Trang chủ » Diễn đàn Danh Y » Bài viết hay » Thượng công trị vị bệnh: Thầy thuốc giỏi chữa bệnh từ sớm

Thượng công trị vị bệnh: Thầy thuốc giỏi chữa bệnh từ sớm


Biển Thước là một thầy thuốc nổi tiếng thời Chiến quốc ở Trung Hoa, điều đó mọi người đều biết. Nhưng có lẽ ít người biết rằng, cả 3 anh em nhà Biển Thước đều làm nghề thuốc, mà đều là những vị thầy thuốc cao siêu. Tương truyền, khi Ngụy Văn Vương biết được việc đó, liền hỏi Biển Thước: Trong 3 anh em, người nào giỏi nhất? Biển Thước đáp: Anh cả giỏi nhất, anh hai thứ nhì, còn thần thuộc vào hạng thấp nhất. Ngụy Văn Vương rất ngạc nhiên, vội hỏi: Thế thì vì sao nhà ngươi lại là người nổi tiếng nhất? Biển Thước đáp: Anh cả thần chữa bệnh, là chữa ngay từ khi bệnh chưa hình thành. Nói chung, khi người ta còn chưa cảm thấy bệnh tật đe dọa, đã được anh cả chữa khỏi. Vì vậy anh cả mới không nổi tiếng; Anh thứ hai chữa bệnh, khi bệnh vừa mới phát. Bệnh còn nhẹ, nên hễ chữa là khỏi. Do đó người ta cho rằng, anh hai chỉ có thể chữa được những loại bệnh nhẹ. Còn thần chữa bệnh, là chữa khi bệnh đã rất nghiêm trọng, khiến người bệnh vô cùng đau khổ, thậm chí tính mạng đang bị đe dọa. Cho nên thần mới nổi tiếng nhất. 
Từ 2000 năm trước, Nội kinh – bộ “thánh kinh” của Đông y học đã phân chia thầy thuốc thành 2 đẳng cấp: “Thượng công” và “Hạ công”.  “Thượng công” là những thầy thuốc có y thuật cực kỳ cao siêu, chữa 10 người khỏi được tới 9; còn “hạ công” chỉ là những thầy thuốc bình thường, không có khả năng gì đặc biệt, chữa 10 người chỉ khỏi được 4-5. Nội kinh cũng đã chỉ ra cả tiêu chuẩn xếp hạng cụ thể như sau: “Thượng công thủ thần, hạ công thủ hình”. Nghĩa là, bậc “thượng công” căn cứ vào “thần”, còn “hạ công” căn cứ vào “hình”.  “Thần” là thứ “vô hình”, chưa thành hình chất, rất khó nắm bắt, chỉ những bậc “thượng công” mới lĩnh hội được. Còn “hình”, là những thứ đã thành hình chất, đã có hình dạng cụ thể. “Thượng công” là những bậc minh triết,  có khả năng nhận biết được những thứ “vô hình”, và căn cứ vào đó để lý giải, chữa trị bệnh tật. Ngược lại, “hạ công” chỉ có thể lý giải và chữa trị bệnh tật, dựa trên những thứ rất cụ thể, “hữu hình”, nghĩa là khi bệnh đã hình thành.
Từ xưa Đông y đã quan niệm, người thầy thuốc không những cần phải chữa bệnh giỏi, mà điều quan trọng hơn, là chẩn đoán giỏi. Chính vì vậy, tiền nhân thường nói: Nhìn mà biết được bệnh là bậc “thần y”, nghe mà biết được bệnh là bậc “thánh y”, hỏi mà biết được bệnh là thầy thuốc giỏi, xem mạch biết được bệnh là chỉ có kỹ xảo (Vọng nhi tri chi, vị chi thần; Văn nhi tri chi, vị chi thánh; Vấn nhi tri chi, vị chi công; thiết nhi tri chi, vị chi xảo).
Sử sách còn ghi lại rất nhiều câu chuyện, về tài chẩn bệnh của các bậc danh y. Như trong Sử ký của Tư Mã Thiên, có ghi lại câu chuyện về tài “vọng chẩn” của Biển Thước. Một lần, khi đi qua nước Tề, Biển Thước chỉ nhìn sắc mặt Tề Hoàn hầu đã biết rõ bệnh và khuyên: Bệnh của ngài không nặng, chỉ ở ngoài da, chữa trị rất mau khỏi. Nhưng Tề Hoàn hầu đã không tin. Vài ngày sau, Biển Thước thấy bệnh đã vào sâu hơn, liền báo động: Bệnh của ngài đã vào huyết mạch, nếu không trị ngay, e rằng có thể nguy hại đến tính mạng. Tề hầu vẫn coi thường không chịu chữa trị … Vài chục ngày sau, Biển Thước cũng chỉ cần nhìn, nghĩa là chỉ dùng tới phép “vọng”, biết bệnh của Tề hầu đã nguy kịch, không thuốc gì có thể chữa khỏi, nên liền bỏ trốn. Còn sách Châm cứu giáp ất kinh của Hoàng Phủ Mật, có ghi lại sự việc về Trương Trọng Cảnh.  Một lần, sau khi chẩn bệnh cho thị trung Vương Trọng Nghi, Trương Trọng Cảnh đã nói: Ngài có bệnh, nếu không chữa trị ngay, tới năm 40 tuổi lông mày sẽ bị rụng, nửa năm sau đó sẽ chết. Khi đó, họ Vương vẫn còn đang trẻ khỏe, ngoài 20 đã làm quan tới chức thị trung, nên đã không để tâm tới nhận định của Trương Trọng Cảnh,  không uống thuốc theo đơn được kê. Hơn chục năm sau, tới 40 tuổi, hai lông mày quả nhiên rụng sạch, họ Vương mới biết đã quá muộn, và qua đời nửa năm  sau đó. Và đây là một sự việc có thực hoàn toàn, không chút hư cấu. Trương Trọng Cảnh có y thuật cao siêu như vậy, nên mới được tôn vinh là bậc “thánh y”, và bộ Thương hàn tạp bệnh luận do ông trước tác,  mới được thừa nhận là một trong “Tứ đại kinh điển” của Đông y, xếp ngang với Nội kinh, Nạn kinh và Thần Nông bản thảo kinh. 
Mọi thứ bệnh tật, đều đi từ “chưa thành hình” đến “đã thành hình”, từ “vị bệnh” đến “dĩ bệnh”, từ “phi thực thể” đến “thực thể”. Thầy thuốc có khả năng “thủ thần”, mới có thể chữa trị bệnh ngay từ khi bệnh chưa hình thành, còn trong giai đoạn “phi thực thể”.  Chữa trị sớm, dễ thực hiện, tốn ít công sức, kết quả mỹ mãn. Ngược lại, chờ đến khi bệnh đã thành hình, thậm chí đã cố kết không gì phá nổi, mới chữa trị sẽ rất khó khăn, tốn rất nhiều công sức, tiền của, mà không thể mang lại kết quả mong muốn. Do đó, ngay ở  trang đầu, sách Kim quỹ yếu lược đã viết: “Thượng công trị vị bệnh” (Bậc thượng công chữa trị ngay từ khi chưa có bệnh).
“Trị vị bệnh” trên thực tế có 2 hàm nghĩa. Thứ nhất, khi mắc bệnh cần phải chữa sớm. Nói chung, trong giai đoạn bệnh mới phát sinh, cơ thể chưa bị tổn thương nhiều, sức chống bệnh vẫn còn vững mạnh, nếu chữa trị kịp thời sẽ mau khỏi bệnh. Chờ đến khi bệnh đã vào sâu, cơ thể đã bị hao tổn nặng, dù có gặp được thầy giỏi, cũng rất khó khỏi. Trong lĩnh vực chữa trị từ sớm, ngăn bệnh truyền biến (biến chứng), Đông y đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm vô cũng quý giá. Như sách Kim Quỹ yếu lược đã nói về cơ chế truyền biến bệnh trong “ngũ tạng” (5 tạng: tâm, can, tỳ, phế, thận), chẳng hạn giữa tạng can và tạng tỳ như sau: Trị vị bệnh là thấy tạng can bị bệnh, thì biết bệnh tà ở tạng can sẽ truyền qua tạng tỳ, phải sớm làm cho tỳ mạnh lên. Nghĩa là, một người bị bệnh ở tạng can, ví dụ viêm gan, ban đầu thấy xuất hiện những triệu chứng như vàng da, gan to, đau ở vùng gan… Sau một thời gian, xuất hiện những triệu chứng như lợm giọng, nôn mửa, đau bụng, chán ăn… Đó là hiện tượng bệnh tà ở tạng can đã truyền sang tạng tỳ. Do đó, khi chữa bệnh can, không chờ tới khi  bệnh ở tỳ xuất hiện,  đã sớm sử dụng những thứ thuốc củng cố tạng tỳ, để tỳ tránh khỏi ảnh hưởng xấu của bệnh ở can.
Thứ hai, “trị vị bệnh” có nghĩa là, chữa trị ngay từ khi bệnh chưa hình thành, phòng ngừa bệnh tốt hơn chữa bệnh. Chờ tới khi đã bị mắc bệnh, mới vội vàng tìm thầy tìm thuốc, không bằng tìm biện pháp dự phòng từ trước, khiến cho bệnh không thể phát sinh. Như Nội kinh nói: Bậc thánh nhân không chờ tới khi có bệnh mới chữa trị, mà chữa từ khi chưa có bệnh. Bệnh đã hình thành mới dùng thuốc chữa, xã hội đã rối loạn mới lo chấn chỉnh, khác gì khi khát nước mới đào giếng, giặc tới nơi mới đúc binh khí, chẳng quá muộn sao?  (Thánh nhân bất trị dĩ bệnh, trị vị bệnh; bệnh dĩ thành nhi hậu dược chi, loạn dĩ thành nhi hậu trị chi, ví do khát nhi xuyên tỉnh, đấu nhi chú binh, bất diệc vãn hồ). Do chủ trương “trị vị bệnh”, nên Đông y cực kỳ coi trọng dưỡng sinh. Trong Đông y cổ truyền, dưỡng sinh được đặt ở vị trí tối cao, còn trị liệu chỉ được xem là biện pháp ở bình diện thấp. Tấn công trực tiếp vào “bệnh tà” chỉ được Đông y xem như biện pháp cuối cùng, khi bất đắc dĩ.
Như vậy, “Thượng công trị vị bệnh” có nghĩa là: Khi bị bệnh cần chữa trị sớm và đề phòng sự truyền biến của bệnh; khi chưa bị bệnh cần chú ý dưỡng sinh để dự phòng bệnh. Đó cũng là tư tưởng cơ bản trong y học dự phòng ngày nay.
“Trị vị bệnh”, coi trọng phòng bệnh hơn chữa bệnh, không chỉ là phương châm sáng suốt, mà còn là một nét độc đáo của văn hóa dân tộc.  Để thừa kế, phát huy truyền thống tốt đẹp đó, ngay từ khi nước Việt Nam mới được thành lập, ngoài việc củng cố và mở rộng hệ thống các bệnh viện, Nhà nước còn tiến hành xây dựng các cơ sở vệ sinh phòng dịch và mạng lưới y tế cơ sở, để có thể phòng ngừa bệnh phát sinh và chữa trị bệnh ngay  từ sớm.
Trong tương lai, với sự phát triển của kỹ thuật chẩn đoán gen, y học sẽ có khả năng chẩn đoán bệnh từ sớm, và có thể ngăn chặn bệnh ngay từ giai đoạn chưa hình thành. Có thể hy vọng, khi đó “Trị vị bệnh” sẽ thành hiện thực,  “trị vị bệnh” có thể sẽ không còn là một “đặc quyền” của bậc “thượng công”, mà sẽ trở thành việc thường nhật của tất cả thầy thuốc lâm sàng.

Gửi thảo luận