Nhờ kiến thức thu thập trong thập niên gần đây về tác hại của chất oxy hóa trong cơ thể của người vận động quá thường, hiện không còn ai nghi ngờ về tình trạng vận động viên là miếng mồi ngon của nhiều căn bệnh thời đại do ảnh hưởng tích lũy của chất oxy-hóa sản sinh trong quá trình tiêu hao dưỡng khí khi tập luyện. Các nhà nghiên cứu đã chứng minh là hàm lượng chất oxy-hóa tăng gấp 5, thậm chí có khi đến 10 lần, sau mỗi buổi tập. Đó là lời giải thích tại sao nhiều vận động viên chuyên nghiệp trước đó khỏe mạnh lại là nạn nhân của nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, đột quỵ sau thời gian ngắn tạm biệt với thao trường! Cũng chính vì thế mà nhiều thầy thuốc đã từ lâu khuyến khích sử dụng các hoạt chất có tính kháng oxy-hóa và chống ung thư như tiền sinh tố A trong gấc, sinh tố E trong dầu gan cá, selen trong rau mầm, ECPG trong trà xanh, ginsenosides trong nhân sâm, vanadium trong linh chi, polysaccahrid trong rong biển… cho người tập thể dục thể thao để trung hòa chất oxy-hóa càng sớm càng tốt, càng nhiều càng hay.
Thêm vào đó, người ưa thể dục thể thao có thể tự bảo vệ trước tác hại của chất oxy-hóa nếu đừng quên:
-Uống nước cho đủ trước, trong lúc và sau khi ra sân: Nếu tối thiểu 70% tổng lượng cơ thể là nước thì hiểu ngay tại sao người chơi thể thao vừa mau mệt, vừa thiếu thao tác hài hòa khi dẫn truyền thần kinh khó tránh rối loạn do thiếu hụt nước và chất điện giải?! Nên tiếp tế cho cơ thể bằng nước khoáng thiên nhiên, loại có nhiều Na, K, Mg, Ca, P… càng tốt, khoảng nửa giờ trước khi ra sân. Quan trọng hơn nữa là bổ sung nước trong lúc đang đổ mồ hôi, không cần nhiều hơn 100ml, nhưng đều đặn mỗi nửa giờ. Tuyệt đối tránh một lỗi lầm nghiêm trọng. Đó là đợi khát mới uống! Trong vòng một giờ sau buổi tập luyện chính là khoảng thời gian cần thiết để bổ sung lượng nước đã thất thoát qua mồ hôi nhuể nhại, qua hơi thở dồn dập. Tốt nhất là pha nước khoáng với nước trái cây loại nào hạp khẩu vị theo tỷ lệ 3 phần nước khoáng, 1 phần nước ép trái cây.
-Bổ sung sinh tố, khoáng tố và men cần thiết cho khả năng phối hợp của hệ vận động: Đừng nói chi đến môn đòi hỏi chạy tới chạy lui, cho dù ngồi thiền thì cơ thể vẫn phải tiêu hao năng lượng, nghĩa là khó tránh tận dụng nguồn dự trữ sinh tố, khoáng tố, cũng như phải huy động nhiều loại men cần thiết cho phản ứng sinh năng trong lúc chơi và trong giai đoạn phục hồi sau khi tập. Thay vì dùng thuốc đa sinh tố-khoáng tố để rồi cơ thể phải đối đầu với chất phụ gia, thói quen ăn trái cây, loại nào cũng được, miễn là nhiều lần trong ngày, là biện pháp đơn giản để giúp cơ thể giữ nét tươi mát. Khéo hơn nữa là chú trọng vào vài loại trái cây chứa nhiều men chống mệt mỏi bắp thịt. Đó là chuối, thơm và đu đủ.
-Đừng để thiếu chất béo trước giờ tập luyện: Nếu tưởng càng ăn ngọt càng dễ sinh năng lượng để ứng phó nhanh trong lúc thi đấu thì đúng nhưng không hay vì chưa chính xác. Lửa do chất đường chỉ là lửa rơm, bạo phát bạo tàn. Trái lại, nếu muốn đủ năng lượng để cầm cự đến phút cuối thì cơ thể phải được chuẩn bị trước đó với khẩu phần có đủ chất béo vì đó là nguồn dự trữ năng lượng theo kiểu bền lâu. Đủ khác xa với thừa, và béo không đồng nghĩa với thịt mỡ.
-Tránh thừa chất đạm sau buổi tập luyện: Từ góc nhìn tượng hình, nhiều người vẫn tưởng muốn phục hồi nhanh cần cung cấp cho cơ thể chất đạm. Đúng ở điểm cơ thể cần chất đạm cho phản ứng kiến tạo, nhưng sai ở điểm cơ thể không cần ngay vào ngày hôm đó hay thậm chí hôm sau. Thói quen ăn nhiều thịt, nhất là vì cảm giác bụng đói cồn cào sau giờ thao luyện, rất thường khi là một trong các lý do khiến “vận động viên” mỏi mệt, vọp bẻ… vào sáng hôm sau! Hậu quả này lại ít khi được quan tâm đúng mức vì không đến độ làm “thủ phạm” đo ván, nhưng tình trạng mệt mỏi sớm muộn cũng tích lũy để đến lúc nào đó thì giọt nước tràn ly. Không lạ gì khi nhiều người càng chơi thể thao càng mau bị bệnh gout!
-Đừng thiếu chất đường cho tiến trình phục hồi: Có một điều hầu như chắc chắn. Đó là cơ thể phải hết pin sau buổi thể dục thể thao, trừ khi “vận động viên” ra sân chỉ để làm… màu! Nếu “thủ phạm” sau đó lại lao ngay vào công việc thì không lạ gì nếu chất lượng của công việc còn tệ hơn lúc ra sân! Đừng quên trong vòng một giờ sau khi rời sân là lúc phải ăn ngọt. Đây chính là thời điểm lý tưởng cho chén chè, miếng bánh ngọt… để gia chủ vừa sạc pin vừa phân tích lý do thành bại vừa rồi. Đừng lầm chất ngọt trong nếp sinh hoạt của người tập thể dục thể thao với bản tin tô màu xám về bệnh tiểu đường. Sức khỏe bao giờ cũng đồng nghĩa với quân bình cung cầu. Người chơi thể thao, nếu có chơi, phải tiêu hao năng lượng. Vận động viên vì thế rất cần chất đường nếu muốn còn đường ăn thua.
Ăn gì cũng thế phải biết cách ăn sao cho khéo để vừa ngon, vừa khỏe. Muốn chơi cho hay mà không biết cách ăn tất nhiên khó lòng “chơi tới bến”! Chơi thế thì chơi làm gì!