Theo DailyMail, một nghiên cứu mới nhất tại Nhật cho thấy, các tế bào gốc của người có khả năng hình thành nên các biểu mô cho phép mắt nhìn thấy ánh sáng.
Trong tương lai, việc cấy ghép biểu mô này vào tròng mắt sẽ có thể giúp các bệnh nhân khiếm thị hoặc suy giảm thị lực nhìn lại được.
Tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Yoshiki Sasai của Trung tâm Phát triển Sinh học RIKEN khẳng định đây là “một cột mốc quan trọng cho y học tái tạo thế hệ mới. Cách tiếp cận của chúng tôi sẽ mở ra một hướng đi mới cho việc sử dụng các biểu mô phức tạp, có nguồn gốc từ tế bào gốc, để trị liệu”.
Trong quá trình phát triển, võng mạc (vốn rất nhạy sáng) sẽ tạo ra một cấu trúc có tên “cốc quang học”. Với nghiên cứu mới, Tiến sĩ Sasai và các cộng sự đã thành công trong việc khuyến khích cấu trúc này “mọc” lên từ các tế bào gốc được lấy từ phôi thai người.
Tuy nhiên, bản thân các tế bào gốc kiểu này vẫn đang gây nhiều tranh cãi, bởi để tạo ra chúng đòi hỏi các nhà nghiên cứu phải phá hủy một phôi thai, việc mà các tổ chức nhân đạo kịch liệt lên án.
Cốc quang học do tế bào gốc tạo nên vẫn có được hình dạng 3D và hai tầng mô chuẩn xác như của võng mạc thông thường. Trong hai tầng mô này sẽ có một tầng mô chứa rất nhiều tế bào nhạy sáng photoreceptors.
Ông Sasai khẳng định, do việc võng mạc bị tổn thương sẽ trực tiếp phá hủy những tế bào này nên mô từ tế bào gốc có thể là vật liệu cấy ghép lý tưởng.
Giúp người mù khôi phục thị lực bằng tế bào gốc
Theo: Việt Nam Net