Y nghiệp: Ước làm “Ông già lười” giữa chốn nhân gian
Lê Hữu Trác sinh tại Hải Dương (nay là Hưng Yên), hiệu là Hải Thượng Lãn Ông. “Lãn Ông” là ông già lười, “Hải Thượng” là tên ghép giữa Hải Dương và phủ Thượng, nơi ông sinh ra. Gia đình vốn có truyền thống khoa bảng, mấy đời làm quan. Từ nhỏ ông đã tinh thông đèn sách, 20 tuổi nghiên cứu binh thư võ nghệ, gia nhập quân trường. Nhưng vì chán ghét công danh, ông lui về Hương Sơn, tự giải phóng mình khỏi ràng buộc danh lợi để tự do nghiên cứu về y học.
Hải Thượng Lãn Ông nghiên cứu sâu về trung y, tìm hiểu và phát triển nền y học dân tộc. Sau hơn 10 năm nghiên cứu, ông đã viết bộ Y tôn tâm lĩnh gồm 28 tập, 66 quyển nói về các mặt y đức, y lý, y thuật, dược. Năm 62 tuổi, ông được triệu về kinh để chữa bệnh cho chúa Trịnh Hâm và Trịnh Cán. Với hy vọng thực hiện việc in bộ sách “Tâm lĩnh” vì :”không dám truyền thụ riêng ai, đem ra công bố cho mọi người cùng biết”, ông đã thượng kinh dù lòng vẫn canh cánh cuộc sống điền viên. Trong 10 năm cuối đời, ông lui về ẩn cư tại Hương Sơn, vừa chữa bệnh, vừa dạy học và cho ra đời tập sách “Tâm lĩnh” cùng “Thượng kinh ký sự”.
Về y nghiệp, Lê Hữu Trác là đại danh y. Ông có công đóng góp cho nền y học dân tộc Việt Nam, kế thừa sự nghiệp “Nam dược trị Nam nhân” của thiền sư Tuệ Tĩnh. Cả đời tận tụy chữa bệnh cứu người, ông chỉ mong không còn một ai phải chịu nỗi đau bệnh tật hành hạ, không còn một ai tìm đến ông chữa bệnh, để ông được toại tâm làm “ông già lười” giữa chốn nhân gian.
Y đạo: thiên tâm cốt ở cứu người
Chuyện kể rằng có một gia đình thuyền chài có đứa cháu gái 13 tuổi bị bệnh đậu mùa rất nặng, nhà nghèo không có điều kiện chữa trị. Hay tin, ông tìm đến tận nơi thăm khám, giúp đỡ thuốc thang. Giữa trưa hè nóng bức, cháu bé nằm trong chiếc thuyền nhỏ hẹp, người đầy mụn mủ, Lãn Ông không ngại khó, tận tình chăm sóc cháu bé trong suốt thời gian bệnh mà không tính chuyện tiền nong, lại còn giúp đỡ gạo, củi, dầu, đèn.
Những việc làm của Lãn ông luôn toát lên tinh thần nhân đạo cao cả của một nhà hiền triết phương Đông, xem thường hư danh phú quý:
“Công danh trước mắt trôi như nước
Nhân nghĩa trong lòng chẳng đổi phương”
Lãn ông đã dành trọn một cuộc đời hành đạo cứu người, mang trong mình tâm hồn của một nhà thầy thuốc thi nhân:
“Ngày ngày xem bệnh vừa xong
Đêm đêm tựa bóng trăng trong gãy đàn”
…và chẳng bao giờ mưu cầu chuyện gì cho riêng mình:
“Thiên tâm cốt ở cứu người
Sơ tâm nào có mưu cầu chi đâu
Biết vui nghèo cũng hơn giàu
Làm ơn nào phải mong cầu trả ơn”
Bao nhiêu năm đã trôi qua, thế hệ này nối tiếp thế hệ khác để gầy dựng nên nền y học phát triển vượt bậc ngày nay. Ngày thầy thuốc Việt Nam 27 tháng 2 hằng năm vừa là một ngày để tôn vinh người thầy thuốc, cũng là khoảng thời gian để chúng ta nhìn lại quá khứ, nhìn vào tấm gương sáng của các bậc tiền nhân để soi rọi lòng mình. Xin chúc mừng những ai đã, đang và sẽ khoác lên mình chiếc áo trắng của nghề y.
Song Ngư