Đó là nỗi lo của người được tôn là “thần kim” GS.TSKH Nguyễn Tài Thu, Chủ tịch Hội châm cứu Việt Nam; Phó chủ tịch Hội châm cứu thế giới.
Châm cứu là phương pháp điều trị y học cổ truyền ít tốn kém, không đòi hỏi trang thiết bị, thuốc thang đắt tiền nhưng vẫn can thiệp, điều trị hiệu quả cho bệnh nhân ở mọi tâng lớp.
Châm cứu là phương pháp điều trị y học cổ truyền ít tốn kém, không đòi hỏi trang thiết bị, thuốc thang đắt tiền nhưng vẫn can thiệp, điều trị hiệu quả cho bệnh nhân ở mọi tầng lớp.
Hiện nay trên thế giới có 135 quốc gia áp dụng phương pháp châm cứu vào việc điều trị cho người bệnh. Việt Nam là nước đứng thứ 2 trong số 5 nước đạt được thành tựu cao nhất trong lĩnh vực châm cứu.
GS Nguyễn Tài Thu cùng đồng nghiệp đã kế thừa phương pháp châm cứu của ông cha nghiên cứu thành công kỹ thuật dùng kim to, kim dài châm sâu, châm xuyên kim, xuyên huyệt với các thủ thuật thủy châm, điện châm, xoa bóp, bấm huyệt. Riêng phương pháp châm cứu gây tê (không cần thuốc) trong phẫu thuật được xem là “đặc sản” chỉ có Việt Nam mới làm được, vàđến nay đã hỗ trợ cho hơn 100 nghìn ca không thể áp dụng phương pháp vô cảm thông thường, tất cả đều khả quan.
Phương pháp châm cứu hiện nay đã giúp điều trị nhiều loại bệnh như: Thần kinh tọa; đau đầu; mất ngủ; tai biến mạch máu não; liệt do viêm mang não ở trẻ em; câm điếc; cắt cơn cho người nghiện ma túy; chữa bệnh béo phì… hay nhiều loại bệnh khó như di chứng liệt nửa người do viêm não, giảm thị lực do teo gai thị, rối loạn thần kinh thực vật, cắt cơn hen phế quản…
Với sự thâm nhập và phát triển mạnh mẽ của y học phương Tây, dù ngành châm cứu đã thích ứng bằng việc kết hợp Đông y với Tây y chữa được nhiều chứng bệnh khó nhưng châm cứu là kỹ thuật khó không phải ai cũng có thể thực hiện được vì thế phương pháp này đang đứng trước nguy cơ mai một.
GS Nguyễn Tài Thu lo ngại: “Các bậc tiền bối nắm vững phương pháp châm cứu còn sống trên cả nước nay đều đã ở tuổi già yếu; việc đào tạo nghề châm cứu ở các trường y khoa hiện nay chỉ mang tính hình thức, học viên chỉ được giảng dạy trong thời gian quá ngắn, kiểu dạy nửa chừng ấy sao có thể nắm được kỹ thuật; các phòng mạch châm cứu thì nhan nhãn nhưng ít người thầy thuốc vững tay nghề khiến bệnh nhân vừa đau vừa không mang lại kết quả. Tôi lo trước tình trạng này nếu không làm nhanh sẽ thất truyền nghề châm cứu. Nếu điều đó xảy ra, tôi chết khó lòng nhắm mặt được”.
Nghề châm cứu của Việt Nam xếp thứ 2 trên thế giới nhưng người thạo nghề đã quá già
Canh cánh nỗi lo trong lòng nên năm nay dù đã bước sang tuổi 84, GS Nguyễn Tài Thu vẫn ngược xuôi khắp nơi để truyền nghề cho hậu bối với hy vọng sẽ giữ được cho dân tộc một phương pháp trị bệnh đơn giản nhưng hiệu quả. Theo kế hoạch đề ra, GS sẽ cùng các cộng sự là học trò thân cận của mình sẽ đi khắp đất nước để tổ chức các lớp tập huấn, giảng dạy nghề châm cứu.
Theo dự kiến, điểm đến đầu tiên cho kế hoạch dài hơi này sẽ được thực hiện tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TPHCM từ ngày 24 đến 27/4. GS Nguyễn Tài Thu cùng cộng sự sẽ truyền đạt các kinh nghiệm trong châm cứu chữa bệnh cho y bác sĩ chuyên ngành y học cổ truyền và bác sĩ Nội thần kinh, Nội cơ xương khớp, Nhi khoa đến từ các bệnh viện trên địa bàn thành phố với 3 chuyên đề: Các hình thức châm thường dùng trong châm cứu Việt Nam; châm giảm đau và châm tê trong phẫu thuật; điện châm điều trị hỗ trợ cai nghiện ma túy.
Với hoạt động trên, GS Nguyễn Tài Thu đang mơ ước từ nay đến cuối đời ông sẽ truyền dạy lại được tối thiểu là 30-50% kinh nghiệm của bản thân về nghề châm cứu để thế hệ sau tiếp tục nối nghiệp khám chữa bệnh cho người dân.
“Tôi hy vọng mình sẽ sống thêm được 7 năm nữa, thời gian này tôi sẽ mở khoảng 30 lớp trên cả nước để cầm tay chỉ việc cho các thầy thuốc có tâm huyết với nghề châm cứu”, GS Nguyễn Tài Thu chia sẻ.