Trang chủ » Tin tức » Thành tựu Y học » Biến tế bào da thành cơ tim đập được

Biến tế bào da thành cơ tim đập được

Các nhà nghiên cứu từ Haifa của Israel nói hiện vẫn cần vài năm nữa cho thử nghiệm và tinh chỉnh. Tuy vậy, các kết quả có nghĩa họ đã thực sự tái chương trình hóa được các tế bào của bệnh nhân để sửa chữa cho tim bị tổn thương.
Tác giả của nghiên cứu Lior Gepstein, từ  Technion (Đại học công nghệ Israel) nói “Chúng tôi đã chỉ cho thấy khả năng lấy các tế bào da từ một bệnh nhân cao tuổi bị suy tim nặng và tạo ra được các tế bào tim của chính bệnh nhân đó trên đĩa thử nghiệm – những tế bào này khỏe mạnh và trẻ trung”.
Nghiên cứu được đăng trên tờ European Heart Journal ngày hôm nay (24/5/2012), các tác giả nói các thử nghiệm lâm sàng về kỹ thuật này có thể bắt đầu trong 10 năm tới.
Suy tim là tình trạng gây tàn phế, khi tim không thể bơm máu một cách đầy đủ đi khắp cơ thể. Suy tim trở nên thường gặp hơn trong những thập kỷ gần đây nhờ những tiến bộ của y học mà ngày càng có nhiều người hơn sống sót được sau khi bị nhồi máu cơ tim.
Hiện tại những người bị suy tim nặng chỉ biết dựa vào các thiết bị cơ khí hoặc chỉ hy vọng vào ghép tim.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu các tế bào gốc từ những nguồn khác nhau từ hơn thập kỷ qua, với hy vọng làm bật ra được khả năng của chúng chuyển thành các loại tế bào khác nhau, phục vụ cho điều trị một loạt các bệnh.
Có hai loại tế bào gốc chủ đạo – các tế bào gốc lấy từ phôi thai hoặc các tế bào đa năng người đã được tái chương trình hóa (hiPSC) thường được lấy từ da hoặc máu.

Các mô đập cùng

Nhóm của ông Gepstein đã lấy các tế bào da của hai người đàn ông bị suy tim, độ tuổi là 51 và 61, rồi chuyển dạng chúng bằng cách bổ sung 3 gen và sau đó là một phân tử nhỏ được gọi là acid valproic vào trong nhân tế bào.
Họ thấy các hiPSC thu được là có thể biệt hóa và trở thành các tế bào cơ tim; các tế bào này cũng hiệu quả như các hiPSC được lấy từ những người tự nguyện trẻ và khỏe mạnh (đây gọi là nhóm chứng).
Sau đó nhóm nghiên cứu đã có thể làm cho các tế bào tim này phát triển thành mô cơ tim, lớn lên được trên các đĩa thử nghiệm cùng với mô tim vốn để sẵn.
Trong vòng 24 đến 48 giờ, hai loại mô này đã đập cùng nhau.
Trong bước cuối của nghiên cứu, mô mới được ghép vào trong tim chuột khỏe mạnh và các nhà nghiên cứu thấy chúng đã bắt đầu tạo các liên kết với các tế bào của mô chủ.
Gepstein nói “Chúng tôi hy vọng các hiPSC có nguồn gốc từ các tế bào cơ tim sẽ không bị loại thải sau ghép vào trong chính bệnh nhân đã cho. Kết quả như thế nào sẽ là chủ đề của nghiên cứu tích cực thời gian tới”.
Các chuyên gia về tế bào gốc và tim mạch, không tham dự vào trong công trình của nhóm Gepstein, rất hoan nghênh nghiên cứu này nhưng nói là còn nhiều công sức phải bỏ ra trước khi có hy vọng trở thành một trị liệu hiệu quả.
Giáo sư về tim mạch từ Đại học London John Martin nói “Đây là một bài báo hay, nhưng hiện còn rất sớm và quan trọng đối với bệnh nhân là hy vọng của một kỹ thuật như vậy không bị vuột mất. Những hy vọng về đột phá là nhỏ nhoi và nếu có thành công thì cũng phải cần tới khoảng 15 năm mới đi vào thực tiễn lâm sàng được”.
Một chuyên gia tim mạch của ĐH Edinburgh là Nicholas Mills nói công nghệ này cần phải được tinh chỉnh trước khi có thể sử dụng được cho những bệnh nhân bị suy tim. Tuy nhiên ông cũng nói là phát hiện này là đáng khích lệ và đưa chúng ta tiến thêm một bước nữa gần hơn tới xác định được những cách thức hiệu quả cho sửa chữa tim.


Theo Reuters

Gửi thảo luận