Trang chủ » Phổ biến kiến thức » Phòng và chữa bệnh » Viêm khớp dạng thấp: Điều trị sớm để tránh nguy cơ tàn phế

Viêm khớp dạng thấp: Điều trị sớm để tránh nguy cơ tàn phế

PGS.TS Vũ Thị Thanh Thủy, Nguyên trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai – Chủ tịch Hội Loãng xương Hà Nội

 

PV: Thưa GS thời gian qua Thaythuocvietnam.vn đã nhận được rất nhiều thắc mắc của bạn đọc về các bệnh liên quan đến xương khớp. Đặc biệt tôi thấy bạn đọc thắc mắc rất nhiều về bệnh Viêm khớp dạnh thấp. Vậy GS có thể cho biết viêm khớp dạng thấp là gì?

PGS.TS Thủy: Viêm khớp dạng thấp là một bệnh nằm trong nhóm bệnh tự miễn, có nghĩa là trong cơ thể có một chất tự sinh ra gây viêm khớp bao gồm viêm màng hoạt dịch khớp và các thành phần của khớp.Các khớp thường bị viêm mãn tính. Bệnh còn có thể gây tổn thương các bộ phận khác của cơ thể như tim, phổi, mắt, mao mạch…

PV: Vậy những triệu chứng đầu tiên của viêm khớp dạng thấp là như thế nào thưa GS?

PGS.TS Thủy: Triệu chứng toàn thể: thường mệt mỏi, sốt, thiếu máu, gầy sút. Có tổn thương khớp như các khớp sưng, nóng, đỏ, đau. Thường xuất hiện ở các vị trí: khớp cổ tay, bàn ngón tay, khớp liên đốt ngón tay, khớp gối, khớp cổ chân, khớp ngón chân. Điều quan trọng là tổn thương khớp có tính chất đối xứng 2 bên.Ví dụ: viêm khớp cổ tay trái thì cũng sẽ biểu hiện viêm cả cổ tay phải (tuy nhiên cũng có trường hợp hiếm gặp là chỉ viêm một khớp).

 

 

Ảnh minh họa Viêm khớp dạng thấp

 

PV: Với những triệu chứng như vậy thì lứa tuổi hay gặp viêm khớp dạng thấp?

PGS.TS Thủy: Bệnh có thể xảy ra ở tất cả các lứa tuổi, nhưng tuổi thường gặp là từ 40 – 60 tuổi.

PV: Bệnh viêm khớp dạng thấp có nguy hiểm không?

PGS.TS Thủy: Bệnh gây viêm khớp mãn tính và gây biến dạng khớp, hẹp khe khớp, teo cơ gây mất khả năng vận động nếu không điều trị kịp thời… đặc biệt là bệnh có thể gây biến chứng về mắt, tổn thương tim mạch (hiếm hơn bệnh thấp tim), nhiễm trùng bội nhiễm, thiếu máu. Có thể nguy cơ tử vong do biến chứng nhiễm trùng….

PV: Cách điều trị bệnh như thế nào? Người bệnh có thể làm gì để tự bảo vệ khớp nếu như bị viêm khớp?

PGS.TS Thủy:
 
Điều trị:

Mục đích điều trị là để làm giảm viêm khớp, giảm đau và đề phòng sự hủy xương, biến dạng khớp để phục hồi chức năng vận động.

Điều trị càng sớm càng tốt vì hiệu quả điều trị càng cao tránh được nguy cơ tàn phế.

Các thuốc điều trị bao gồm thuốc tác dụng nhanh (có tác dụng chống viêm giảm đau, có nghĩa là có tác dụng điều trị triệu chứng) và thuốc tác dụng chậm (là thuốc điều trị cơ bản, có nghĩa là bắt buộc phải sử dụng vì điều trị theo cơ chế sinh bệnh).

Xương bàn tay bình thường và bàn tay bị viêm khớp dạng thấp trên phim Xquang

* Các thuốc tác dụng nhanh bao gồm:

– Thuốc chống viêm không steroid (CVKS) như diclofenac (Voltarel), Ibuprofen, pyroxicam (Felden), Meloxicam (Mobic). Lưu ý khi sử dụng những thuốc này cần thận trọng có thể có tác dụng viêm loét dạ dày, nên bạn thường được bác sĩ cho uống kết hợp với những thuốc phòng dạ dày. Có một số thuốc chống viêm nhưng ít tác dụng phụ lên dạ dày như: celecorcib (celebrex), Etoricoxib (Arcoxia)…

– Corticoids (Pretnisolon,dexamethasol, medexa…): chỉ định dùng khi tình trạng viêm nặng lên do không đáp ứng với các thuốc chống viêm không steroids (CVKS). Nên dùng ngắn ngày. Khi sử dụng loại này cần được theo dõi cẩn thận và phải được tư vấn cẩn thận bởi bác sĩ chuyên khoa, tuyệt đối không được tự ý sử dụng. 

– Thuốc CVKS và corticoid chỉ có tác dụng chống sưng, viêm khớp nhưng không phòng được nguy cơ hẹp khe khớp, biến dạng khớp do đó bắt buộc phải điều trị những thuốc điều trị cơ bản, đó là:

* Thuốc tác dụng chậm (là thuốc có tác dụng từ từ, có thể sau vài tuần mới có hiệu quả), bao gồm:

Methotrexate,hydroxycloroquine, Salazopyrin, Azathioprine, cyclophosphamide, clorambucine Clorambucine, cyclosporine. Nhóm này có tác dụng chống hủy khớp. Cần được theo dõi thường xuyên bởi bác sĩ để phát hiện kịp thời những tác dụng của thuốc.

Việc điều trị những thuốc điều trị cơ bản (tác dụng chậm) cần điều trị lâu dài, có thể nhiều năm.

Những thuốc sinh học (biologic) như Entanercept (Enbrel), Infliximab (Remicade), Rituximab (rituxan)… là những thuốc mới, đã được sử dụng nhiều ở các nước phát triển và đã có mặt tại Việt Nam. Nhóm này có tác dụng lên cơ chế bệnh sinh của bệnh như ức chế các yếu tố tiền viêm như TNF alpha, Interlerkin 6…

Cần kết hợp với tập luyện tốt, vật lý trị liệu và có một chế độ dinh dưỡng tốt.

Trường hợp khớp bị biến dạng, mất chức năng vận động thì có thể được thay khớp.

PV: Bệnh viêm khớp dạng thấp có thể phòng ngừa được không thưa PGS?

PGS.TS Thủy: Bệnh này có tính chất gia đình, cơ địa do đó không thể tránh được một các tuyệt đối. Tuy nhiên, có thể phòng ngừa được bằng cách có một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, nơi ở sạch sẽ, thoáng mát. Khi có các biểu hiện của bệnh cần được khám và tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa và uống thuốc lâu dài để phòng nguy cơ biến dạng khớp.

PV: Chế độ ăn uống đối với người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp? (nên ăn và không nên ăn)

PGS.TS Thủy: Cần có một chế độ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, nhiều rau và hoa quả để có nhiều chất xơ và chống oxy hóa có thể hỗ trợ làm giảm đau và viêm khớp.

Tăng cường ăn cá có nhiều dầu omega 3 acid, gạo nguyên hạt, không sát vỏ.

Không nên ăn nhiều mỡ, phủ tạng, không uống nhiều rượu và không nên hút thuốc.

 

Vâng xin cảm ơn PGS.TS Vũ Thị Thanh Thủy về cuộc trò chuyện này. Hi vọng cuộc phỏng vấn trên đây sẽ là một kiến thức bổ ích giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về bệnh viêm khớp dạng thấp. Bạn đọc quan tâm, thắc mắc về bệnh viêm khớp dạng thấp hay những vấn đề liên quan đến các bệnh xương khớp có thể đặt câu hỏi và gửi về cho chúng tôi theo địa chỉ email:hoidap@thaythuocvietnam.vn hoặc gửi vào ô comment dưới đây chúng tôi sẽ giải đáp thắc mắc của quý bạn đọc.

 
PV Thaythuocvietnam.vn

Gửi thảo luận