Cái gốc của không có VHGT
Tâm lý dân ta vốn có tính thích hơn người, gặp thời kinh tế thị trường càng trở nên nghiêm trọng. Nhỏ như đi chợ, bỏ mấy ngàn đồng ra mua chanh chẳng hạn được thêm một quả thì hỉ hả lắm nhưng vẫn loại chanh đó, thời điểm đó có mua được nhiều hơn nhưng người bán hàng không thêm thì xem ra hơi cảm thấy ấm ức, bị thiệt thòi.
Lớn hơn là chuyện xây nhà, nhà có số tầng bằng nhau thì nhà xây sau phải cố cao hơn nhà bên cạnh ít ra cũng phải 1, 2 hàng gạch chứ chả thấy ai chịu xây thấp hơn. Rất nhiều chuyện chứng tỏ tâm lý thích hơn người và tâm lý ấy ảnh hưởng vào việc tham gia giao thông rất rõ. Đường tắc thì cứ phải chen dù hơn nhau nửa bánh xe và càng chen càng tắc. Tâm lý khác là tính sốt ruột.
Tham gia giao thông cũng vậy, thấy đèn mới đỏ hoặc sắp xanh cũng cố vượt, đường tắc thì phi lên vỉa hè cốt vượt hơn, nhanh hơn người khác dẫu rằng vượt đèn đỏ, phi xe trên vỉa hè, cãi nhau oai oái nhiều khi để sau đó ngồi “treo cổ thời gian” với nhau ở quán cả hàng tiếng đồng hồ cũng không sao! Thời bây giờ ôtô xe máy nhiều, đời sống khá giả hơn, khác xa thời trước nhưng văn hóa, ứng xử với nhau tệ hơn trước, khoảng cách con người với con người xa hơn trước mà thiếu sự thông cảm, lòng trắc ẩn. VHGT càng tệ không hẳn chỉ vì đường sá không phát triển theo kịp sự phát triển các phương tiện tham gia giao thông.
Cứ tắc đường là trèo lên vỉa hè đi cho thông thoáng. Đây là một thói quen xấu của người dân khi tham gia giao thông.
|
Đúng một phần thôi, và quan trọng hơn là thói ích kỷ, bon chen trong mỗi người phá vỡ những giá trị đạo đức truyền thống. Sự lãnh cảm trước cái ác, cái xấu đang thành phổ biến. Có thể nói, tình hình VHGT hiện nay là kết quả của đạo đức xã hội đang xuống cấp khi mà thói vị kỷ đang tràn lan, những quy ước xã hội và luật pháp bị coi thường, nghiêm trọng đến mức con người biết là đang làm điều sai điều xấu nhưng không còn biết xấu hổ với xung quanh, với chính mình.
Khi lòng tự trọng bị mất đi thì VHGT hay văn hóa công sở, văn hóa ẩm thực, văn hóa bệnh viện và tất cả các loại văn hóa khác cũng trở nên thiếu hụt. Chữa bệnh và xây dựng VHGT phải chữa từ gốc, xây trên nền móng đạo đức xã hội với việc hình thành nhân cách và lối sống mới thành thói quen văn minh trong xã hội.
Biện pháp trước mắt để thiết lập trật tự và hình thành VHGT
Chờ tới ngày có được VHGT chắc còn lâu nếu không kiên quyết có những biện pháp mạnh bên cạnh giáo dục tuyên truyền. Thắng lợi điển hình nhất của giao thông là chuyện đội mũ bảo hiểm (MBH). Trước khi lệnh bắt buộc đội MBH có hiệu lực, tưởng như sẽ rất khó khăn nhưng khi lệnh có hiệu lực, thành phố như đổi khác với từng chiếc MBH có trên đầu mỗi người tham gia giao thông.
Giờ đây, có thể gọi chuyện đội MBH là một nét của VHGT khi mà mỗi chúng ta quên không đội MBH sẽ thấy như thiếu một cái gì đó và nhìn người không đội MBH bằng con mắt ngạc nhiên. Cái ngạc nhiên vô tình ấy làm người không đội mũ thấy lạc lõng giữa cộng đồng.
Không có gì chúng ta không thể làm được nếu đồng lòng và quyết tâm. Trước đó, thói quen truyền thống đốt pháo đầu năm bị bỏ và chuyện đội MBH là cái mới được thiết lập đều thành công. Nguyên nhân thành công là phạt mạnh và làm kiên quyết. Một cái MBH khoảng 200.000 đồng, không có MBH khi tham gia giao thông cũng bị phạt 200.000 đồng thì tại sao không sắm lấy cái mũ cho đỡ tốn kém và rắc rối. Cái miễn cưỡng ban đầu ấy lâu dần thành thói quen và thói quen tốt hình thành sẽ thành nét văn hóa.
Nạn tắc đường hiện nay không cần các chiến sĩ CSGT phải quá vất vả đứng ở ngã tư chặn xe này, ra hiệu cho xe kia đi mà chỉ cần chia làn đường để khi bị tắc, ôtô ở làn đường ôtô, xe máy ở làn đường xe máy, ôtô nào vượt bị phạt thật nặng như cách phạt không đội MBH khi đi xe máy. Làm được điều này, sẽ không còn 3 xe ôtô dàn hàng ngang chắn đường để tắc thêm mà dù đường tắc vẫn có làn cho xe ưu tiên như xe cứu thương, xe cứu hỏa đi làm nhiệm vụ.
Không thể phạt được tất cả những xe vi phạm, chen lấn nhưng phạt thật mạnh những trường hợp cố tình vi phạm có tính tiêu biểu. Tất nhiên CSGT tại hiện trường phải khách quan vô tư chọn được những xe vi phạm “tiêu biểu”, không vì người vi phạm khai ở chỗ này, chỗ nọ hoặc gọi cho ai đó rồi đưa điện thoại của mình đang gọi cho CSGT để được “tha” thì tình hình sẽ phức tạp hơn.