Thuốc tím gentian cũng đã từng được bôi để điều trị chốc lở, viêm lợi hoại tử loét, nhiễm vi sinh vật bề mặt và nhiều bệnh viêm da khác nhau (hăm bẹn), tuy nhiên hiệu lực của thuốc trong những bệnh này chưa được xác định chắc chắn. Thuốc không có tác dụng chống những vi khuẩn kháng acid và bào tử của vi khuẩn.
Ảnh minh họa (nguồn Internet)
|
Khi dùng thuốc cần chú ý, không được dùng thuốc để bôi lên niêm mạc hoặc da bị rách, vết thương hở. Khi sử dụng tím gentian điều trị bệnh nấm Candida miệng, chỉ bôi lên từng thương tổn, vì những tác dụng không mong muốn nghiêm trọng đã xảy ra sau khi dùng thuốc thường xuyên và kéo dài, hoặc khi nuốt một lượng dung dịch thuốc (không được nuốt dung dịch thuốc). Khi bôi cho trẻ nhỏ, phải để trẻ nhỏ úp mặt xuống sau khi bôi thuốc để giảm thiểu lượng thuốc nuốt vào. Tránh thuốc tiếp xúc với mắt.
Cách dùng: Dùng bông bôi dung dịch tím gentian trên những thương tổn, ngày 2 đến 3 lần, trong 3 ngày; không nuốt và tránh tiếp xúc với mắt. Dùng dung dịch 0,25% hoặc 0,5% có hiệu lực tương tự và ít gây kích ứng hơn dung dịch 1 – 2%.
Thuốc tím gentian hạn chế dùng trị nấm da. Ảnh: TL
|
Không có thông tin về sự hấp thụ toàn thân của thuốc tím gentian sau khi bôi ngoài da và niêm mạc. Nhưng khi điều trị kéo dài hoặc thường xuyên nấm Candida ở miệng hoặc bôi quá nhiều vào niêm mạc có thể gây kích ứng tại chỗ, viêm thực quản, viêm thanh quản, viêm khí quản, hoặc buồn nôn, nôn, ỉa chảy và đau bụng. Thuốc cũng có thể gây bỏng, kích ứng, mụn nước, phản ứng mẫn cảm, loét niêm mạc… tại chỗ.
Đối với các bệnh nấm, hiện nay có nhiều thuốc hiệu quả hơn lại không bị nhuộm màu như nystatin và amphotericin B, nên người ta đã hạn chế hoặc không còn dùng thuốc tím gentian để điều trị nấm da nữa.
Dược sĩ Hoàng Thu Thủy