưng vẫn chưa tìm được vị trí chính xác trong phác đồ điều trị vì quyền lợi thiết thực của người bệnh.

Đáng tiếc vô cùng cho nhiều người bệnh xứ mình vì cây nhà lá vườn không thiếu nhưng vẫn phải ngóng mắt trông chờ giải pháp do thiếu người đảm nhiệm công việc “đãi cát lọc vàng”. Ngày nào vẫn còn nhan nhản vô số quảng cáo thiếu trách nhiệm về thuốc trị bá bệnh trên phương tiện truyền thông đại chúng thì không lạ gì nếu nhiều bệnh nhân vẫn còn phải bán “vàng” nhưng chỉ mua được “cát”!

Bác Sĩ Lương Lễ Hoàng.

Gửi thảo luận