Nhiều người, đặc biệt là đàn ông và phụ nữ trong độ tuổi trung niên trở lên, đang uống bổ sung calci nhằm phòng ngừa bệnh loãng xương. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo việc bổ sung này có thể gây hại vì làm tăng nguy chết vì bệnh tim.
Hàng trăm ngàn người trưởng thành đang dùng bổ sung calci, hoặc theo chỉ định của bác sĩ để chống lại bệnh loãng xương – căn bệnh mà trong đó xương trở nên mỏng đi và ngày càng dễ gãy, vỡ hơn – hoặc như một biện pháp phòng ngừa, bảo vệ xương.
Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đối với 388.000 người phát hiện, đàn ông dùng bổ sung calci với liều lượng hơn 1.000mg/ngày có nguy cơ bị mắc bệnh tim và chết vì nó cao hơn tới 20%. Tác động này không được ghi nhận ở nữ giới.
Dẫu vậy, những người có chế độ dinh dưỡng giàu calci chỉ thông qua thực phẩm và đồ uống sẽ không phải đối mặt với việc tăng nguy cơ bị bệnh tim, theo các nhà nghiên cứu đến từ Viện Ung thư quốc gia Mỹ.
Các viên thuốc bổ sung sẽ làm tăng nồng độ calci lưu thông trong máu và dường như tạo ảnh hưởng xấu đến hệ thống tim mạch. Các chuyên gia tin rằng, nồng độ calci cao hơn trong máu dẫn đến xơ cứng động mạch, hiện tượng rốt cuộc có thể gây ra các cơn đau tim.
Cục Tiêu chuẩn thực phẩm của Anh khuyến nghị người trưởng thành cần 700mg calci/ngày và chúng nên được bổ sung từ thực phẩm như sữa, pho mát và rau quả xanh, rậm lá.
Các tác giả nghiên cứu kết luận: “Liệu có sự khác biệt về giới tính trong ảnh hưởng của các viên thuốc bổ sung calci đối với hệ tim mạch của chúng ta hay không cần được nghiên cứu thêm. Trước thực tế rằng người dân ngày càng lạm dụng uống thuốc bổ sung calci, việc đánh giá cách sử dụng các viên thuốc calci ngoài mục đích tăng cường sức khỏe của xương là rất quan trọng”.
So với nam giới, phụ nữ lớn tuổi có nhiều nguy cơ loãng xương hơn vì tốc độ tổn thương xương tăng lên do thời kỳ mãn kinh. Tính trung bình, tỉ lệ người trên 50 tuổi bị gãy xương vì bệnh loãng xương ở phụ nữ là 1:2 và ở đàn ông là 1:5.
Trang chủ » Phổ biến kiến thức » Sử dụng thuốc an toàn » Uống calci liều cao sẽ tăng 20% nguy cơ bệnh tim