GIÁO SƯ, TSKH HOÀNG THỦY NGUYÊN (sinh 1929)
Giáo sư – Tiến sĩ Hng Thủy Nguyên sinh ngày 18-3-1929, quê ở xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Vài năm sau khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông vào học trường Đại học Y Hà Nội, sau đó tham gia nhiều lĩnh vực công tác trong ngành y tế rồi tham gia quân đội (1949-1954) cùng các đơn vị quân y phục vụ các chiến dịch trong đó có chiến dịch Điện Biên Phủ, ông được cử lập phòng xét nghiệm vi sinh vật – hóa học ngay ở chiến trường nhằm phục vụ cho việc chiến đấu.
Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, ở miền Bắc, nhất là trong các năm 1957, 1958, 1959, bệnh bại liệt trẻ em phát thành dịch. Năm 1959, tỷ lệ tử vong tới 13%. Bệnh cúm Hồng Kông cuối năm 1958 xảy ra trên toàn thế giới. Lúc này y học và y tế dự phòng có vai trò không nhỏ khắc phục tình trạng trên. Với phương tiện rất thô sơ hồi ấy, nhà khoa học trẻ Hoàng Thủy Nguyên lần đầu tiên đã phân lập và định loại được virus cúm, virus bại liệt, bước đầu bắt tay vào phòng thí nghiệm virus và xây dựng ngành virus học một chuyên ngành quan trọng trong nền y học nước ta từ đó.
Mùa hè năm 1960, nhà khoa học Hoàng Thủy Nguyên được cử sang Liên Xô tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccin sa bin trực tiếp từ viện sĩ lừng danh Chu- ma-kốp (sa bin là loại vaccin uống dễ dàng hơn với các loại vaccin tiêm).
Năm 1962, phòng thí nghiệm virus học của GS-TS Hoàng Thủy Nguyên đã sản xuất được 2 triệu liều vaccin sa bin chống bại liệt. Để yên lòng mọi người về độ an toàn của vaccin do ông sản xuất, trong một hội nghị của ngành y tế, ông đã uống 100 liều vaccin để mọi người tin và triển khai phòng ngừa cho trẻ em trong toàn xã hội. Và chúng ta đã khống chế được bại liệt cho trẻ em từ đó và sau đã thanh toán được căn bệnh hiểm nghèo này và ngày nay hình ảnh những trẻ em teo tóp, lê lết khi di chuyển do virus bại liệt gây nên đã bị loại trừ nhờ uống vaccin chống bại liệt của ta sản xuất.
Từ đó GS-TS Hoàng Thủy Nguyên được trong cũng như ngoài nước biết đến nhiều qua các công trình nghiên cứu của ông về virus bại liệt, các virus đường ruột, virus cúm và nhiều loại virus nguy hiểm khác và việc sản xuất các loại vaccin chống các căn bệnh này có kết quả tốt. GS-TS Hoàng Thủy Nguyên nguyên là Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ, phụ trách ngành virus học và ngành sản xuất các loại vắc-xin. Ông còn có chân trong nhiều tổ chức khác của ngành y tế Việt Nam.
Với những cống hiến của mình, ông đã được thưởng nhiều huân chương cao quý, được tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân đợt đầu tiên và được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh vào năm 2000.
GS-TS Hoàng Thủy Nguyên có ảnh hưởng rộng rãi trong giới khoa học quốc tế. Ông là thành viên của Tổ chức Dịch tễ quốc tế, Tổ chức nghiên cứu về tế bào thế giới thuộc UNESCO của Liên hiệp quốc. Ông đã hợp tác khoa học với nhiều ngành khoa học của các nước phát triển tranh thủ được nhiều nguồn viện trợ để đổi mới công nghệ, kỹ thuật, trang thiết bị để xây dựng Viện Vệ sinh dịch tễ và ngành y tế dự phòng. Xây dựng được sự hợp tác khoa học Việt – Pháp và Việt – Mỹ, giúp đỡ các bạn Lào trong việc đào tạo cán bộ. Ông rất chú trọng đào tạo các thế hệ học sinh để phục vụ tốt cho công cuộc phòng bệnh và chữa bệnh ở nước ta.
Sự tận tụy hết lòng vì dân, vì nước của GS-TS Hoàng Thủy Nguyên là một tấm gương sáng về nghiên cứu khoa học, tấm gương sáng của người Thầy thuốc Nhân dân.
Công trình được tặng giải thưởng HCM:
Vaccin phòng bại liệt.
TRƯƠNG CÔNG QUYỀN
GIÁO SƯ TRƯƠNG CÔNG QUYỀN (1908-2000)
Giáo sư Trương Công Quyền sinh năm 1908, mất năm 2000, ông là một dược sĩ Việt Nam, cựu hiệu trưởng trường Đại học Quân dược, chủ tịch Hội đồng Dược điển Việt Nam, Huân chương Độc lập và Giải thưởng Hồ Chí Minh (1996).
Ông sinh tại Quảng Ngãi, lớn lên tại Gò Công, Tiền Giang.
Năm 1924, ông sang Pháp học trường luật, rồi đại học văn nhưng lại chuyển sang học dược. Tốt nghiệp dược sĩ hạng nhất Trường Đại học Toulouse năm 1934, sau đó bảo vệ luận án tiến sĩ dược học năm 1936 và lên Paris học tiếp y, sinh hóa, huyết học. Năm1938, ông về Việt Nam, mở hiệu thuốc tại Hà Nội.
Năm 1946, Trương Công Quyền đã cùng với Giáo sư Hồ Đắc Dithành lập và điều hành trường Đại học Y – Dược ở Việt Bắc. Cũng thời gian này, ông đảm nhiệm Hiệu trưởng Đại học Quân dược ở chiến khu và Phó hiệu trưởng Đại học Y-Dược từ năm 1954. Năm1953, ông cùng 7 người khác đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định phong học hàm giáo sư cùng với Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng…
Từ năm 1963 đến năm 1997, ông tham gia biên soạn Dược điển Việt Nam với chức danh chủ tịch hội đồng.
Với những công trình và cống hiến xuất sắc ông đã được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I (1996).
Công trình được tặng giải thưởng HCM:
Dược điển Việt Nam (tập 1, tập 2, tập 3-1977, 1983, 1990, 1991, 1994).
TRẦN HỮU TƯỚC
GIÁO SƯ, BS TRẦN HỮU TƯỚC (1913-1983)
Người thầy thuốc theo Bác Hồ về nước
Trong những ngày lễ lớn, trên vô tuyến truyền hình, thường chiếu lại những phim tư liệu lịch sử. Đoạn phim có hình Bác Hồ cùng phái đoàn của ta từ Pháp trở về nước năm 1946 sau Hội nghị Phông-ten-nơ-blô: khi Bác bước lên cầu thang của một tàu biển quân sự của Pháp, có một người cao, gầy đi liền sau Bác, đó là bác sĩ Trần Hữu Tước, một chuyên gia Tai Mũi Họng (TMH), một Việt kiều ở Pháp.
Bác sĩ Trần Hữu Tước sinh ngày 13/10/1913 trong một gia đình trung lưu tại làng Bạch Mai, xã Hoàn Long, tỉnh Hà Đông, nay thuộc quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội, là một trong những học sinh Việt Nam xuất sắc nhất của trường Trung học An-be Sa-rô (Albert Sarraut) vào đầu thập kỷ 30.
Ông được gửi sang Pháp học và thi đậu vào trường Đại học Y khoa Paris. Từ thời niên thiếu, ông có hoài bão trở thành bác sĩ vì ông đã đau xót nhìn thấy đồng bào mình, trong đó có những người cháu ruột thịt, bị chết vì bệnh tật do thiếu thốn thuốc men, phương tiện chẩn đoán, điều trị ở một nước thuộc địa. Ông cũng đã chọn chuyên ngành Tai mũi họng, mà theo ông, chưa được biết đến nhiều ở Việt Nam. Bảo vệ luận án bác sĩ y khoa xuất sắc năm 1937, ông được giữ lại làm trợ lý cho giáo sư Tai mũi họng danh tiếng thời đó, ông Lơ-mi-e. Với đôi tay khéo léo, lại được đào tạo tại một trường Đại học Y khoa vào loại tốt nhất thế giới, chẳng bao lâu ông đã được nhiều bệnh viện mời hợp tác. Giữa lúc đó, nổ ra cuộc Đại chiến thế giới lần thứ II. Ông nhanh chóng xác định được chỗ đứng của mình: tham gia vào hàng ngũ những người kháng chiến yêu nước Pháp, chống lại quân Đức.
Ông có ngờ đâu rằng những ngày tháng ở chiến trường kháng Đức đó đã giúp cho ông bao nhiêu kinh nghiệm để sau này ông phục vụ cho chính đồng bào mình trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Với sẵn có lòng yêu nước, thương dân, một dịp may đã làm thay đổi hẳn cuộc đời của ông, đó là việc Bác Hồ cùng phái đoàn ta sang Pháp đàm phán năm 1946. Từ bỏ ngay lập tức mọi cám dỗ vật chất ở kinh đô ánh sáng, với một tay nải dụng cụ chuyên môn, ông đã theo Bác Hồ về nước cùng với ông Võ Quý Huân và ông Trần Đại Nghĩa.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, BS Trần Hữu Tước đã tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Y Dược Cách mạng và đào tạo các chuyên gia TMH đầu tiên cho nước Việt Nam độc lập. Hòa bình được lập lại trên miền Bắc năm 1954, ông được cử làm giáo sư Trường Đại học Y Dược Hà Nội, phụ trách bộ môn và chuyên khoa TMH, đồng thời đảm nhận chức vụ giám đốc bệnh viện đa khoa trung ương lớn nhất là bệnh viện Bạch Mai.
Ở những chức vụ này, ông đã góp phần quan trọng vào công tác điều trị từ trung ương đến tỉnh, song song với việc xây dựng mạng lưới chuyên khoa TMH rộng khắp, và đào tạo cán bộ TMH từ sơ cấp đến cao cấp. Với sự nỗ lực của ông, Viện TMH Trung Ương ra đời năm 1969, và ông trở thành người Viện trưởng đầu tiên. Từ đó cho đến những ngày cuối đời, GS Trần Hữu Tước đã có điều kiện dốc toàn bộ sức lực góp phần xây dựng một ngành TMH Việt Nam hoàn chỉnh, có nhiều chuyên khoa sâu, có những đóng góp to lớn cho nền y học và y tế nước nhà, có tiếng vang trên trường quốc tế.
Với những thành tích đó, ông được tặng danh hiệu Anh hùng Lao Động và nhiều huân chương cao quý của Nhà nước.
Ông từ trần ngày 23.10.1983, hưởng thọ 70 tuổi.
Cuộc đời của GS Trần Hữu Tước thể hiện một chân lý đơn giản: một người dù thông minh, uyên bác đến đâu, chỉ khi nào chọn được cho mình một lý tưởng cao đẹp để phụng sự thì mới trở thành một người chân chính.
Với những công trình và cống hiến xuất sắc của ông trong ngành y tế, ông được trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động và Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học công nghệ đợt I (1996).
Các công trình được tặng giải thưởng HCM:
1. Chẩn đoán phát hiện điều trị ung thư vòm họng (1955-1965).
2. Phương pháp mổ mới ung thư thanh quản hạ họng (1960-1977).
PHẠM NGỌC THẠCH
BÁC SĨ PHẠM NGỌC THẠCH (1909-1968)
Sơ lược tiểu sử:
Bác sĩ Phạm ngọc Thạch sinh ngày 7 tháng 5 năm 1909, học Đại học Y Hà Nội từ năm 1928, tốt nghiệp bác sĩ ở Paris năm 1934.
Tham gia hoạt động cách mạng ở Sài Gòn từ thời kỳ Mặt trận Bình dân (1936-1939), vào Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 3 năm 1945.
Từ tháng 3 năm 1945, là một thủ lĩnh của tổ chức Thanh niên Tiền phong, tham gia cướp chính quyền tháng 8 năm 1945.
Từ 27 tháng 8 năm 1945 là Bộ trưởng Y tế đầu tiên của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ủy viên Ủy ban Nhân dân Nam Bộ, rồi lần lượt Thứ trưởng Phủ Chủ tịch, Trưởng phái đoàn chính phủ tại Nam Bộ (1948-1950), Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính Đặc khu Sài Gòn-Chợ Lớn, Trưởng ban Y tế của Đảng, Thứ trưởng Y tế (1954-1958), từ 1958 là Bộ trưởng Y tế. Hy sinh trên chiến trường Miền Nam ngày 7 tháng 11 năm1968.
Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch với ngành y tế nhân dân:
Năm 1958 khi ông trở về phụ trách ngành y tế, sức khỏe của nhân dân ta suy giảm rất nhiều, nhất là ở những vùng mới được giải phóng tình hình bệnh tật rất nghiêm trọng: bệnh lao chiếm tới 4 % dân số, bệnh sốt rét lan tràn ở miền núi với tỷ lệ người mắc 80-90% làm rất nhiều người chết, người phong lang thang khắp nơi thiếu nơi chạy chữa, bệnh mắt hột làm hàng triệu người mù loà, chưa có cơ sở y tế chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em, tỷ lệ trẻ em chết bệnh rất cao, nạn hữu sinh vô dưỡng phổ biến trong xã hội, các dịch bệnh như dịch tiêu chảy, thổ tả, thương hàn, đậu mùa, sởi, ho gà, bạch hầu…, các bệnh lây theo đường tình dục như giang mai, lậu, hoành hành khắp nơi với tỷ lệ người mắc và người chết rất cao, tuổi thọ trung bình của người dân chưa tới 40…
Ngành y tế nước ta đã phát triển mạnh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đáp ứng có hiệu quả yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trong các vùng tự do, nhưng trước nhiệm vụ mới nặng nề hơn phải quản lí và chăm sóc sức khỏe cho cả nửa đất nước hoàn toàn giải phóng thì còn yếu và thiếu.
Quán triệt đường lối, quan điểm của Đảng, dựa vào sự ưu việt của chế độ ta, vào điều kiện thực tế của ta, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã tìm ra con đường thích hợp nhất, hiệu quả nhất, xây dựng nền y tế nhân dân, xây dựng 5 phương châm nguyên tắc chỉ đạo việc xây dựng và phát triển ngành kết hợp chặt chẽ chính trị và chuyên môn, tư tưởng và tổ chức, phòng bệnh và chữa bệnh, quán triệt phương châm phòng bệnh là chính, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại, đông y và tây y, kết hợp y và dược… trong công tác phòng và chữa bệnh, xây dựng mạng lưới y tế từ trung ương đến xã và hợp tác xã, xây dựng y tế nông thôn, tổ chức và thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh, sản xuất vaccin, tiêm chủng toàn dân, dấy lên trong cả nước phong trào "vệ sinh yêu nước", vệ sinh phòng bệnh, xây dựng các công trình vệ sinh – giếng nước, hố xí, nhà tắm, tổ chức và triển khai các cuộc vận động thực hiện phong trào bảo vệ bà mẹ trẻ em, đào tạo và xây dựng đội ngũ cán bộ, tổ chức sản xuất thuốc men, dụng cụ trang thiết bị y tế… giải quyết hàng loạt những vấn đề cơ bản của sự nghiệp y tế, thanh toán những bệnh tật, dịch bệnh do chế độ cũ để lại, bảo vệ, chăm sóc và tăng cường có hiệu quả sức khỏe nhân dân. Chỉ trong vòng 3 năm, đến năm 1958 chúng ta đã chiến thắng được hai dịch bệnh lớn tồn tại đã bao đời là đậu mùa và dịch tả. Chưa đầy 10 năm sau mọi dịch bệnh lớn đã bị đẩy lùi: sởi, ho gà, bạch hầu, uốn ván… giảm hẳn, sốt rét, thương hàn không còn phát triển thành dịch nữa, mắt hột được thanh toán, bại liệt được giảm thiểu, người bệnh phong, bệnh lao được tập trung trong các nhà điều dưỡng, các bệnh viện chuyên khoa để chạy chữa và phục hồi chức năng, các bệnh giang mai, lậu… được ngăn chặn để không phát sinh trường hợp mới, các ổ dịch, ổ lây nhiễm bị triệt phá, người mắc bệnh cũ được điều trị tích cực, khắc phục các di chứng, mạng lưới y tế phát triển rộng khắp từ trung ương xuống đến các bản làng hẻo lánh nhất, tổ chức y tế cơ sở được thành lập có từ 3-5 cán bộ y tế bao gồm nữ hộ sinh, thầy thuốc đông y, y sĩ hoặc y tá do dân nuôi, xã hoặc hợp tác xã đảm nhiệm, chi trả mọi chi phí, thuốc men, trang thiết bị, mạng lưới y tế nông thôn, niềm tự hào lớn của sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành y tế, được tạo lập, hoạt động có hiệu quả, nhờ đó công tác chỉ đạo phong trào vệ sinh, phòng chống dịch bệnh, tiêm chủng phòng dịch có thể tiến hành rất kết quả ngay tại cơ sở. Trên cơ sở mạng lưới y tế chung đó, mạng lưới chống lao, mắt hột, sốt rét, ba tai họa xã hội lớn nhất của đất nước cũng đã được xây dựng, hệ thống bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh được phát triển, từng bước lớn mạnh, các bệnh viện tuyến trung ương được mở rộng, nâng cao năng lực kĩ thuật, nhiều viện, bệnh viện chuyên khoa được thành lập là cơ sở cho những thành tựu về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trong các lĩnh vực này.
Công việc xây dựng ngành đang tiến hành rất tốt đẹp thì cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước bùng nổ, Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch lại cùng Đảng đoàn và lãnh đạo Bộ Y tế tổ chức lại ngành phù hợp với điều kiện khó khăn, ác liệt của cuộc chiến đấu mới, tiếp tục các sự nghiệp trên, xây dựng ngành trong điều kiện mới của cuộc chiến tranh, đa khoa hóa, ngoại khoa hóa cán bộ, đào tạo và bồi dưỡng không ngừng về mọi mặt đội ngũ cán bộ y tế. Bất cứ nơi nào địch đánh phá, nơi đó tổ chức y tế có thể giải quyết mọi vấn đề của công tác cấp cứu chiến thương, xây dựng 4 tuyến điều trị, phát triển mạnh mẽ mạng lưới y tế, đưa kỹ thuật xuống tuyến dưới, giải quyết một cách tốt đẹp nhất mọi mặt của công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân và các lực lượng vũ trang, hết lòng hết sức chi viện cho y tế Miền Nam.
Năm 1968 hệ thống y tế ở miền Bắc cơ bản đã vững chắc. Ở Miền Nam chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và tay sai chuyển sang giai đoạn mới ngày càng ác liệt hơn, hi sinh tổn thất nhiều hơn nhưng chiến thắng cũng nhiều hơn, vang dội hơn.Ở tuổi 59, Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch lại thiết tha xin vào chiến trường Miền Nam xây dựng và phát triển ngành và đã hy sinh anh dũng trong khi làm nhiệm vụ.
Đánh giá những đóng góp to lớn của Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch trong việc xây dựng và phát triển nền y học, y tế nhân dân, nhà nước ta đã nêu: đứng trước rất nhiều vấn đề khó khăn và phức tạp của việc bảo vệ sức khỏe của nhân dân và bộ đội, đồng chí Phạm Ngọc Thạch, thấm nhuần những tư tưởng và tình cảm lớn của Đảng và phát huy sức mạnh vĩ đại của quần chúng đã cố gắng giải quyết những vấn đề đó một cách cơ bản, có hiệu quả và kịp thời với khả năng và phương tiện hiện có của chúng ta. Đồng chí Phạm Ngọc Thạch đã đã nhìn thấy tất cả những bệnh tật hiểm nghèo, di sản của chế độ phong kiến và thực dân cần thanh toán nhanh chóng và tận gốc; đồng chí đã tìm tòi và ra sức phát huy vốn cổ truyền rất quí của dân tộc về y và dược, đã cố gắng vận dụng những hiểu biết, những thành tựu mới nhất của y học thế giới, của y học các nước XHCN cũng như y học các nước khác… Cùng với tập thể lãnh đạo Bộ và đông đảo cán bộ, nhân viên trong ngành, đồng chí Phạm Ngọc Thạch đã tổ chức tiêm chủng nhằm bài trừ và phòng ngừa các bệnh tật, di sản của thời trước; tổ chức phong trào vệ sinh yêu nước rộng khắp ở Miền Bắc; tổ chức mạng lưới y tế từ trung ương cho đến hợp tác xã, khu phố, xí nghiệp và mạng lưới cứu thương rất có hiệu quả trong cuộc chiến tranh chống Mỹ; tổ chức cuộc vận động bảo vệ bà mẹ và trẻ em với những thành tích tốt đẹp ngay trong thời chiến; tổ chức việc đào tạo và không ngừng bồi dưỡng về mọi mặt đội ngũ cán bộ y tế đủ sức giải quyết những vấn đề quan trọng nhất và cấp bách nhất của việc bảo vệ sức khỏe cho nhân dân và lực lượng vũ trang trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh cực kì dã man, tàn bạo của đế quốc Mỹ. Đó là những thành tựu rất quí báu và đẹp đẽ trong biết bao thành tựu, bông hoa của chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc mà nhân dân ta rất tự hào và nhiều bè bạn ta khắp nơi hết lòng khen ngợi." (Phạm Văn Đồng).
Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch với chuyên ngành Lao và Bệnh phổi:
Phạm Ngọc Thạch là một trong những thầy thuốc chuyên khoa lao đầu tiên ở Việt Nam. Ông đã sớm đi sâu vào chuyên khoa này trong thời gian học cũng như khi đã ra là việc ở Pháp cũng như ở Sài Gòn, là hội viên độc nhất ở Đông Dương của Hội Nghiên cứu về Lao của Pháp từ 1936, là người sáng lập và Viện trưởng đầu tiên của Viện Chống Lao Việt Nam, ủy viên Ban chấp hành Hội Liên hiệp Chống Lao Thế giới, là người có công lớn nhất xấy dựng chuyên khoa, là người thầy lớn nhất của chuyên khoa lao-bệnh phổi.
Sau kháng chiến chống Pháp, chúng ta tiếp quản một xã hội dầy rẫy bệnh tật trong đó bệnh lao có tỷ lệ mắc tới 4% dân số. Chế độ cũ không hề quan tâm tới việc phòng chống bệnh lao. Công tác chống lao trong xã hội cũ gần như phó mặc cho các tổ chức từ thiện, các bà sơ, người bệnh tự lo. Trong cả nước chỉ có 3 dispensaire (trạm chống lao) để làm công tác tuyên truyền nhiều hơn làm công tác chống lao. Về chữa bệnh, cả miền Bắc chỉ có một chuyên khoa lao nhỏ ở Bệnh viện Bạch Mai là cơ sở giảng dạy của trường đại học y khoa (không kể 2 phân viện 71 và 74 do ta mới xây dựng). Tỷ lệ lao chết rất cao, năm 1942 lên đến 560/100.000 dân, bằng tỷ lệ chết của các nước châu Âu thời trung cổ, cao hơn cả tỷ lệ chết thời kỳ Nga hoàng (300 trong 100.000 người). Đến năm 1954 tỉ lệ này cũng chưa thay đổi được bao nhiêu. Hàng năm, khi đó cả nước có hàng trăm nghìn người chết vì bệnh lao. Đội ngũ cán bộ chuyên khoa lao lại quá ít ỏi, cả nước vẻn vẹn không quá 10 người. Riêng Viện Chống Lao khi đầu thành lập chỉ có 3 bác sĩ, 1 dược sĩ, 1 phòng xét nghiệm nhỏ với 2 kính hiển vi cổ. Trên cái nền vô cùng khó khăn đó bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã bắt đầu công tác chống lao với việc thành lập Viện Chống Lao từ ngày 24 tháng 6 năm 1957, trở thành trung tâm nghiên cứu và tổ chức chống lao trong nước, trung tâm đào tạo huấn luyện bổ túc cán bộ, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, tuyên truyền giáo dục phòng lao. Bộ chỉ đạo công tác chống lao qua hoạt động của Viện do ông trực tiếp làm viện trưởng. Ông đã xây dựng cho chuyên khoa một đường lối chống lao đúng đắn, đường lối nghiên cứu khoa học thực tiễn, phong phú, đa dạng, một hệ thống tổ chức, chỉ đạo, một mạng lưới chống lao hoàn chỉnh dựa vào mạng lưới chung của toàn ngành y tế, đã chăm lo đào tạo một đội ngũ những người làm công tác chống lao đông đảo, có nhiệt tình và có khả năng, tạo nên những nhân tố quyết định cho sự thành công của công tác chống lao ở nước ta đến tận ngày nay.
Từ năm 1960, công tác chống lao đã đến được các cơ sở y tế ở nông thôn, thành thị cũng như miền núi, đến hầu hết mọi xã, thôn, bản. ở các xã đã hình thành tổ bệnh nhân, một hình thức sinh hoạt của bệnh nhân để quản lí bệnh nhân, giúp đỡ nhau và kiểm tra lẫn nhau trong điều trị lâu dài dưới sự quản lí của trạm chống lao (xana) xã. Xana xã có nhiệm vụ chữa bệnh lao tại trạm hay tại nhà, kiểm tra việc thực hiện tiêm phòng BCG, theo dõi và tiêm phòng BCG cho các gia đình bệnh nhân, quản lí toàn diện việc chữa cũng như phòng bệnh lao cho cả bệnh nhân và gia đình họ. ở những nơi làm tốt chỉ trong vòng 4 năm hiệu quả của công tác phòng chống bệnh lao do các xana mang lại thấy rất rõ. Các trạm xá xã cũng là nơi tập trung và cách ly được những thể lao nặng khỏi gia đình, tách nguồn lây lao ra xa cộng đồng, từng bước khống chế bệnh lao và bước đầu giảm thiểu lao trẻ em.
Hệ thống mạng lưới chống lao huyện cũng được xây dựng vững chắc với trạm chống lao hay tổ chống lao huyện. Các tỉnh có trạm chống lao tỉnh. Tại những tỉnh lớn trạm chống lao tỉnh có các bộ phận X quang, vi trùng, điều trị ngoại trú và một bệnh viện từ 100-500 giường. Tại những tỉnh nhỏ máy X-quang dùng chung với bệnh viện đa khoa nhưng trạm vẫn có riêng 10-20 giường để điều trị cấp cứu và phục vụ công tác nghiên cứu theo dõi. Mỗi trạm chống lao tỉnh có kế hoạch chống lao cho tỉnh mình, bao gồm những chỉ tiêu về tiêm phòng lao bằng BCG cho sơ sinh, trẻ em và người lớn, về số lượng bệnh nhân điều trị ngoại trú tại các trạm trong tỉnh cũng như trong bệnh viện, một chương trình nghiên cứu khoa học chủ yếu về dịch tễ học.
Từ 1961-1968 đã tiêm BCG phòng lao và BCG tái chủng cho 20triệu lần/18 triệu dân. Như vậy hầu như đại đa số nhân dân miền Bắc đã được phòng lao. Việc điều trị chủ yếu tổ chức tại nhà. Năm 1964, hơn 11 vạn bệnh nhân lao đã được điều trị ngoại trú với hồ sơ, sổ sách theo dõi chặt chẽ. Năm 1964, toàn miền Bắc có 6 bệnh viện lao, 55 trạm chống lao tỉnh, thành phố, thị trấn, 240 trạm chống lao xã, 61 trạm an dưỡng tại các xí nghiệp, cơ quan, trường học. Tổng số giường cho bệnh nhân lao lên đến 6444 giường.
Nhờ xây dựng được mạng lưới chống lao rộng khắp đến tận cơ sở, công tác tiêm phòng lao rộng rãi, tỷ lệ lao tiền nhiễm giảm rất nhiều, số trẻ lao màng não và chết vì lao màng não ít hẳn đi, tỉ lệ chết lao từ 400-500/100000 dân xuống còn 20-40/100.000 dân, tỉ lệ lao chung trong vòng 3-5 năm giảm ít nhất 50%. Hiệp hội Chống Lao Thế giới đã đánh giá tổ chức chống lao của Việt Nam là "một mẫu mực tổ chức chống lao cho những nước có nền kinh tế thấp". Chuyên ngành lao đã có thể từ công tác phòng chống lao là chủ yếu triển khai từng bước sang lĩnh vực các bệnh phổi khác ngay trong mấy năm cuối của 10 năm xây dựng chuyên ngành lao trong thời kỳ Phạm Ngọc Thạch lãnh đạo chuyên ngành này. Đánh giá cao những thành tựu và những đóng góp của ông trong công tác phòng chống lao, tại Đại hội liên hoan Anh hùng Chiến sỹ thi đua Toàn quốc lần thứ nhất, năm 1958, ông đã được nhà nước tuyên dương là một trong hai Anh hùng Lao động đầu tiên của ngành y tế.
Phạm Ngọc Thạch và sự nghiệp khoa học:
Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch là một nhà khoa học của nhân dân, vì nhân dân, người có tài về khoa học quản lí – quản lí ngành y tế, quản lí sức khỏe cộng đồng, quản lí chuyên ngành lao và bệnh phổi.
Trong khoa học quản lí, điều quan trọng nhất là có đường lối, quan điểm đúng, có cách thức tiến hành phù hợp, có đội ngũ cán bộ đủ số lượng, chất lượng để có thể thực thi công việc, có mạng lưới rộng khắp ở mọi nơi, mọi tuyến. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã làm được điều đó cả về mặt lí luận cũng như về thực tiễn.
Quán triệt đường lối, quan điểm của Đảng về công tác y tế, ông đã xây dựng nên 5 phương châm nguyên tắc chỉ đạo, quản lí ngành: kết hợp chặt chẽ chính trị với chuyên môn, tư tưởng với tổ chức, phòng bệnh với chữa bệnh, y với dược, đông y với tây y; luôn luôn nêu cao phương châm phòng bệnh, coi phòng bệnh là chính trong công tác bảo vệ sức khỏe. Ông đã xây dựng được mạng lưới y tế từ trung ương tới xã, hợp tác xã, vấn đề quyết định nhất cho sự thành bại của khoa học quản lí, gây dựng và phát động rộng rãi các phong trào vệ sinh yêu nước, vệ sinh phòng bệnh, phòng dịch, tiêm chủng có tính chất quần chúng, phong trào bảo vệ bà mẹ trẻ em, công tác đào tạo và xây dựng đội ngũ cán bộ, sản xuất thuốc men, trang thiết bị y tế… nghĩa là trong khoa học quản lí ngành y tế ông đã có quan điểm, cách tiến hành rất khoa học, bài bản, đầy đủ, sáng tạo. Những điều ông đã làm thực sự đã đóng góp lớn cho khoa học quản lí ngành y tế không những giai đoạn đó mà cả sau này.
Trong khoa học quản lí, ông còn là người có tầm nhìn xa mang tính chiến lược về nhiều mặt trong y học và y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh, vấn đề y tế nông thôn, tiêm chủng, vệ sinh phòng bệnh, phòng chống lao, phong, mắt hột, sốt rét, bướu cổ, bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em, các bệnh lây lan theo đường tình dục, vấn đề dinh dưỡng… và đã có những chủ trương đúng, giải pháp đúng, chương trình khoa học giải quyết những vấn đề này như trong công tác chăm sóc sức khỏe lấy phòng bệnh làm chính, trong y học dự phòng tổ chức tốt phong trào tiêm chủng rộng rãi, nghiên cứu phương pháp tiêm trong da tiết kiệm và có hiệu quả cao, y tế nông thôn tập trung vào vấn đề phân, nước, rác, nghiên cứu và tổ chức triển khai rộng rãi việc dùng hố xí hai ngăn, ủ phân tại chỗ, đẩy mạnh phong trào xây dựng hố xí, giếng nước, nhà tắm, giải quyết nạn mù loà do mắt hột bằng cách vận động dùng nước sạch, nước giếng, giải phóng kĩ thuật, cho mổ quặm tại huyện, xã, giải quyết tình trạng thiếu dinh dưỡng bằng cách nghiên cứu và khuyến khích sử dụng mọi loại đạm động vật, thực vật, tổ chức tẩy giun bằng các dược phẩm sẵn có trong dân, nghiên cứu các bài thuốc dân gian…
Trong khoa học quản lí, một đóng góp đáng lưu ý nữa là việc cho thành lập các viện, bệnh viện chăm lo công tác bảo vệ sức khỏe cho nhiều chuyên ngành: Viện Bảo vệ Sức khỏe Trẻ em, Viện Bảo vệ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ sơ sinh, Viện Sốt rét Ký sinh trùng và Côn trùng y học, Viện Nghiên cứu Đông y… có vai trò đầu ngành, các viện và bệnh viện này đã là điểm tựa, là nơi xuất phát cho những bước tiến về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trong các lĩnh vực này.
Trong khoa học lâm sàng ông đã tìm ra phương pháp tiêm chủng phòng lao bằng BCG chết sau khi đã tiến hành nghiên cứu cùng các cộng tác viên của mình trên môi trường nuôi cấy, trên thực nghiệm và trên lâm sàng. Thành công của nghiên cứu này đã khiến việc phòng bệnh lao vượt qua được khó khăn lớn lao khi đó vì nếu dùng BCG sống thì phụ thuộc vào tủ lạnh, vào nguồn điện bảo quản lạnh vaccin, làm cho việc tiêm chủng phòng lao có thể tiến hành rộng rãi, bảo vệ sức khỏe nhân dân đặc biệt là trẻ em khỏi các dạng lao nặng, giảm tỉ lệ nhiễm lao ở trẻ em, giảm được số trẻ em bị các thể lao kê, lao màng não, giảm tử vong lao ở trẻ. Hơn 20 triệu lượt người trên tổng số 16-18 triệu dân miền Bắc được tiêm chủng, tái chủng tức là hầu hết nhân dân được bảo vệ chống lây nhiễm lao.
Kết hợp đông tây y trong công tác chữa bệnh, ông đã nghiên cứu dùng filatov tiêm vùng huyệt phổi kết hợp với các thuốc chống lao để điều trị bệnh lao. Trong điều tra dịch tễ bệnh lao ông đã đề ra chương trình nghiên cứu các kĩ thuật thuần nhất đờm đơn giản có thể áp dụng cho mọi tuyến, đặc biệt cho các cơ sở lưu động, nghiên cứu và tìm ra các môi trường có thể sản xuất bằng các nguyên liệu trong nước để nuôi cấy vi trùng lao có thể phổ biến dễ dàng cho các địa phương. Một đóng góp khoa học rất lớn khác của ông là đã đề ra và tổ chức thực hiện ở nước ta việc phát hiện lao trong điều tra dịch tễ lao bằng đờm ngay từ năm 1956, một vấn đề khoa học đi trước thời đại mấy chục năm khi Tổ chức Y tế Thế giới còn đang chủ trương phát hiện lao bằng chụp huỳnh quang rất tốn kém và ít hiệu quả. Vấn đề này đã được trình bày tại Hội nghị quốc tế chống lao ở New Delhi 1957. Hàng chục năm sau Hiệp hội Chống Lao Quốc tế đã thấy rõ giá trị của phương pháp này, phương pháp mà ngày nay Tổ chức Y tế Thế giới coi là quan trọng nhất, đặc hiệu nhất trong việc điều tra phát hiện lao.
Về các bệnh phổi ông cũng tiến hành nghiên cứu nhiều bệnh ở nước ta còn ít hoặc chưa hề được nói đến như các bệnh bụi phổi, bệnh nhiễm bụi than, nhiễm bụi silic, nấm phổi, sán lá phổi, viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản khô chảy máu, hen, ung thư phổi, thâm nhiễm phổi mau bay, xơ phổi, các vấn đề về miễn dịch… những nghiên cứu đã mở ra nhiều chương mới trong bệnh học phổi ở nước ta.
Không kể đến những bài nghiên cứu đăng trong các tạp chí chuyên môn nước ngoài từ những năm 1937-1938, chỉ tính trong vòng 10 năm từ 1957 khi ông làm Viện trưởng Viện Chống Lao, ông đã công bố hơn 60 công trình nghiên cứu, bài báo khoa học đăng trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước hoặc được trình bày tại các hội nghị quốc tế. Nhiều công trình đã được đánh giá cao, được trao đổi rộng rãi và giới thiệu lại trên các tạp chí khoa học nước ngoài.
Một số công trình nghiên cứu, bài báo khoa học của ông:
· Phòng lao cho người đã có dị ứng bằng BCG chết.
· Về giá trị các môi trường VCL1 và VCL2 trong nuôi cấy vi trùng lao.
· Điều trị bệnh nhân lao ngoài bệnh viện, vaccin BCG chết trong công tác chống lao trẻ em ở Việt Nam.
· Về bệnh nhiễm trùng do Mycobacteria ở Việt Nam.
· Nghiên cứu về tình hình sơ nhiễm ở trẻ em do trực trùng không điển hình.
· Vấn đề phục hồi chức năng phổi trong việc điều trị lao phổi mạn tính.
· Bệnh viêm phế quản mạn tính nghề nghiệp.
· Cơ chế kích sinh chất filatov trong điều trị lao phối người lớn tiêm ở vùng huyệt phổi phối hợp với uống INH…
Các sách khoa học đã xuất bản của ông:
· Cơ sở lý luận y học Việt Nam.
· Quán triệt phương châm phòng bệnh trong công tác bảo vệ sức khỏe.
· Mười năm xây dựng y tế nông thôn.
Đánh giá những thành tựu đóng góp của ông trong nghiên cứu khoa học, nhà nước ta đã nhận định "Đồng chí Phạm Ngọc Thạch đã nêu một tấm gương về cách nhìn, cách nghĩ, cách nghiên cứu để giải quyết một cách sáng tạo và độc đáo những vấn đề khó khăn và phức tạp của việc thanh toán những bệnh tật do chế độ cũ để lại, trong việc vệ sinh phòng bệnh và bảo vệ sức khỏe nhân dân và đồng chí đã thành công trong nhiều công trình nghiên cứu quan trọng"(Phạm Văn Đồng). Năm 1997, ông đã được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh ngay từ đợt đầu tiên.
NGUYỄN XUÂN NGUYÊN
GIÁO SƯ NGUYỄN XUÂN NGUYÊN (1907-1975)
Giáo sư Nguyễn Xuân Nguyên sinh năm 1907, mất năm1975, ông sinh tại xã Quảng Giao, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa.
Thời niên thiếu ông theo gia đình học tiểu học ở Hà Tĩnh, trung học ở Vinh (Nghệ An). Lớn lên ông ra Hà Nội học trường Bưởi. Sau khi đỗ tú tài, năm 1929 ông thi vào học ở trường thuốc Đông Dương và tốt nghiệp bác sĩ y khoa năm 1935 với luận án “Góp phần nghiên cứu về bệnh nhiễm khuẩn Malléomyces ở Đông Dương".
Trong thời gian học ở trường thuốc ông đã tỏ ra là một sinh viên thông minh, hiếu học, được thầy và bạn kính nể nên khi bước sang năm học thứ 5, ông được tuyển chọn làm trợ lý giải phẫu và khi tốt nghiệp bác sĩ ông được trường Y giữ lại làm hướng dẫn viên về bệnh học lâm sàng nhãn khoa (1936-1938) rồi chủ nhiệm khoa Mắt, chủ nhiệm khoa Ngoại (1939-1943), sau đó ông được cử làm giảng viên trường Y kiêm Giám đốc nhà thương chữa mắt ở dốc Hàng Gà gần chợ Hôm (Đức Viên).
Lúc bấy giờ nhân dân ta bị các bệnh về mắt chiếm tỷ lệ khá cao mà đặc biệt là bệnh mắt hột ở các vùng thôn quê do trình độ vệ sinh quá thấp nhưng người nông dân lại nghĩ rằng do hướng của đình làng không thuận, giếng làng đào ở vị trí có long mạch v.v…Hằng ngày số bệnh nhân bị đau mắt đến nhà thương dốc Hàng Gà rất đông, phải xếp hàng chờ đợi, có khi phải ngủ qua đêm trên vỉa hè chung quanh nhà thương mới đến lượt vào khám. Do trình độ dân trí còn quá thấp vì chính sách ngu dân của thực dân Pháp, nhiều người khi đau mắt đã dùng các loại lá cây, thậm chí dùng ếch nhái đắp lên mắt làm cho bệnh mắt hột gây thêm nhiều biến chứng như mắt toét ba vành, lông quặm dẫn tới mù lòa (51% bị mù do mắt hột).
Trước tình hình đó Giáo sư Nguyễn Xuân Nguyên đã tập trung nghiên cứu các vấn đề liên quan đến công tác phòng và chống bệnh mắt hột. Chỉ tính từ năm 1935 đến 1945 ông đã công bố 48 công trình nghiên cứu khoa học trên các tạp chí trong và ngoài nước. Do có cống hiến cho khoa học, ông được mời tham dự vào Hội Y học nhiệt đới (1938), Hội Y học Đông Dương (1935-1945), Trường Viễn Đông bác cổ và Hội Nhân chủng học (1940-1945).
Cách mạng tháng 8-1945 thành công, ông không do dự và từ bỏ tất cả vinh hoa phú quý tham gia cách mạng. Từ những ngày đầu tháng 10-1945, ông được cử làm Giám đốc Sở Y tế miền Duyên hải (Bắc Bộ). Năm 1946 ông được bầu làm Chủ tịch Ủy ban hành chính rồi Ủy ban Kháng chiến hành chính Hải Phòng, kiêm phó giám đốc Quân Dân y chiến khu 3. Tháng 10.1946 khi Bác Hồ dự hội nghị Fontainebleau (Pháp) trở về bằng đường biển, Giáo sư Nguyễn Xuân Nguyên với tư cách Chủ tịch ủy ban hành chính thành phố Hải Phòng đã cùng với đại diện Quốc hội, đại diện Chính phủ ra Hạ Long đón đoàn về Hải Phòng.
Năm 1948-1952, ông là ủy viên Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu 3 kiêm Giám đốc Sở Y tế Liên khu 3. Năm 1952 ông là một trong những cán bộ giảng dạy nòng cốt của Trường y sĩ Việt Nam Liên khu 3-4 ở Thanh Hóa. Khi trường này sáp nhập với Trường đại học Y khoa ở Việt Bắc, ông vẫn tiếp tục tham gia giảng dạy Bộ môn Mắt.
Hòa bình lập lại trên nửa đất nước, ông là một trong số 9 cán bộ giảng dạy đầu tiên của trường Đại học Y Dược Hà Nội được nhà nước phong học hàm giáo sư và được giao nhiệm vụ Chủ nhiệm bộ môn Nhãn khoa Trường đại học Y dược Hà Nội kiêm Giám đốc Bệnh viện Mắt rồi Viện trưởng Viện Mắt.
Từ năm 1960 trở đi ông còn được bầu vào Quốc hội và được cử làm ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, Chủ tịch hội Nhãn khoa và là ủy viên thường trực của Đảng Xã hội Việt Nam.
Trong bất cứ nhiệm vụ nào được giao ông cũng đem hết tâm huyết và nghị lực để hoàn thành với hiệu quả cao nhất. Khi làm công tác quản lý ông đã có nhiều đóng góp trong các vấn đề xã hội nói chung và sức khỏe của nhân dân nói riêng. Khi làm công tác giảng dạy, ông là người thầy uyên bác, mô phạm, tận tình chỉ bảo cho các thế hệ học trò, ông còn có biệt tài về sư phạm nên khi giảng dạy tuy có nhiều đối tượng và trình độ khác nhau nhưng ai cũng hiểu và tiếp thu được nhiều cái mới trong bài giảng của ông. Khi làm công tác nghiên cứu ông rất thực tế, luôn luôn tìm những biện pháp phù hợp với hoàn cảnh nông thôn Việt Nam để phòng và chống bệnh mắt hột mà sau khi hòa bình được lập lại, Chính phủ, Bộ Y tế đã xếp vào một trong các bệnh xã hội cần phải giảm dần tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ mù, tỷ lệ gây biến chứng tiến tới thanh toán bệnh mắt hột. Ngoài việc thực hiện phong trào xây dựng ba công trình hố xí, giếng nước, nhà tắm…ông còn kêu gọi bà con nông dân mỗi người phải có một khăn mặt riêng, phải rửa tay, rửa mặt bằng xà phòng…Về thuốc chữa mắt hột ông đề ra việc sử dụng Palmatin (Hoàng đằng) là loại dược liệu có sẵn trong nước, nhũ tương Filatov …
Để giảm tỷ lệ người mù do lông quặm, ông đã đề ra việc phổ cập mổ quặm về đến tuyến xã. Năm 1975, trong chuyến đi công tác ở các tỉnh phía Nam, ông bị lâm bệnh đột ngột, được Giáo sư Phạm Biểu Tâm điều trị cho bằng phẫu thuật nhưng vì bệnh quá nặng ông đã qua đời.
Với cụm công trình nghiên cứu bệnh mắt hột và bệnh mũ lòa ở Việt Nam từ năm 1938 đến 1975, tháng 9-1996, Giáo sư Nguyễn Xuân Nguyên đã được Nhà nước ta tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Đó là sự ghi nhận công lao của người đã đi tiên phong trong công tác phòng và chống bệnh mắt hột ở Việt Nam.
Cụm công trình được tặng giải thưởng HCM:
Các công trình nghiên cứu bệnh mắt hột và bệnh mù loà ở Việt Nam (1938-1975).
NGUYỄN VĂN HƯỞNG
GIÁO SƯ, BS NGUYỄN VĂN HƯỞNG (1906-1998)
Anh hùng lao động, Thầy thuốc Nhân dân
Giáo sư, Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng sinh năm 1906, quê tại xã Mỹ Chánh (nay là xã Mỹ Hiệp), huyện Chợ Mới, tỉnhLong Xuyên (nay là tỉnh An Giang), còn có tên khác là Nguyễn Thành Tâm. Ông nội ông là thầy dạy chữ Nho, cha ông cũng học chữ Nho và kiêm luôn một ít nghề thuốc. Lúc ông lên 5 tuổi, mẹ ông mất vì dịch tả, ông nội và bà nội lần lượt qua đời. Cha ông đi làm ăn xa, nên từ năm 10 tuổi ông đã phải sống tự lập. Ông theo học tiểu học tại Cần Thơ, trung học tại Mỹ Tho và tú tài tại Sài Gòn. Năm 1927, ông học Trường Đại học Y khoa Hà Nội. Học xong 4 năm ở Hà Nội, ông lại học tiếp 2 năm ở Paris và bảo vệ luận án tốt nghiệp năm 1932.
Năm 1933, ông về nước và làm việc tại Viện Pasteur Sài Gòn trong 5 năm. Do bất bình trước thái độ phân biệt đối xử của người Pháp, năm 1939, ông thôi việc và mở phòng mạch, phòng xét nghiệm tại số nhà 224 đường Cống Quỳnh ngày nay – đây chính là phòng khám bệnh tư có kèm phòng xét nghiệm đầu tiên ở Sài Gòn.
Sau Cách mạng tháng 8, ông là thành viên Hội đồng Cố vấn ủy ban Nhân dân Nam Bộ, Trưởng ban Y tế và bào chế của Sở Y tế Nam Bộ. Sau ngày Nam Bộ kháng chiến (23/9/1945), ông tản cư về An Giang. Tháng 10 năm 1945, theo lệnh Uỷ ban Kháng chiến Nam Bộ, ông về Mỹ Tho để tham gia công tác y tế cách mạng. Tại đây, ông đã cùng đồng nghiệp chế tạo thành công huyết thanh chống uốn ván và nhiều loại vắc xin phòng bệnh. Trong Tổng tuyển cử 6/1/1946, ông trúng cử đại biểu Quốc hội khoá I của tỉnh Long Xuyên. Sau Hiệp định sơ bộ (6/3/1946), ông trở về Sài Gòn mở phòng mạch trở lại bình thường và tiếp tục tiếp tế thuốc men, dụng cụ y tế và cứu chữa thương binh cho chiến khu… Ở Sài Gòn, ông đã cùng Đặng Văn Trứ và cụ Lưu Văn Lang đại diện cho 200 nhà trí thức Sài Gòn ký vào bản tuyên ngôn ủng hộ Chính phủ kháng chiến chống Pháp. Năm 1947, ông trở ra khu kháng chiến, là uỷ viên Uỷ ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ kiêm Giám đốc Sở Y tế Quân dân Nam Bộ. Ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam vào 3 tháng 7 năm1953.
Năm 1954, sau hiệp định Geneve, ông tập kết ra Bắc, lần lượt giữ các cương vị Trưởng đoàn đại biểu nhân dân Nam Bộ đi dự Hội nghị châu Á tại New Dehli (3/1955), Giám đốc Bệnh viện 303 (7/1955), Giám đốc Viện Vi trùng học (1956), Viện trưởng Viện nghiên cứu Ðông y kiêm Vụ Trưởng vụ Ðông y (1957), Chủ nhiệm Bộ môn Đông y (nay là khoa Y học cổ truyền) của Đại học Y Hà Nội. Tháng 1 năm 1957 của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá I, ông được bầu làm Uỷ viên chính thức Ban Thường trực Quốc hội. Ông là đại biểu Quốc hội và là Phó Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội các khoá II (1960–1964) và khóa III (1964–1971).
Tháng 3 năm 1969, ông chính thức giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Y Tế. Năm 1971, sau một chuyến đi công tác, ông bị lâm bệnh nặng do đó nên bác sĩ Vũ Văn Cẩn đã được giao làm Quyền Bộ trưởng. Ông rời khỏi cương vị Bộ trưởng vào tháng 4 năm 1974. Năm 1975, ông làm Viện trưởng Viện Y học cổ truyền dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh, năm 1983 là Cố vấn Bộ trưởng Bộ Y tế về Y học cổ truyền dân tộc. Ông còn đảm nhận các chức vụ như Phó Chủ tịch Uỷ ban đoàn kết Á – Phi của Việt Nam, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Uỷ viên Đảng đoàn Quốc hội… Trong công tác quản lý lẫn trong nghiên cứu, ông luôn đề cao việc kết hợp Đông Tây y là phương hướng xây dựng nền y học dân tộc. Ông đã chủ trì biên soạn cuốn Phương pháp Dưỡng sinh với 72 động tác cơ bản và đã được tái bản ít nhất 12 lần.
Ông mất vào ngày 4 tháng 8 năm 1998, thọ 93 tuổi. Ngay khi trước khi mất, tên ông đã được đặt cho một học bổng trong lĩnh vực y tế của báo Sài Gòn giải phóng mang tên Học bổng Nguyễn Văn Hưởng. Tên của ông đã được đặt cho một con đường ở thành phố Hồ Chí Minh.
Ông đã được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lao động, Thầy thuốc nhân dân, Huân chương Độc lập hạng nhất và nhiều huân, huy chương khác.
Năm 1996, ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I cho các công trình: Toa căn bản, Kháng sinh thảo mộc, Phương pháp dưỡng sinh (từ 1954).
HOÀNG TÍCH MỊCH
GIÁO SƯ HOÀNG TÍCH MỊCH (sinh 1904)
Giáo sư Hoàng Tích Mịch sinh năm 1904 là một nhà nghiên cứu y học nổi tiếng của Việt Nam. Ông sinh ra tại Bắc Ninh.
Giáo sư Hoàng Tích Mịch được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về công trình về vệ sinh nước sinh hoạt, nước ăn, nước thải và sách giáo khoa và 38 công trình về vệ sinh thực phẩm-dinh dưỡng.
Hòa bình được lập lại trên miền bắc nước ta năm 1954, Cụ được cử là chủ nhiệm Bộ môn Vệ sinh-dịch tể, Trường đại học Y Hà Nội (1954-1975). Khi nước ta bắt đầu giảng dạy ở bậc đại học bằng tiếng Việt, cần đến hàng loạt sách giáo khoa cho sinh viên học tập, Cụ đã cùng những học trò giỏi của mình bắt tay vào biên soạn : Vi trùng học (1958), Vệ sinh học (1960), Dịch tễ học (1967), Thường quy kỹ thuật dùng cho các trạm vệ sinh phòng dịch tỉnh, thành phố (1970), Vệ sinh lao động (1973), Vệ sinh hoàn cảnh (1974), Vệ sinh thực phẩm và dinh dưỡng (1977), Vệ sinh xã hội (1978), Vệ sinh dịch tễ (tập I – II, 1979), Dịch tễ học đại cương và dịch tễ học từng bệnh (1981). Những sách này được sử dụng làm giáo trình cơ bản tại Trường đại học Y Hà Nội và các trường đại học y trong toàn quốc, trong đào tạo các bác sĩ chuyên khoa vệ sinh dịch tễ – y học dự phòng ở nước ta.
21 năm giảng dạy tại Trường Đại học Y Hà Nội, Cụ đã trực tiếp đào tạo nhiều thế hệ các bác sĩ vệ sinh dịch tễ, hiện nay đang công tác trên mọi miền đất nước, nhưng đáng kể nhất là tại các cơ quan hệ thống y tế dự phòng, các trung tâm y tế dự phòng của 61 tỉnh, thành phố và tại 14 các viện, phân viện, trung tâm nghiên cứu, vụ chuyên ngành y học – y tế dự phòng ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung.
Các thế hệ học trò của Cụ, nhiều người đã trở thành phó tiến sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư, viện trưởng, chủ nhiệm bộ môn, chuyên gia đầu ngành trong nhiều lĩnh vực y học cũng như trong một số cơ quan chuyên môn cấp cao của Nhà nước.
Cụ Hoàng Tích Mịnh đã được Nhà nước giao phụ trách các viện, các cơ quan y tế – y học dự phòng từ những ngày đầu kháng chiến và sau hòa bình lập lại: Trạm kiểm dịch Hải phòng (1945), Phân khu y tế Hà Nam Ninh (1947), Viện Vi trùng học Bắc Bộ (1948-1953), Viện Vệ sinh – dịch tễ trung ương (Phó Viện trởng, 1954-1975).
Suốt cuộc đời khoa học công tác tại các viện, Cụ đã tập trung nghiên cứu, tìm tòi những mục tiêu chiến lược về sức khỏe của dân, trong kháng chiến cũng như khi xây dựng hòa bình.
Trong nghiên cứu khoa học, phục vụ đời sống dân sinh, Cụ và những người học trò – cộng sự giỏi đã tập trung nghiên cứu về nguồn nước dùng cho ăn uống, sinh hoạt, chữa bệnh ở Việt Nam, nghiên cứu về các biện pháp xử lý và bảo đảm chất lượng để cung cấp nước an toàn cho các vùng dân cư từ thành phố đến nông thôn Việt Nam.
Những kết quả nghiên cứu khoa học về cung cấp nước, chất lượng vệ sinh – an toàn về nước đã trở thành luật định, thành tiêu chuẩn Nhà nước về cung cấp nước an toàn, thành các phương pháp chuẩn trong nghiên cứu đánh giá vệ sinh nguồn nước và đang còn giữ nguyên giá trị học thuật cho đến nay.
Cụ Hoàng Tích Mịnh là người đặt nền móng cho nhiều giải pháp kỹ thuật trong việc xử lý vệ sinh chất thải ở Việt Nam, đặc biệt là xử lý phân bắc bằng hình thức "hố xí hai ngăn ủ phân tại chỗ", giải pháp kỹ thuật này đã được nghiên cứu kỹ ở Việt Nam, nhưng ưu điểm, nhược điểm của giải pháp đều đã được đánh giá và khuyến cáo trong sử dụng, đã được in và khuyến cáo áp dụng trong nhiều tài liệu của nước ngoài, của nhiều tổ chức quốc tế.
Cụ Hoàng Tích Mịnh là người bắt đầu và cùng các thế hệ học trò xây dựng và phát triển ngành vệ sinh thực phẩm dinh dưỡng Việt Nam đạt được nhiều thành tựu khoa học, đề xuất và góp phần giải đáp được nhu cầu quốc tế dân sinh về bữa ăn, khẩu phần của các đối tượng lao động, trẻ em và người cao tuổi Việt Nam.
Cụ đã đặt nền móng cho bộ môn này tại Trường Đại học Y Hà Nội và tại tất cả các viện nghiên cứu, các cơ quan triển khai về chuyên ngành y học dự phòng trong nước.
Những nghiên cứu về tình trạng dinh dưỡng – khẩu phần của các đối tượng lao động và đặc biệt ở những vùng có chiến tranh ác liệt và huy động lớn về sức dân phục vụ các chiến trường. Những kết quả nghiên cứu về dinh dưỡng học, về vệ sinh thực phẩm đã được Bộ Y tế trình lên trung ương, Chính phủ làm cơ sở cho các nghị quyết, các chỉ thị của Đảng và Chính phủ về cải thiện đời sống, tăng cường sức dân cho những mục tiêu chính trị của Nhà nước.
Trong nghiên cứu, Cụ đã đặc biệt chú ý đến tình trạng nuôi dưỡng trẻ em, đối tượng luôn được quan tâm trong suốt tiến trình lịch sử của đất nước.
Cụ và các thế hệ học trò đã đặc biệt chú ý đến việc tạo ra những sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, bảo quản dài ngày mà ít thay đổi về chất lượng, phục vụ các chiến trường và cư dân các vùng đặc biệt, vấn đề bảo quản gạo, cơm khô gửi đi các chiến trường, nước giải khát, nước mắm ngắn ngày, xì dầu, bánh, các loại kẹo dinh dưỡng cao… làm thức ăn cho cán bộ, chiến sĩ. Những việc này một thời đã hết sức cần đến, đã được Cụ và các cộng sự giải đáp tích cực và đã có những đóng góp nhất định cho sự bắt đầu hình thành ngành công nghiệp chế biến thực phẩm ở nước ta hiện nay.
Những vấn đề về vệ sinh thực phẩm – dinh dưỡng được bắt đầu từ rất sớm trước đây nay đã trở thành những nội dung công tác lớn về an ninh, an toàn lương thực – thực phẩm trong chương trình hoạt động của ngành y tế và liên ngành của Nhà nước ta hiện nay.
Năm nay, Cụ Hoàng Tích Mịnh đã 94 tuổi, tuy đi lại có khó khăn hơn, nhưng nhờ lối sống giản dị, thanh tao, nên đầu óc minh mẫn, thông tỏ. Các thế hệ học trò của Cụ vẫn thường xuyên đến thăm, thầy trò vẫn tư vấn, luận bàn về việc đời, việc nghề.
Nếu nói một cách đơn giản y tế là chữa trị và phòng bệnh, thì nội dung phòng bệnh đã chiếm một nửa các hoạt động của ngành y tế – đó là phân ngành y tế – y học dự phòng và Cụ Hoàng Tích Mịnh là người thầy tiêu biểu, nhà hoạt động xuất
Cụm công trình được giải thưởng HCM:
Cụm công trình về vệ sinh nước sinh hoạt, nước ăn, nước thải và sách giáo khoa và 38 công trình về vệ sinh thực phẩm-dinh dưỡng (những năm 1960).
ĐỖ XUÂN HỢP (
GS, BS, THIẾU TƯỚNG ĐỖ XUÂN HỢP (1906-1985)
Ông vua của ngành Giải phẫu học Việt Nam
Thiếu tướng Đỗ Xuân Hợp (1906-1985) là một thầy thuốc nổi tiếng và là một tướng lĩnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, nguyên Ủy viên Thường vụ Quốc hội Việt Nam khóa IV.
Ông quê ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; nhập ngũ năm 1946; thụ phong quân hàm Thiếu tướng và học hàm Giáo sư năm 1955; thụ phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1985.
Năm 1929, ông tốt nghiệp Trường Cao đẳng Y dược và trở thành bác sĩ y khoa từ năm 1944.
1932-1945, ông là giảng viên Trường Y dược Đông Dươngrồi Đại học Y khoa Việt Bắc (1949-1954).
1950-1960, ông là Viện trưởng Viện Quân y Khu 10; Hiệu trưởng kiêm Chủ nhiệm Bộ môn giải phẫu Trường Quân y sĩ Việt Bắc, Trường Sĩ quan quân y; Chủ nhiệm Bộ môn Giải phẫuĐại học Y khoa Hà Nội (1954-1985).
Trực tiếp mổ xẻ, băng bó, chăm sóc vết thương cho thương bệnh binh từ chiến trường chuyển về, ông nhận thấy vết thương tứ chi bao giờ cũng chiếm một tỉ lệ lớn, do đó ông đã kịp thời biên soạn quyển Giải phẫu tứ chi và Thực hành y khoa. Tập sách này được xuất bản năm 1952 tại Việt Bắc – nó không chỉ là tài liệu chính giảng dạy trong nhà trường mà còn là cẩm nang quý báu cho cán bộ quân y tham khảo để phục vụ thương binh ngay tại chiến trường. Với tác phẩm này, ông được Bác Hồ gửi thư khen ngợi và Chính phủ tặng Huân chương kháng chiến hạng ba. Từ sự khích lệ này, trong suốt 20 năm (1952-1971) ông đã dành hết tâm lực để hoàn thành bộ sách nghiên cứu về giải phẫu học gồm nhiều tập, với 2000 trang, 900 hình vẽ minh họa có giá trị lâu bền như Giải phẫu bụng, Giải phẫu ngực… đã được Nhà xuất bản y học tái bản nhiều lần. Ngoài ra còn có thể kể đến những tác phẩm y học ông viết trong thời gian chống Pháp như Triệu chứng học, Dược học, Thực hành bệnh viện…
1960-1978, ông là Giám đốc Học viện Quân Y.
Ông là Phó Chủ tịch Tổng Hội Y học Việt Nam từ khi thành lập; sáng lập viên và là Chủ tịchHội Hình thái học Việt Nam (1965-1985); sáng lập viên Hội Nhân chủng học, chuyên viên đầu ngành giải phẫu học Việt Nam.
Từ năm 1934 đến năm 1985, ông đã đào tạo 15.000 cán bộ y tế trong và ngoài quân đội, là tác giả 125 công trình về Nhân trắc học và Hình thái học người Việt Nam.
Ông là Đại biểu Quốc hội từ khóa II đến khóa VII, Ủy viên Thường vụ Quốc hội khóa IV, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Y tế – Xã hội của Quốc hội khóa VI, Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa III, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội khóa IV.
Là một nhà khoa học, một người thầy thuốc, Ông đã hết lòng, hết sức đem hết khả năng và kinh nghiệm của mình để cứu chữa cho thương bệnh binh, luôn luôn thể hiện tốt lời dạy của Hồ Chủ Tịch: "Người thầy thuốc giỏi phải đồng thời như mẹ hiền". Ông mất năm 1985 tại Hà Nội.
Với những đóng góp của mình, Bác sĩ Đỗ Xuân Hợp được Nhà nước và quân đội trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Độc lập, Huân chương Quân công hạng nhất, Huân chương Quân kỳ quyết thắng, Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang và nhiều huân, huy chương khác. Đặc biệt ông còn được nhận Giải thưởng Textut của Viện Hàn lâm Y học Pháp năm 1949, Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1996.
Công trình được tặng giải thưởng HCM:
Giải phẫu mô tả và nhân trắc học người Việt Nam (1950-1971).
ĐỖ TẤT LỢI
GIÁO SƯ, TS ĐỖ TẤT LỢI (1919-2008)
Nhà nghiên cứu dược học nổi tiếng của Việt Nam
Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi sinh ngày 1/2/1919 và mất ngày 3/2/2008 là một nhà nghiên cứu dược học nổi tiếng của Việt Nam. Ông sinh tại xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
Ông là sinh viên Đại học Y dược Đông Dương khóa đầu tiên và tốt nghiệp vào thời điểm cả Đông Dương mới có 6 dược sĩ.
Năm 1939, ông học Đại học Dược Hà Nội, khi tốt nghiệp ông về mở hiệu thuốc Đông y và tự nghiên cứu, chế ra những loại thuốc dưới dạng thành phẩm.
Năm 1968, Ông đã được Hội đồng Khoa học Tối cao Liên Xô phong tặng học vị Tiến sĩ.
Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ đợt I (năm 1996).
Công trình được tặng giải thưởng HCM:
Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (1962-1965, 1969-1970, 1977, 1981, 1986, 1991, 1995).
ĐẶNG VŨ HỶ
GIÁO SƯ, BS ĐẶNG VŨ HỶ (1910-1972)
Người giàu tài năng và y đức
Giáo sư Đặng Vũ Hỷ sinh ngày 17-3-1910 tại làng Hành Thiện, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định trong một dòng họ khoa bảng lâu đời. Vào thời trẻ, chàng trai họ Đặng đã được học hành chu đáo, đến nơi đến chốn.
Ông theo học bậc tiểu học ở Nam Định, trung học ở trường An-be Xa-rô, rồi đại học ở trường Thuốc. Năm 1937, ông tốt nghiệp bác sĩ nội trú các bệnh viện Pa-ri, với bản luận văn La syphilis de l’ovaire (Bệnh giang mai buồng trứng) từng được Nhà xuất bản Amédée le Grand in bằng tiếng Pháp và cho phát hành tại thủ đô Pa-ri.
Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công như một biến cố diệu kỳ trong lịch sử dân tộc. Lúc đó, bác sĩ Đặng Vũ Hỷ cũng đã trở về nước bèn đi tìm gặp giáo sư Hồ Đắc Di, người vừa được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin cậy giao cho làm Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội kiêm Giám đốc Bệnh viện Đồn Thủy. Ngay trong phút đầu gặp mặt, giáo sư Di đã vui vẻ mời bác sĩ Hỷ tham gia giảng dạy ở trường Y và làm chủ nhiệm phòng khám ở Bệnh viện Đồn Thủy. Bác sĩ trở về nhà, đóng ngay cửa phòng khám bệnh tư của mình để dành hết thời gian và tâm trí cho công việc chung. Vào tháng 12-1946, không khí Hà Nội rất nặng nề, căng thẳng. Bác sĩ Hỷ cùng vợ và người con trai mới sinh được ba tháng là Đặng Vũ Minh vừa tạm lánh về quê Nam Định, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Không chút đắn đo, ông liền xin gia nhập vào Vệ quốc đoàn, được giao phụ trách trạm quân y tiền phương ở Cổ Lễ. Vài năm sau, bác sĩ Đặng Vũ Hỷ được giao phụ trách Quân Y Viện khu Hà Nam – Nam Định – Ninh Bình và sau đó, ông lại chuyển qua công tác tại trường Y sĩ liên khu III – IV ở Nông Cống (Thanh Hóa). Là bác sĩ chuyên khoa da liễu, nhưng do thiếu người giảng dạy nội khoa, ông luôn phải tự học thêm để dạy. Đêm đêm, bên ngọn đèn dầu bấc to, ông thường ngồi đọc cho vợ chép những bộ sách dày bằng tiếng Pháp. Tới năm 1953, trường Y sĩ liên khu III – IV chuyển lên Việt Bắc, sáp nhập với trường Đại học Y. Sang năm 1954, quay trở về Hà Nội, ông mới được làm công việc đúng với chuyên môn sở trường: Chủ nhiệm Bộ môn Da liễu trường Đại học Y – Dược kiêm chủ nhiệm khoa Da liễu Bệnh viện Bạch Mai.
Là người ham thích nghiên cứu, ông đọc ngấu nghiến các sách chuyên khảo và tạp chí chuyên ngành mới tìm thấy ở Hà Nội về các bệnh ngoài da và hoa liễu (gọi tắt là da liễu) để cập nhật hóa kiến thức. Thời gian này, ông liên tiếp biên soạn, xuất bản 5 cuốn sách về bệnh phong, bệnh hoa liễu và các bệnh ngoài da khác. Từ năm 1954 đến năm 1972, ông công bố 48 công trình khoa học trên các tạp chí chuyên ngành ở Việt Nam, Pháp, Anh, Đức, Ru-ma-ni… Bác sĩ Đặng Vũ Hỷ đặc biệt rất thương yêu những người bị bệnh phong, tìm mọi cách chữa bệnh cho họ, gần gũi an ủi họ.
Giáo sư – bác sĩ Đặng Vũ Hỷ qua đời ngày 4-10-1972. Ở Trại phong Quy Hòa, các thầy thuốc và bệnh nhân đã cho dựng tượng để tưởng niệm giáo sư. Dưới chân tượng có khắc dòng chữ: “… Cuộc đời tận tụy vì người bệnh, y đức trong sáng của giáo sư Đặng Vũ Hỷ để lại những nét sâu đậm trong lòng người mắc bệnh phong và những thầy thuốc chuyên khoa”. Giáo sư – bác sĩ Đặng Vũ Hỷ đã được Nhà nước ta truy tặng cho Giải thưởng Hồ Chí Minh về hai cuốn sách chuyên khảo, 16 công trình nghiên cứu bệnh phong, bộ giáo trình Bệnh da liễu và 32 công trình nghiên cứu khác.
Công trình được tặng giải thưởng HCM:
Bệnh học da liễu: tập hợp 16 công trình nghiên cứu và hai tập sách chuyển khảo về bệnh phong (sau 1945).
ĐẶNG VĂN NGỮ
GIÁO SƯ, BS ĐẶNG VĂN NGỮ (1910-1967)
Liệt sĩ, Anh hùng lao động
Giáo sư Đặng Văn Ngữ sinh ngày 4/4/1910 tại làng An Cựu ngoại ô thành phố Huế. Năm 20 tuổi người thanh niên Đặng Văn Ngữ đã đỗ tú tài và tốt nghiệp bác sĩ y khoa năm 1937 tại Đại học Y khoa Hà Nội.
Ngay từ khi còn học trung học, ông đã yêu thích công tác nghiên cứu khoa học. Khi vào trường y, ông được cử làm trợ lý về vật lý học cho GS Hen ri Galliard – Hiệu trưởng kiêm Chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng của trường.
Năm 1941 ông phụ trách giảng môn sinh vật cho sinhviên dược khoa và là người Việt Nam đầu tiên giảng dạy môn này ở bậc đại học ở nước ta. Cũng năm này giáo sư Massuo Ota một nhà nấm học Nhật Bản sang Hà Nội và giảng một số giờ tại Trường Đại học Y, ít lâu sau ông Đặng Văn Ngữ được cử sang Nhật với tư cách phái viên của trường và với hy vọng trở thành một nhà nấm học giỏi nhất A Đông.
Từ năm 1943 đến cuối năm 1948 ông học tập và làm việc tại Nhật. Ông đã học và nghiên cứu về nấm, men gây bệnh, về lao và hủi tại Trường Đại học Tokyo; về vi trùng đường ruột ở Bệnh viện Truyền nhiễm Tokyo. Các năm 1947- 1948, ông nghiên cứu về vi trùng học và huyết thanh học tại Quân Y Viện 406 của Mỹ ở Nhật Bản. Trong thời gian trên, vừa làm vừa học, ông đã được tiếp xúc với khoa học y học của Nhật và của Mỹ có đầy đủ thông tin và trang bị hơn ở Hà Nội rất nhiều. Được sự khuyến khích của giáo sư Ota, sau khi Alexander Fleming tìm ra penicillin, ông cũng tìm ra giống nấm sản xuất ra penieillìn và có lẽ đó là một trong những giống nấm penicillin đầu tiên tìm thấy ở Nhật.
Cũng trong thời gian trên có nhiều cực thư hút ông như người Pháp, người Nhật, người Mỹ. Họ đều muốn sử dụng tài năng của ông. Nhưng ông luôn nghĩ mình là người Việt Nam, cần phải làm gì cho Tổ quốc. Trong lúc nghiên cứu về nấm kháng sinh, ông đã tranh thủ lưu trữ được một số giống để sau này sẽ sử dụng khi về nước. Ông và trên 10 người Việt Nam, thành lập Hội Việt kiều ở Nhật Bản, ông được bầu làm chủ tịch của Hội, tổ chức được một số hoạt động để đòi công nhận nền độc lập của Việt Nam.
Từ tháng 12 năm 1946, cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam bùng nổ. Đối với các việt kiều ở nước ngoài, tất cả vấn đề là lựa chọn kháng chiến chống Pháp, hoặc trở về trong vùng Pháp tạm chiếm. Ông nhận thức, muốn có độc lập thực sự, phải kháng chiến chống bọn thực dân Pháp và bọn bù nhìn, để giành lại non sông đất nước. Sau khi bắt được liên lạc với đại diện Chính phủ ta tại Bangkok (Thái Lan), ông được tổ chức đưa về khu IV (cũ) rồi lên căn cứ địa Việt Bắc với vài bộ quần áo và một ống nấm penicillin.
Ít ngày sau khi đặt chân lên chiến khu Việt Bắc, ông đã được gặp Bác Hồ. Được sự động viên ân cần của Bác, sự giúp đỡ tích cực của Bộ Y tế, ông đã thành công trong việc sản xuất nước lọc penicillin trong mồi trường nước ngô góp phần đáng kể vào việc cứu chữa thương bệnh binh và đã được Bác Hồ thưởng Huân chương Lao động hạng III cho thành tựu kỳ diệu chưa từng ai làm được này.
Cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi, ông được giao trọng trách xây dựng ngành sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng, làm chủ nhiệm đầu tiên của Bộ môn này, là người sáng lập và là Viện trưởng đầu tiên của Viện sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng. Đối với công tác chống sốt rét, ông đã nghiên cứu tình hình trong nước và ngoài nước, cùng với Viện Sốt rét và các tổ chức khác, với sự giúp đỡ của chuyên gia Liên Xô (cũ), điều tra tình hình sốt rét ở miền Bắc Việt Nam trên một quy mô chưa từng có. Cuộc điều tra này đã giúp cho ngành Y tế nắm được thực trạng của bệnh sốt rét sau hòa bình lập lại. Mặt khác GS. cùng những đoàn công tác của Viện Sốt rét tổ chức những thí điểm ở Thái Nguyên, ở Chợ Mới, ở Bạch Thông (Bắc Cạn), ở Ngọc Lạc (Thanh Hóa). ớ những thí điểm đó đã áp dụng những biện pháp tổng hợp chống sốt rét theo kinh nghiệm của Liên Xô (cũ) và của Tổ chức Y tế Thế giới và đã đạt được những kết quả rất tốt.
Năm 1955, Đại hội đồng Tổ chức Y tế Thế giới thông qua chương trình tiêu diệt sốt rét toàn cầu. Bộ Y tế nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã có cơ sở để đề nghị với Đảng và Chính phủ thông qua một chương trình tiêu diệt bệnh sốt rét. GS. Đặng Văn Ngữ là người chỉ đạo và cùng với Viện Sốt rét chuẩn bị chương trình này. Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng và của Chính phủ thông qua "Chương trình tiêu diệt sốt rét trên toàn miền Bắc", đã biến ước mơ của GS. và hoài bão của anh chị em ngành Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng thành hiện thực.
Sau một thời gian trực tiếp chuẩn bị (1960-1961) chương trình tấn công tiêu diệt sốt rét được bắt đầu từ năm 1961-1962 được thực hiện trong những điều kiện hòa bình (1961-1964) và đã mang lại những kết quả to lớn. Sốt rét đã giảm được 20 lần, số người tử vong vì sốt rét chỉ còn rất ít.
Đến năm 1965 chiến tranh lan ra miền Bắc, một cuộc chiến tranh ác liệt chưa từng có trên đất nước Việt Nam đã nảy sinh một số vấn đề về sốt rét cần nghiên cứu. Một mặt phải tìm ra các biện pháp bảo vệ những kết quả đã đạt được, tích cực chi viện cho miền Nam phòng chống sốt rét. Mặt khác phải khẩn trương nghiên cứu những vấn đề mới do chiến tranh đặt ra. Với sự nhạy bén khoa học và tinh thần dũng cảm, GS. Đặng Văn Ngữ đã tổ chức nhiều đoàn chi viện cho các chiến trường miền Nam (Nam Bộ và khu V) để nghiên cứu phòng chống sốt rét tại chỗ. Năm 1966 chính GS. đã trực tiếp vào tuyến lửa Vĩnh Linh, cùng đoàn chống sốt rét Vĩnh Linh thực hiện một số dự định nghiên cứu. Đúng vào dịp Tết cổ truyền dân tộc năm 1967, GS. dẫn đầu một đoàn nghiên cứu sốt rét vào chiến trường Trị Thiên-Huế để nghiên cứu các biện pháp phòng chống sốt rét tại chiến trường và về vacxin sốt rét.
GS. Đặng Văn Ngữ đã hy sinh trên mặt trận Trị-Thiên-Huế hồi 14 giờ ngày 1/4/1967 vì một loạt bom B52 của giặc Mỹ xâm lược trong khi đang tiến hành nghiên cứu để tìm ra một loại vaccin phòng bệnh sốt rét cho bộ đội và nhân dân ta.
Năm 1951 GS. được bầu là chiến sĩ thi đua toàn quốc. GS. đã được tặng thưởng hai Huân chương Kháng chiến và một Huân chương Lao động.
Năm 1967, GS. được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lao động, liệt sĩ. Năm 1996, GS. được truy tặng giải thường Hồ Chí Minh, giải thưởng lớn về khoa học của Nhà nước cho các công trình khoa học của GS.
GS Đặng Vãn Ngữ đã để lại cho chúng ta những bài học quý giá:
- Là người Việt Nam, ông là một người yêu nước sẵn sàng từ bỏ mọi thuận lợi, mọi vinh hoa phú quý có thể có để được phục vụ tổ quốc, phục vụ nhân dân.
- Là người quản lý chuyên ngành, ông đã đoàn kết được mọi người trong chuyên khoa, mang hết sức lực tâm huyết triển khai, chỉ đạo công tác chống sốt rét, các bệnh do giun sán… đào tạo nên một đội ngũ đông đảo các nhà khoa học trẻ cho ngành, cho đất nước.
- Là nhà khoa học, ông đã tìm tòi sáng tạo, không ngừng suy nghĩ làm việc, kể cả lặn lội nơi rừng sâu, bên bờ suối, đi khắp hang cùng ngõ hẻm, thức thâu đêm… tìm tòi, nghiên cứu và đã có những cống hiến to lớn trong việc điều chế dung dịch penicillin chữa vết thương trong kháng chiến chống Pháp, điều tra muỗi sốt rét, v.v… và là một trong 12 nhà khoa học y dược đầu tiên của nước ta được Nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh lần thứ nhất 10/9/1996.
- Là người thầy thuốc ông đã có cái tâm, cái đức, không đành lòng ngồi nhìn nhân dân, bộ đội ta bị sốt rét, quyết tâm xin đi vào nơi gian khổ nhất, vào chiến trường miềnNam để nghiên cứu các giải pháp phòng chống sốt rét cho quân dân ta đang chiến đấu.
- Là cán bộ y tế của ngành, một đảng viên của Đảng, ông đã sống trong sạch, giản dị, nghiêm túc, khiêm tốn, trung thực, chân thành, luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người, hết sức vị tha và là một người thầy có nhân cách lớn.
TÔN THẤT TÙNG
GIÁO SƯ TÔN THẤT TÙNG (1912-1982)
Giáo sư Tôn Thất Tùng sinh ngày 10/5/1912 và lớn lên tại Huế, một miền đất với truyền thống hiếu học nhưng từ chối học để làm quan, người thanh niên Tôn Thất Tùng đã học trường Bưởi và lựa chọn ngành y mà theo ông, là nghề "tự do" không phụ thuộc vào quan lại hay chính quyền thực dân. Trong thời gian học tại trường y, cũng như suốt thời gian nội trú tại bệnh viện Phủ Doãn và sau đó là quá trình tham gia cách mạng, dù ở đâu, trên cương vị công tác nào, GS. Tôn Thất Tùng cũng để lại dấu ấn không thể phai mờ trong tâm trí nhân dân cũng như toàn thể ngành y tế Việt Nam.
Trước Cách mạng, cả Đông Dương chỉ có một trường thuốc duy nhất tại Hà Nội mà người bản xứ không được dự các kỳ thi "nội trú", GS. Tùng là người đầu tiên đấu tranh bắt buộc chính quyền thực dân phải tổ chức thi nội trú cho các bệnh viện Hà Nội. Ông đã sớm say mê nghiên cứu khoa học y học, với mong muốn đưa nền y học Việt Nam sánh ngang với các nước trên thế giới.
Cuộc đời ông là một điển hình của người trí thức Việt Nam sớm hăng say lao động khoa học, được cách mạng giác ngộ. Nói đến ông, phải nghĩ đến một người thầy, một nhà khoa học chân chính. Trong kháng chiến chống Pháp, cùng với những cán bộ y tế, các thầy và các sinh viên trường y, ông đã tận tình cứu chữa thương bệnh binh, vừa xây dựng các tuyến mổ xẻ như ở mặt trận Tây Nam Hà Nội cùng BS. Nguyễn Hữu Trí, BS. Hoàng Đình Cầu…, vừa đào tạo các sinh viên. Trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, di chuyển nhiều lần, ở nhiều địa bàn như Ngòi Quãng, Chiêm Hóa, chiến khu Việt Bắc… ở đâu ông cũng gắn điều trị với nghiên cứu khoa học, với đào tạo sinh viên, phát triển ngành y tế. Ông là một trong những người đầu tiên xây dựng trường y ngay từ sau cách mạng tháng Tám.
Trở về từ chiến khu Việt Bắc, ông đã cùng những học trò của mình xây dựng lại bệnh viện Việt Đức, trung tâm ngoại khoa lớn nhất miền Bắc. Được Nhà nước cử giữ cương vị Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, ông luôn dành tâm sức cho sự nghiệp đào tạo cán bộ, nghiên cứu khoa học, phát triển ngành y tế Việt Nam.
GS. Tôn Thất Tùng là một tấm gương về tinh thần lao động khoa học miệt mài, lòng yêu thương bệnh nhân.Trong khi học tập tại Trường Đại học Y, ông đã sớm say mê khoa học. Trong khoảng thời gian từ năm 1935-1939 ông đã miệt mài phẫu tích trên 200 lá gan, ông đã có một công trình về cách phân chia mạch máu trong gan, công trình được đánh giá cao và được gửi về Viện hàn lâm Pháp thời đó. Cũng trong thời gian chiến tranh khốc liệt, nhiều công trình nghiên cứu của ông được thai nghén và tiến hành, tổng kết các kinh nghiệm bệnh tật của riêng người Việt Nam, của đồng bào các dân tộc. Cùng với GS. Đặng Văn Ngữ, ông đã góp phần sản xuất penicillin phục vụ thương bệnh binh trong chiến tranh chống Pháp.
Gia đình ông có 5 người, thì 4 người chọn nghề y mà trong đó điển hình là GS. Tôn Thất Bách, con trai ông, nguyên Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội.
GS. Tôn Thất Tùng mất ngày 7/5/1982.
GS. Tôn Thất Tùng đã để lại cho các thế hệ thầy thuốc Việt Nam những bài học vô cùng quý giá.
GS. là một nhà khoa học chân chính với tinh thần lao động khoa học hăng say, miệt mài. Trong cuộc đời mình, giáo sư đã để lại 123 công trình khoa học, đặc biệt là một trong những nhà khoa học đầu tiên xây dựng phương pháp mổ gan mang tên ông. Ông cũng là người đầu tiên mổ tim ở Việt Nam năm 1958, là người đặt nền móng cho việc nghiên cứu tác hại của chất độc hóa học dioxin đến con người và môi trường tại Việt Nam, phương pháp điều trị ung thư gan bằng phẫu thuật kết hợp dùng miễn dịch và rất nhiều công trình khoa học khác. Giáo sư luôn coi trọng việc tiếp thụ y học phương Tây để xây dựng và phát triển nền y học của Việt Nam, nghiên cứu bệnh tật và chữa trị cho người Việt Nam, đi đầu trong việc áp dụng các kỹ thuật phát triển ngành ngoại khoa Việt Nam.
GS. là một thầy thuốc chân chính, ông luôn đòi hỏi mọi người làm việc trung thực, thương yêu người bệnh, ông luôn sẵn sàng giúp đỡ bệnh nhân, các bác sĩ, y sĩ, kỹ thuật viên, sinh viên. Mặc dù luôn bận rộn nhưng ông rất quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của bệnh viện. Gần 30 năm làm giám đốc bệnh viện, ông đã có công lao to lớn xây dựng lề lối làm việc trong khám bệnh, mổ xẻ, chăm sóc bệnh nhân.
GS. là một người thầy, hết lòng đào tạo các thế hệ sinh viên ngành y. Từ năm 1947 cùng với giáo sư Hồ Đắc Di, ông đã bắt tay xây dựng Trường Đại học Y Hà Nội và gắn hơn nửa cuộc đời mình với công tác đào tạo. Các cán bộ y tế đã có thời gian học tập, thực tập tại trường và bệnh viện Việt Đức đều nhớ tới ông với những buổi giao ban sống động, với những bài giảng nghiêm khắc, bổ ích. Là Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại của Đại học Y, ông đã đào tạo nhiều thế hệ học trò mà nay đã trưởng thành như GS. Tôn Thất Bách, GS. Đặng Hanh Đệ, GS. Đỗ Kim Sơn, GS. Đỗ Đức Vân… Những quan điểm "học và hành thống nhất" của ông cho đến giờ vẫn còn nguyên giá trị. Đặc biệt hơn, ông còn luôn quan tâm đến cả đời sống của sinh viên mà ông cho là "những người thiệt thòi nhất".
Là người thầy thuốc được Đảng, Bác Hồ sớm giác ngộ, giáo dục, ông là tấm gương của tinh thần tranh đấu không mệt mỏi, đấu tranh cho sự bình đẳng của sinh viên y khoa Việt Nam khi còn trong chế độ thực dân Pháp cai trị; kiên cường phục vụ nhân dân, phục vụ bộ đội qua các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc; kiên trì tranh đấu cho phong trào bảo vệ quyền con người bằng những nỗ lực nghiên cứu về tác hại của hóa chất diệt cỏ – chất độc màu da cam (chứa dioxin), là người có công lớn trong việc thành lập và điều hành ủy ban Quốc gia điều tra về hậu quả chiến tranh hóa học ở Việt Nam.
Trong suốt cuộc đời mình, Giáo sư đã vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp giáo dục, tin tưởng, giao nhiệm vụ với một tình cảm chân thật, gần gũi. Cả cuộc đời gắn bó với sự nghiệp phát triển nền y học nước nhà, giải thưởng Hồ Chí Minh mà Nhà nước trao tặng cho Giáo sư là sự ghi nhận của Tổ quốc với một người thầy thuốc cao quý.
HỒ ĐẮC DI
GIÁO SƯ HỒ ĐẮC DI (1900-1984)
Giáo sư Hồ Đắc Di, sinh năm 1900, đại biểu Quốc hội từ khóa 2 đến khóa 5, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội các khoá 2, 3, 4, Hiệu trưởng Trường đại học Y Hà Nội, Tổng giám đốc Đại học vụ Việt Nam, Giám đốc Vụ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Ủy viên Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, Chủ tịch Hội Hữu Nghị Việt-Pháp, Ủy viên Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Kháng chiến hạng nhất và hai hạng ba, Huân chương Lao Động hạng nhất và hạng hai, Huy chương Vì thế hệ trẻ, Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1952 và 1956. Giáo sư Hồ Đắc Di đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. GS từ trần ngày 25-6-1984.
Giáo sư là người bác sĩ y khoa đầu tiên, người sáng lập Trường đại học Y Hà Nội và làm Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam từ ngày thành lập tới 1984. Năn 1918, Giáo sư sang học tại Pháp và trở thành trợ giáo Trường Đại học Y khoa Pa-ri. Trong thời gian ở Pháp, được tiếp xúc với đồng chí Nguyễn Ái Quốc và một số trí thức Việt Nam yêu nước khác, Giáo sư đã cảm thấy nỗi đau đớn tủi nhục của người dân mất nước và muốn đem khả năng của mình phục vụ đồng bào. Trở về Tổ quốc, Giáo sư làm bác sĩ phẫu thuật tại Bệnh viện Huế và Phủ Doãn. Sau Cách mạng tháng Tám, Giáo sư được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ giao nhiều trọng trách Tổng thanh tra y tế, Tổng Giám đốc Đại học vụ, Hiệu trưởng trường Đại học Y – Dược khoa và nhiều chức vụ quan trọng khác. Tuy bản thân tham gia công tác lãnh đạo, Giáo sư vẫn liên tục làm công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học…
Cuộc đời và tác phẩm của GS. Hồ Đắc Di
Giáo sư Hồ Đắc Di sinh năm1900, là một người nhân hậu, vị tha, yêu nước, trọn đời hiến dâng cho cách mạng và chủ nghĩa xã hội, là một nhà y học và thày giáo mẫu mực.
Theo lời khuyên về bác sĩ Thiroux, ngự y của triều đình Huế, gia đình đã chọn nghề y cho Hồ Đắc Di và đưa sang Pháp du học (1918-1932). Đầu tiên, anh đến bệnh viện Cochin, học ở bệnh khoa của giáo sư Ferdinand Widal, lúc này đang là niềm tự hào của y học lâm sàng nước Pháp.
Đỗ bác sĩ nội trú, Hồ Đắc Di làm phẫu thuật một thời gian ở Bệnh viện Tenon, rồi về nước. Những mong đem trí thức khoa học cứu chữa đồng bào, nhưng khi anh về bệnh viện Huế, thực dân Pháp chỉ cho anh làm bác sĩ tập sự. sau bị đổi về Quy Nhơn.
Lúc này, ở bệnh viện Phủ Doãn và cả Đông Dương chỉ có 2 bác sĩ người Pháp là Leroy des Barres (Hiệu trưởng trường Đại học Y khoa Hà Nội) và Cartoux độc quyền phẫu thuật. Là giảng viên đại học y (C-hargé de Cours), bác sĩ Hồ Đắc Di đấu tranh mãi mới được phép mổ xẻ. Hồi ở Paris, Hồ Đắc Di đã được gặp nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc đến trụ sở Hội sinh viên (số nhà 15 phố Sommerard, thuộc Khu La-tinh), và cùng sinh viên đi bán báo Le Paria cho quần chúng lao động.
Làm việc dưới quyền bọn thực dân, bác sĩ Hồ Đắc Di thấy uất ức và tủi nhục: "Là thầy thuốc mà tôi như là một người bệnh: người bệnh về tâm hồn".
Nhà trí thức yêu nước đón mừng Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945 với nhận thức: "… Tất cả những ai trải qua những ngày nhọc nhằn, day dứt về lương tâm dưới chế độ cũ ắt sẽ lao vào cơn lốc của cách mạng, mỗi khi ánh lửa của nó rọi sáng tâm hồn. Đối với những người trí thức cũ thì sự đổi đời bắt đầu từ sự chọn lựa nơi mà lương tâm mình được yên ổn nhất" (Hồi ký).
Sau Cách mạng tháng 8-1945, giáo sư Hồ Đắc Di gánh vác nhiều trọng trách như Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược, giám đốc Bệnh viện Đồn Thuỷ, Tổng thanh tra y tế, Tổng Giám đốc Đại học vụ. Và khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, giáo sư cùng gia đình tản cư rời khỏi thủ đô.
Ngày 6-10-1947, Trường Đại học Y kháng chiến khai giảng tại Chiêm Hóa, Tuyên Quang, trường có hai giáo sư và 11 sinh viên xung phong. Một ngày sau lễ khai giảng, Pháp nhảy dù Bắc Cạn, đốt nhà giáo sư, vác loa gọi đích danh: "Bác sĩ Di, Bác sĩ Tùng về làm việc với chính phủ Pháp, sẽ được trọng đãi". Nhưng giáo sư kiên quyết: "Chết thì chết, không để bọn Pháp bắt lại".
Giáo sư Hồ Đắc Di thuộc lớp những bác sĩ đầu tiên của trường đại học y dưới chế độ mới. GS là chủ tịch đầu tiên của Tổng hội Y học Việt Nam và đương nhiệm cho đến khi qua đời, năm 1984.
Di sản khoa học quý giá của Giáo sư Hồ Đắc Di gồm mấy chục tiểu luận, diễn văn, bài giảng, lời phát biểu, Trường Đại học Y Hà Nội đã tập trung thành mấy tập để lưu, một số ít bài đã đăng báo.
Trong kháng chiến chống Pháp, giáo sư đã trước tác những công trình có giá trị khoa học và tư tưởng như: Diễn văn của tổng giám đốc Đại học vụ ngày khai giảng trường đại học năm 1947, Bàn về văn hoá và tinh thần khoa học (30-11-1948); Diễn văn trong lễ khai mạc Hội nghị y tế toàn quốc (1949); Bài giảng sinh học và bệnh học đại cương (5-1950)…
Trở về Hà Nội, giáo sư biên soạn: Y học dưới ánh sáng chủ nghĩa duy vật biện chứng (1956), Bàn về học, v.v… Đó là những công trình tổng luận dài 20-30 trang, viết rất tinh, ý hàm súc, lời bóng bảy, hùng biện và gợi cảm, giàu thông tin; tư tưởng rất khái quát, với những danh ngôn chọn lọc; có bình luận chặt chẽ.
Tác giả đọc rộng biết nhiều, nhưng chỉ viết ít điều nghiền ngẫm từ lâu, nhuần nhuyễn thành chính kiến độc đáo của riêng mình. Vì thế, toàn bộ các tác phẩm của Hồ Đắc Di đều toát lên một dòng tư tưởng nhất quán, rất đặc sắc, trong những lời bình chính trị giàu lòng yêu nước cũng như những luận đàm học thuật.
Nhiều tác phẩm được viết ở chiến khu Việt Bắc, hầu như đóng cửa với thông tin khoa học nước ngoài, nhưng tác giả đã nắm bắt và khái quát được sự phát triển của y học, gắn y học với văn hóa, khoa học nói chung, và có nhiều ý kiến tiên tri. Những bài ấy có tính triết lý sâu sắc và ý nghĩa nhân văn cao cả, mang nặng những suy nghĩ thiết tha về con người, về nghề y, nghề dạy học, về đạo đức thày thuốc, phong cách nhà nghiên cứu.
Những trước tác lý luận này của Giáo sư Hồ Đắc Di đều viết bằng tiếng Pháp, là thứ ngôn ngữ quen dùng hơn để trình bày những suy tư học thuật phức tạp và tế nhị của mình.
Từ ngày miền Bắc được giải phóng, ở Hà Nội, Giáo sư Hồ Đắc Di viết thêm mấy bài dài về học thuật, tiếp tục phát triển tư duy, y học của mình. GS. cũng phát biểu những bài ngắn gọn, có tính thời sự, với một thứ văn mộc mạc, đại chúng hơn, để chỉ đạo công tác cụ thể, giáo dục tư tưởng, bám sát những quan điểm đường lối của Đảng. Kho tư duy y học này có ý nghĩa phương pháp luận trong việc đào tạo cán bộ y tế.
Thành tích Nghiên cứu khoa học và đào tạo của GS. Hồ Đắc Di
Trong luận án tốt nghiệp bác sĩ y khoa làm tại Paris, Giáo sư Hồ Đắc Di là người đầu tiên sáng tạo một phương pháp mổ dạ dày (nối thông dạ dày-tá tràng) để điều trị chứng hẹp môn vị do bệnh loét dạ dày- tá tràng gây ra, thay thế cho phương pháp cắt bỏ dạ dày vẫn dùng trước đó. Đây là cách điều trị bảo tồn, được mang tên Ông, được nhiều sách giáo khoa, nhiều công tình nhắc đến và thừa nhận giá trị trong suốt 30-40 năm.
Các công trình khoa học sau này của GS. Hồ Đắc Di (1937-1945) thường đứng tên chung với đồng nghiệp (như GS. Huard, GS. Meyer-May…), với cộng sự và học trò (Vũ Đình Tụng, Tôn Thất Tùng…) với nội dung giải quyết các bệnh rất đặc trưng của một nước nhiệt đới nghèo nàn và lạc hậu. Viêm tụy có phù cấp tính do Ông phát hiện từ 1937 đã mở đường cho các kết quả nghiên cứu rực rỡ sau này của Tôn Thất Tùng vào những năm sau. Cách điều trị bằng phẫu thuật các biến chứng viêm phúc mạc do thương hàn cũng có đóng góp lớn trong mở đường nghiên cứu thủng túi mật, hoặc nêu một phương pháp mổ mới, trong phẫu thuật sản khoa. Các phân tích thống kê phẫu thuật, cùng với Huard, được đăng ở báo Y học Viễn Đông ấn hành ở Paris, rất được các nước nhiệt đới coi trọng và tham khảo rộng rãi. Giáo sư là người đầu tiên ở nước ta nghiên cứu tình trạng sốc do chấn thương, được báo trên đăng tải (1944) cùng nhiều công trình có giá trị khác, như Phẫu thuật điều trị viêm phúc mạc ở Bắc Kỳ (1944), Phẫu thuật chữa loét dạ dày-tá tràng ở Bắc Kỳ (1944). Tạp chí Viện Hàn lâm phẫu thuật đăng Thủng túi mật hiếm gặp, 1937; viêm phúc mạc do thủng ruột trong thương hàn, 1939…; báo Y học Hải ngoại của Pháp đăng Một kỹ thuật mới mổ lấy thai nhi.
Với 21 công trình hiện tìm được trong 37 công trình đã công bố, Ông là nhà phẫu thuật đầu tiên, xứng đáng là bậc thày đầu tiên với các công trình mở đường cho những hướng nghiên cứu sau này, xứng đáng được hội đồng giáo sư (toàn người Pháp) đánh giá cao và được bầu chọn là giáo sư người Việt đầu tiên.
Trong kháng chiến chống Pháp, Giáo sư cùng học trò của mình – Bác sĩ Tôn Thất Tùng, đã có một quyết tâm và một quyết định lịch sử mà đất nước ta nhớ ơn: duy trì và phát triển Trường Đại học Y-Dược khoa nhằm trực tiếp đáp ứng nhu cầu cấp bách của cuộc kháng chiến: đó là cung cấp cho nhân dân và quân đội một đội ngũ cán bộ y tế có trình độ cao, với số lượng gấp bốn lần tổng số bác sĩ mà ta có, khi bước vào cuộc kháng chiến này.
Phương châm đào tạo nổi tiếng mà giáo sư đề ra lúc đó đã được lịch sử thừa nhận là khoa học và hiệu quả: "Đi phục vụ chiến dịch, về trường tổng kết, lại đi chiến dịch: từ thực tiễn, thông qua thực nghiệm khoa học, lại trở về thực tiễn". Từ phương châm này, nhà trường đã đào tạo được trên 250 bác sĩ, gần 100 dược sĩ phục vụ kháng chiến trên mọi vùng đất nước. Giai đoạn sau kháng chiến chống Pháp, khi chất lượng đào tạo có nguy cơ giảm sút, Ông nhắc nhở "trường đại học không phải là trường phổ thông cấp 4"; mà là nơi "biến quá trình người học từ chỗ được đào tạo thành quá trình người học từ chỗ được đào tạo thành quá trình họ có thể tự đào tạo". Các quan điểm về triết lý, giáo dục, đào tạo cũng như đạo đức y học của giáo sư thể hiện rõ trong các diễn văn khai giảng mà Ông đọc hàng năm. Trích diễn văn đọc ngày 6-10-1947: "Trường ta gắn bó với vận mệnh của tổ quốc: phục vụ nhân dân, học đi đôi với hành, dạy đi đôi với nghiên cứu khoa học. Về quan hệ thày-trò thì đó là quan hệ thân ái, đoàn kết cùng giúp nhau học tập tiến bộ, không có chỗ cho sự quỵ lụy, ý thức phê bình phải được đề cao, để hiểu được chân lý. Trường Y khoa phải là chính mình: Hiểu cái thật, yêu cái đẹp, để thực hiện cái tốt".
Theo Danh Nhân Y học Viện Nam