Trang chủ » Danh y xưa và nay » Danh y đất việt » Hải Thượng Lãn Ông – Lê Hữu Trác niềm tự hào của y học Việt

Hải Thượng Lãn Ông – Lê Hữu Trác niềm tự hào của y học Việt

Người bệnh trở thành đại danh y

Cụ y tổ Lê Hữu Trác quê gốc thôn Vân Xá, làng Lưu Xá, Yên Mỹ, Hưng Yên. Theo nghiên cứu của GS. Đỗ Tất Lợi (Những cây thuốc vị thuốc Việt Nam trang 1062 – 1071), cụ Lê Hữu Trác thọ 71 tuổi (1720 – 1791). Xuất thân từ dòng tộc học giỏi, đỗ cao, làm quan to, cha là Thượng thư Lê Hữu Mưu thời Lê Trịnh. Mẹ quê xứ Bùi Thượng, Hương Sơn, Hà Tĩnh. Có giả định: Cụ Tổ ghép hai chữ đầu quê cha: "Hải" với quê mẹ "Thượng" thành Hải Thượng và tự giễu mình là "Ông Lười" (Lãn Ông). Sự thực ở đời cụ chỉ "Lười" về công danh phú quý, lại "siêu" chăm chỉ đem tâm sức dâng hiến cho đời.

Cụ y tổ Lê Hữu Trác. 19 tuổi cha mất, Hữu Trác về quê chịu tang và bắt đầu cuộc "Khảo nghiệm" đời người. Chục năm theo đường binh nghiệp, về sau Cụ Tổ hồi ức: Thống tướng chỉ huy nhiều phen muốn đề bạt nhưng tôi nghĩ: Chí bình sinh chưa thỏa thì cầu cạnh mà chi… Vậy là dịp người anh mất, lấy cớ phải thay anh phụng dưỡng mẹ già 70 tuổi, chàng trai tuổi 30 về Hương Sơn nuôi cả đàn cháu mồ côi cha. Rồi bị bệnh nặng, ba năm chữa chạy không khỏi, phải nằm cáng ra Rú Thành (Nghệ An) vái thầy Trần Độc cứu, người nổi tiếng khắp vùng. Cả năm trời được cưu mang, truyền nghề, lại được đọc sách Tàu kinh điển về y dược, đầu óc nảy sinh nhiều ý tưởng muốn chữa bệnh cho thiên hạ, hãy chữa cho mình trước.

Và quan trọng hơn, thời đó thiên hạ coi làm thuốc chỉ là một thứ "thuật", một kế sinh nhai chứ không phải "đạo". Hữu Trác tuyên bố: Đạo là vạn vật vận động trời đất. Cái gì yên dân, giúp đời được đều là đạo. Nghề thuốc trị bệnh cứu người. Lĩnh vực y dược giúp điều hòa khí hóa, bổ cứu âm dương, biến chế vạn vật, quan hệ đến khí hậu trời đất, tính mạng nhân quần, có thấu suốt được chân lí thiên văn, địa lí và nhân sự thì mới làm được thuốc. Làm thuốc có khác chi làm tướng? Đó là y đạo.

Tư tưởng y đạo

Đạo lí của người thầy thuốc đã được Y tổ đúc kết rút ra 9 điều làm tiêu chí y đức: Không nên vụ lợi, chữa bệnh không cần báo ơn; Không nên khinh người nghèo; Phải khiêm nhường với đồng nghiệp; Phải học người giỏi hơn mình; Giúp đỡ người kém mình; Không được khinh rẻ lẫn nhau… Hải Thượng khuyên: Đã là thầy thuốc thì nên nghĩ đến cứu giúp người, không nên vắng nhà lâu để tìm vui thú riêng… Cùng một lúc có nhiều người mời đi chữa, thì cứu người cần cứu trước, chứ không được vì người bệnh giàu hay nghèo, quen thân hay quyền chức, cũng như phân biệt thuốc tốt xấu tùy vào đồng tiền… Việc chăm sóc cần đặc biệt chú ý những người bệnh nghèo túng, mồ côi, góa bụa… vì nhà giàu sang quyền quý không lo không có người chữa. Chỉ nhà nghèo khó mới không đủ sức mời thầy giỏi, nếu ta để tâm một chút họ sẽ được sống một đời… Người bệnh nghèo mà con thảo, dâu hiền, những ca bệnh nan y, ngoài việc cho thuốc, lại tùy sức mình mà chu cấp cho họ nữa, vì có thuốc mà không có ăn thì cũng vẫn đi đến chỗ chết…

Di huấn của Cụ trong y đạo còn là không giấu dốt. Điển hình gồm 17 ca trong Dương án, bệnh khó mà chữa khỏi và 12 trường hợp nan y dù đã đem hết tâm lực "còn nước còn tát" bệnh nhân vẫn chết. Cụ tâm sự: Tôi không tự thẹn với trình độ thấp kém của mình… Mong các bậc trí thức sau này làm thuốc thấy những chỗ hay của tôi chưa đáng bắt chước, nhưng chỗ dở thì lấy đó làm gương, không nên quá yêu tôi mà bảo: Chỉ chữa được bệnh mà không chữa được mệnh. Đó mới là cái may cho đạo y.

Trong lịch sử nền y học nước nhà, Hải Thượng Lãn Ông là danh y đầu tiên đề xuất toàn diện và nâng lên tầm cao y đạo, y đức, y thuật dân tộc mang ý thức tự chủ, tự tôn, sáng tạo và là kim chỉ nam cho phương hướng phát triển của nền Đông y Việt Nam. Cụ nêu cao phương châm Phòng bệnh hơn chữa bệnh, vệ sinh để dưỡng bệnh. Đọc các trước tác của cụ cách đây vài ba thế kỉ mà thấy như những khám phá mới cập nhật của khoa học thời đại thông tin kĩ thuật số: "Dâm phòng quá độ khí hao/ Thường khi không chữa quy vào hiếm hoi" hay "Ốm đau lại phải nuôi con/ Càng thêm lao lực đâu còn sức xuân!…".


Sư tổ nền y Việt

Ngoài ba mươi tuổi mới vào nghề, bốn mươi năm vừa học, vừa nghiên cứu, thực hành, trải nghiệm sáng tạo, Hải Thượng Lãn Ông đã để lại một di sản đồ sộ, đa diện cho nền y học dân tộc gồm 66 quyển của bộ Y tông tâm lĩnh, 28 tập phân môn, chia loại theo hệ thống để khắc phục tình trạng các pho sách đều tản mạn về dược lí và biện chứng trị liệu.

Cũng như nội dung trong sách Nam dược thần hiệu của Tuệ Tĩnh, Lãn Ông có: Bách gia trân tàng, Lĩnh Nam bản thảo, Hành giản trân nhu, Vệ sinh yếu quyết, y lí du nhàn v.v… đều đầy đủ lí thuyết và hướng dẫn thực hành mang tính tổng kết, phổ biến kinh nghiệm có chủ ý hướng tới bệnh tật của các tầng lớp dân nghèo. Theo ngôn từ ngày nay như Bác Hồ chỉ dạy, đó là tính dân tộc, khoa học và đại chúng trong nền y Việt của dân tộc ta. Cụ đã phát hiện, sưu tầm, bổ sung thêm công dụng của 305 vị thuốc Nam, thu thập, chỉnh sửa 2.854 phương thuốc xưa và nay của các lương y và nhân dân. Cách dùng thuốc Nam – hàng nội thay thuốc Bắc – sính ngoại, của Cụ được đồng nghiệp đương thời và ngày nay làm theo như cao Sâm Bố chính thay Nhân sâm, hỗn hợp Quế chi, Ngũ vị, Ngưu tất thay Nhục quế. Hà thủ ô làm thuốc bổ sung khí huyết. Lá ngải chữa sốt rét. Bạc hà trị chứng khó tiêu v.v…

Năm 62 tuổi Cụ nhận chỉ lệnh của Trịnh Sâm ra Thăng Long chữa bệnh cho con Trịnh Căn do tên tuổi "thần y" ở ẩn từ núi rừng Hương Sơn đã vang dội khắp Đàng Ngoài. Trong lòng bứt rứt suốt đêm không ngủ vì công danh đã vứt bỏ. Ai ngờ nay lại khổ vì cái hư danh… Song cụ hi vọng quỷ thần đã hiểu thấu lòng mình chuyến này có chỗ may mắn chưa biết chừng về bộ sách Y tông Tâm Lĩnh công phu nghiên cứu 30 năm không dám truyền thụ riêng cho ai, chỉ muốn đem công bố cho mọi người cùng biết thì nay là dịp, có chỗ dựa để in sách. Hơn một năm, chữa bệnh cho con chúa Trịnh bị các y thần dèm pha chê bai, in sách bị từ chối, song cụ ngạc nhiên mừng thầm, sách được chép tay lưu truyền, không ít người nhờ sách mà thành tài, có người lập bàn thờ thờ sống thần y Hải Thượng.

Các bậc thức giả cao minh vốn bái phục Trung y như khuôn vàng thước ngọc thì nay được Cụ khai tâm về những kiến thức tưởng chừng không thể khác được. Tỉ như thần y Cảnh Nhạc bên Trung Hoa luận rằng chữa bệnh cho trẻ em dễ hơn người lớn do chưa bị "lục dâm", "thất tình", chủ yếu chỉ tại ăn uống mà ra thì chữa đã dễ lại càng thêm dễ. Hải Thượng ngược lại, Cụ nâng lên tầm cao: chữa cho mười người nam không bằng cho một người nữ, chữa cho mười người nữ không bằng cho một người già, chữa cho mười người già không bằng chữa cho một em bé. Cụ chỉ đơn giản giải thích mặt chuyên môn: trẻ không biết nói đau gì, chỉ biết khóc, nhưng ngày nay ta hiểu trẻ là tương lai, là búp trên cành như Bác Hồ đã dạy.


Nhà sáng lập nền y Việt

Trước Hải Thượng Lãn Ông nước ta từng có các thần y nổi tiếng tên tuổi tiêu biểu như Tuệ Tĩnh Thiền sư (1623 – 1713), song đến Hải Thượng mới được coi là đỉnh cao, toàn diện như một thần tượng khai sáng cho nền y Việt với hàng loạt hoạt động đồng bộ như mở trường dạy làm thuốc, lập tổ chức y dược Hội, biên soạn "Bách khoa" y dược chữa bệnh, viết tập kí lịch sử vô giá Thượng Kinh Kí sự và nhiều áng văn thơ khác mà sợi chỉ đỏ xuyên suốt sự nghiệp và tác phẩm của cụ là tính nhân bản cao cả và phương pháp luận khoa học nhằm khai thác tiềm năng, thuốc Nam và chữa bệnh dân gian đặt nền móng cho nền y học cổ truyền dân tộc.

Ngày nay, những ý tưởng mang tính mở đường của Cụ đã thành chủ trương, chính sách lớn của thời đại chúng ta như: vấn đề đề cao phụ nữ và trẻ em, sự công bằng và đối tượng ưu tiên trong khám chữa bệnh, đặc biệt với người nghèo, khai thác có chọn lọc bài học nước ngoài, thu thập tổng kết kinh nghiệm trong nước bằng ý thức độc lập tự chủ, tự tôn dân tộc mà hướng tới hiện nay là giáo dục việc chăm sóc chất lượng sức khỏe nòi giống trong chiến lược con người Việt Nam hiện đại (Nghị quyết 46-NQ/TW ngày 23-2-2005 của Bộ Chính trị).

Đảng, Nhà nước ta đã, đang và hẳn sẽ còn làm nhiều việc để ghi nhớ công ơn to lớn của Hải Thượng Lãn Ông như xây dựng lăng mộ, lập đền thờ, dựng tượng đài ở nhiều nơi, đặt giải thưởng quốc gia mang tên Cụ v.v… nhằm vinh danh Đại sư như là Nhà sáng lập nền y Việt ./.
 

Ôi đất Việt, một bậc thầy vĩ đại
Làm rạng danh y học của trời Nam
 
Lúc thuở nhỏ, theo cha đi học hỏi
Đã tỏ ra mình là bậc anh tài
Triết âm dương thông hết lẽ huyền cơ
Thiên, địa lý cùng binh thư chẳng ngại
 
Tuổi còn nhỏ mà kinh thư thông suốt
Gần đôi mươi đã thao luyện kiếm cung
Đi tòng quân với chí khí ngút trời
Nhưng chẳng thỏa, kho tàng y chưa đụng
 
Một trận ốm làm nên người trí tuệ
Mê y thư nên chẳng chút nghỉ ngơi
Những luận y sao thâm thúy vô cùng
Phát hiện rõ cả một chân trời mới.
 
Câu danh lợi bon chen đành phụ bạc
Để miệt mài trong y lý Đông phương
Về Hương Sơn, làm nhà ở ven rừng
Vừa nuôi mẹ, vừa tìm tòi y dược.
 
Tự nghiên cứu, tìm tòi và sáng tạo
Tìm ra phương chữa bệnh cứu dân lành
Biên soạn thành cuốn “Hải Thượng y tông”
Bộ y liệu riêng trời Nam, đất Việt.
 
Người đã mất mà danh còn lưu mãi
Y đạo thâm sâu, Y đức bao la
Ông già lười của đất me, quê ta.

Gửi thảo luận