Trang chủ » Phổ biến kiến thức » Sức khoẻ - Giới tính » Hai phát hiện độc đáo của đông y về hoạt động giới tính

Hai phát hiện độc đáo của đông y về hoạt động giới tính

 
Vài nét về tình dục học
 
Hiện tại, giới chuyên môn thường gọi “Phòng trung thuật” là “Tình dục học cổ đại”, để phân biệt với “Tình dục học hiện đại” hình thành ở phương Tây. Điều đáng chú ý là, giữa hai khoa học tình dục học đó, có một sự khác biệt cơ bản về cách tiếp cận. Nghiên cứu tình dục ở phương Tây được tiến hành theo phương pháp, nói đơn giản là “hiện tượng học”, nghĩa là tiến hành quan sát và làm sáng tỏ các hiện tượng xuất hiện trong quá trình hoạt động tình dục. Trong khi đó, phương Đông đặt trọng tâm vào các chức năng. Chuyên gia tình dục học phương Đông cho rằng, hành vi tình dục ở con người có 3 chức năng chính: Khoái lạc, sức khỏe và sinh sản; Trong đó chức năng sức khỏe được đặt lên hàng đầu. Để phát huy được đầy đủ các chức năng đó, “giao tiếp âm dương” phải tiến hành theo “đạo”, nghĩa là phải theo đúng nguyên tắc và phép tắc.
 
Trong giao tiếp âm dương, người xưa rất coi trọng vấn đề “đồng hứng” và “đồng lạc”. Nghĩa là, chỉ được giao hợp khi nam nữ cùng mong muốn và cùng vui vẻ. “Đồng hứng” – “đồng lạc” là điều kiện tiên quyết và đồng thời cũng là mục tiêu của quá trình giao tiếp âm dương. Để giúp cho vợ chồng, nam nữ có thể đạt tới mục tiêu đó, các chuyên gia tình dục cổ đại đã quan sát, nghiên cứu rất công phu và đã phát hiện nhiều quy luật về tâm lý và sinh lý tình dục ở con người. Trong đó, trước hết phải kể đến 2 phát hiện hết sức độc đáo, đó là tứ chí ở nam và cửu chí ở nữ.
 
Tứ chí ở nam
 
Tứ chí là 4 dấu hiệu, 4 trạng thái biểu hiện các mức độ xung động ở nam giới. Để có thể tiến hành giao tiếp, nam giới phải có đủ 4 điều kiện, đó là tứ chí (chí=đến, tứ chí= 4 loại khí đã hội tụ đủ). Như y thư viết: “Ngọc kinh bất nộ, hòa khí bất chí; Nộ nhi bất đại, cơ khí bất chí; Đại nhi bất kiên, cốt khí bất chí; Kiên nhi bất nhiệt, thần khí bất chí”. Nghĩa là: Ngọc căn không bột khởi lên được, đó là “Can khí” chưa tới; “Can khí” =  “khí” (năng lượng) của tạng can; Bột khởi nhưng không nở to, đó là “tỳ khí” chưa đến đủ; “Tỳ khí” = khí của tạng tỳ. Nở to nhưng không cứng, đó là “thận  khí” chưa đủ; “Thận  khí” = khí của tạng thận. Cứng mà không nóng, là “thần khí” chưa đủ; “thần khí” = khí của tạng tâm, vì “Tâm tàng thần”.
 
Bột khởi, nở to, cứng rắn, nóng ấm, theo y học hiện đại, đó là các mức độ xung huyết trong huyết quản ở dương vật. Còn tứ chí ở đây, được lý giải theo quan điểm theo lý luận về tạng tượng của Đông y học. Cụ thể: Muốn cho ngọc căn (dương vật) bột khởi lên được, “can khí” (khí – năng lượng của tạng Can) phải hội tụ đủ, vì can chủ “cân” (gân). Bột khởi nhưng không nở to, đó là “tỳ khí” (khí của tạng tỳ) chưa hội tụ đủ, vì  tỳ chủ “cơ nhục” (cơ thịt). Nở to nhưng không cứng là do “thận khí” (khí của tạng thận) chưa tới đủ, vì tạng thận chủ quản xương cốt. Cứng nhưng không ấm là “tâm khí” chưa đủ và không thể giao hợp được lâu; Tâm tàng “thần”, ngọc căn không ấm là “tâm khí” chưa đủ,  tinh thần không kiên định, nên không thể giao hợp lâu.   
 
Tứ chí là 4 điều kiện nam giới cần có đủ, để có thể giao hợp với nữ giới một cách mỹ mãn. Chưa có đủ tứ chí thì không thể giao hợp. Người xưa cho rằng, khi chưa đủ tứ chí, thì chớ nên cường dụng – tức giao tiếp một cách miễn cưỡng. Giao tiếp miễn cưỡng, chẳng những không thể khiến nữ giới vui vẻ mà còn làm tổn hại sức khỏe bản thân nam giới. Can khí chưa đến đủ, miễn cưỡng giao hợp sẽ hại gân, tinh dịch chỉ tiết ra từng giọt mà không thể phóng xuất mạnh mẽ. Thận khí chưa đến, giao tiếp sẽ có hại đối với xương cốt, tinh dịch không thể xuất, hoặc có xuất thì cũng rất ít. Tâm khí chưa đến đủ, cố gắng giao tiếp sẽ  hại huyết, dễ dẫn đến chứng bệnh lãnh tinh (tinh lạnh). Trong Đông y, tứ chí còn thường được sử dụng để phân loại chứng bệnh “dương nuy” (rối loạn cương cứng). Tứ chí không chỉ là những biểu hiện (triệu chứng) điển hình, mà còn cho thầy thuốc biết rõ về nguyên nhân, tạng phủ liên đới, nên chúng có tác dụng rất lớn, trong phân loại và chữa trị chứng bệnh dương nuy trên lâm sàng.
 
Cửu chí ở nữ
 
Cửu chí, là 9 trạng thái – 9 giai đoạn phản ánh mức độ hưng phấn tình dục ở nữ giới, đồng thời là những dấu hiệu giúp cho nam giới đánh giá đúng mức độ khoái cảm ở nữ giới. Y gia thời xưa đã tiến hành nghiên cứu rất kỹ quá trình hình thành cao trào ở nữ giới và đã phát hiện thấy rằng, trong mỗi giai đoạn, “khí” (năng lượng) đều dồn tới một bộ phận nhất định của cơ thể, tạo ra những phản ứng đặc thù, có thể quan sát và nhận biết. 
 
Cụ thể: Má ửng hồng, miệng cười tủm tỉm, đó là tâm khí (khí của tạng Tâm) đã đến; Mắt ướt lung linh, liếc nghiêng đưa tình, đó là can khí đến; Cúi đầu e lệ, đó là phế khí đến; Nghiêng đầu ngả mình, tự thân rung động, đó là tỳ khí đến; Ngọc môn mở ra, quỳnh dịch thấm ướt, đó là thận khí đến; Xương khớp tê dại, bất động, là cốt khí (khí của xương) đến; Hai chân quặp chặt lấy cơ thể nam giới, đó là cân khí đến (cân=gân cơ); Toàn thân rỉ mồ hôi, nóng ran, đó là huyết khí đến (khí của huyết dịch đã tới); Da thịt mềm nhũn, đờ đẫn như đã “chết”, đó nhục khí đến.
 
Tương tự như tứ chí ở nam giới, cửu chí ở nữ giới cũng được lý giải theo quan điểm dưỡng sinh, phòng trừ bệnh tật. Cửu khí phải đến đủ, mới có thể tiến hành giao tiếp cùng với nam giới; Khi đó mới dễ dàng đạt tới khoái cực, có lợi với sức khỏe, tuổi thọ. Nếu giao tiếp miễn cưỡng, trong điều kiện nữ giới chưa có đủ cửu khí, sẽ sinh bệnh và giảm tuổi thọ. Như phế khí chưa tới, vội vã giao hợp, thì tạng phế sẽ bị tổn thương, lâu ngày sẽ dễ bị cảm mạo, mắc chứng ho, hen suyễn… Thận khí khi ngọc hộ chưa mở, cố giao tiếp, thì tạng thận sẽ bị tổn thương, kinh nguyệt bị rối loạn…
 
“Đạo” giữa tứ chí và cửu chí
 
Trong giao tiếp âm dương rất cần tri thời, nghĩa là bắt đầu và kết thúc đúng lúc. Ví như nữ giới đang hưng phấn, mà nam không “chớp lấy thời cơ”, hưng phấn qua rồi mới giao tiếp, thì nữ giới sẽ bị thương tâm (tạng Tâm bị tổn thương). Ngọc căn chưa bột khởi cứng rắn, mà cố giao tiếp, thì dễ bị tổn thương ở mắt, dễ dẫn đến mù. Ngược lại, ngọc căn cứng đơ mãi, giao tiếp quá lâu, hứng tình đã qua vẫn chưa ngừng, tạng tỳ ở nữ giới dễ bị tổn thương, dẫn tới đau bụng, khó tiêu, tiêu hóa rối loạn…
 
Về mặt khoa học, tứ chí và cửu khí là những phát hiện rất độc đáo, cho tới nay vẫn còn giá trị. Những phát hiện và thể nghiệm đó còn chứng tỏ hiểu biết của người xưa về hoạt động tình dục không chỉ giới hạn trong phạm vi cơ quan sinh dục mà đã được nhận thức một cách toàn diện về phương diện sinh lý cũng như tâm lý.
 
Xét trên thực tế, tứ chí và cửu khí nói đến ở đây, chủ yếu liên quan tới những đôi vợ chồng tuổi trung niên và người cao tuổi. Với nam nữ đang độ thanh xuân, tiềm năng tình dục mới hình thành và đang rất mạnh; Nam rất dễ đạt xuất hiện trạng thái tứ chí, nữ mau chóng có đủ cửu khí; Một kích thích vô cớ, ngẫu nhiên – nhất là những kích thích về thị giác đối với nam giới và xúc giác đối với nữ giới –  đã có thể khiến cho các xung năng tình dục tự nhiên bùng phát. Tuy nhiên, việc phổ biến một cách thích đáng những kiến thức về giới tính, cho các đối tượng trẻ, lại rất cần thiết. Bởi khi đã nắm được những quy luật về sinh lý, tâm lý tình dục, có thể chủ động tránh xa những kích thích bất lợi, tự mình tìm ra những biện pháp thích hợp để tự điều tiết, nhằm tập trung sức lực vào sự nghiệp và những việc có ích, như tham gia các hoạt động xã hội, thể dục thể thao, để phân tán và tự giải tỏa.

Gửi thảo luận