Trang chủ » Phổ biến kiến thức » Sử dụng thuốc an toàn » Thuốc đông y giả – tưởng “lành”, thành bệnh

Thuốc đông y giả – tưởng “lành”, thành bệnh

Tỷ lệ gây choáng

Tháng 12-2011, Công an Hà Nội đã phát hiện và thu giữ hơn 400 hộp Viagra giả. Vừa qua, thuốc viên nén điều trị tim mạch GPRIL-50 (số lô TE-2849, hạn dùng 9-2012, số đăng ký VN-501-08, do Công ty TNHH một thành viên Dược phẩm TƯ 2 nhập khẩu từ Ấn Độ) bị đình chỉ lưu hành và thu hồi vì không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu định lượng. Tương tự, thuốc viên nang LAKANI điều trị viêm gan, giải độc gan, chống dị ứng, mề đay, suy giảm chức năng gan do dùng nhiều bia rượu, tân dược… (số lô 010701, ngày sản xuất 17-7-2010, hạn dùng 17-7-2013, số đăng ký V1295-H12-10, do cơ sở sản xuất thuốc thành phẩm y dược học cổ truyền dược thảo Nhất Nhất sản xuất) không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ nhiễm khuẩn.

Cũng theo thống kê của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, trong 20.000 mẫu thuốc trong nước được kiểm nghiệm, có khoảng 3,5% thuốc giả; tỷ lệ thuốc giả trong nhóm mẫu thuốc nhập từ nước ngoài có năm lên đến 4,5%; thuốc đông y giả, kém chất lượng chiếm tỷ lệ cao nhất với 9 – 10%.

PGS. TS Trịnh Văn Quỳ – Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương cho biết, phần lớn thuốc đông y được nhập tiểu ngạch qua biên giới Việt Nam- Trung Quốc. Một trong những điểm trung chuyển quan trọng là Ninh Hiệp (Gia Lâm- Hà Nội), sau đó đến phố Lãn Ông (Hà Nội). Một số mẫu thuốc tuy có hình thù và tên gọi giống nhưng vị thuốc lại không đúng, kém chất lượng.

Thuốc đông y vốn được nhiều người tin dùng vì độ lành tính, đặc biệt những người cao tuổi. Tuy nhiên, thuốc đông y bị trộn những hoạt chất của tân dược thì phải rất cảnh giác. Luật của Việt Nam cấm các hoạt chất của thuốc hiện đại vào bột dược liệu. Thực tế tình trạng này vẫn xảy ra.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, khá nhiều người bệnh bị tăng men gan, nguyên nhân do thuốc đông y. Một số vị thuốc đông y có yếu tố độc, khi dùng độc hại đối với thận và gan, PGS.TS Trịnh Văn Quỳ cho biết.

Dân cần tự cứu!

Thuốc giả là mặt hàng siêu lợi nhuận và rất khó phát hiện. Việc buôn bán thuốc giả, thuốc kém chất lượng ngày càng phức tạp với số lượng lớn, từ các loại thuốc phổ biến thông thường (cảm cúm, kháng sinh…) đến các loại đặc trị (ung thư, tim mạch).

Đã xa rồi cái thời người ta dùng bột nghệ, đất sét để tạo ra thuốc giả. Bây giờ sản xuất thuốc giả cao cấp và tinh vi hơn nhiều. Nhiều thuốc giả nhãn hiệu có tiếng và chỉ sai sót những chi tiết nhỏ, mắt thường khó phân biệt.

Thuốc giả, kém chất lượng gây tác hại lớn cho sức khỏe người bệnh như phản ứng dị ứng, nhiễm độc kim loại nặng, kháng thuốc. Thuốc giả còn vô hiệu các giải pháp điều trị cứu sống người bệnh và tăng chi phí điều trị.

Các cơ quan chức năng của Việt Nam đã và đang vào cuộc nhằm truy quét thuốc giả như chiến dịch truy quét tân dược giả của Cơ quan hình sự quốc tế (Interpol) tại Việt Nam. Bộ Y tế cũng đang tìm cách hạn chế và tiến tới cắt nhập thuốc đông y qua đường tiểu ngạch. Việc quản lý chất lượng thông qua nhập các loại thuốc đông y từ Trung Quốc theo đường chính ngạch cũng là một trong những cách loại bỏ được thuốc chất lượng kém.

Tuy nhiên, trước mắt người dân vẫn nên “tự cứu” mình. PGS.TS Trịnh Văn Quỳ cho rằng, người dân nên hết sức cảnh giác với thuốc kém chất lượng, thuốc giả. Trong khi có bệnh mới cần dùng đến thuốc thì nhiều người dùng thuốc “vô tội vạ”. Điều này xuất phát từ việc thực hiện quy chế kê đơn thuốc tại nước ta còn yếu, người tiêu dùng muốn là có thể mua hầu hết các loại thuốc, từ thuốc thông thường đến thuốc quản lý chặt chẽ như thuốc tim mạch, thuốc tiêm mà không cần kê đơn của bác sĩ.

Người dân mua thuốc phải chọn thuốc tốt, phải đến các cơ sở bán thuốc đã đăng ký hoặc được kiểm tra nguồn thuốc. Nên mua thuốc tại những nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP, hoặc lưu ý trên bao bì thuốc có ghi sản xuất theo GMP. Thực tế, hàng xách tay về cũng không bảo đảm. Sử dụng thuốc phải đúng liều lượng, theo quy định của bác sĩ.

“Riêng với dược liệu chỉ qua kinh nghiệm mới nhận biết được thuốc kém chất lượng, người tiêu dùng khó nhận ra được. Vì vậy, nhà cung cấp thuốc đông y phải là chịu trách nhiệm về chất lượng thuốc, có sự kiểm nghiệm trước khi nhập hàng”, PGS.TS Trịnh Văn Quỳ cho biết.

 

LÊ HẠNH NGUYÊN

Gửi thảo luận