1.Phở Hà Nội
Phở là một trong những niềm tự hào của người Hà Nội. Để có những bát phở ngon còn tùy vào kinh nghiệm và bí quyết truyền thống của nghề nấu phở.
Phở hà Nội còn nổi tiếng qua những trang sách của các nhà văn Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng… Ở Hà Nội có nhiều tiệm phở gia truyền như Bát Đàn, Lý Quốc Sư, Hàng Trống, Thìn (phố Lò Đúc), Sướng (Đinh Liệt), Lý Sáng (Phùng Hưng), Cường (Hàng Muối)..
Món phở đã nổi tiếng khắp thế giới. Theo kết quả bình chọn của CNN cuối tháng 7/2011, phở và món gỏi cuốn của Việt Nam đứng thứ 28 và 30 trong Top 50 Món ngon của thế giới.
2. Bún chả Hà Nội
Bước vào quán bún chả Hà Nội là bạn đã cảm thấy thèm ăn khi ngửi mùi thơm của những miếng thịt đang cháy xèo xèo trên bếp than đỏ rực. Chén bún chả khi dọn lên có sự pha quyện nhiều màu sắc: màu nâu của miếng chả đã nướng hơi cháy sém, màu đỏ của cà rốt, ớt và kết hợp với màu xanh tươi của rau xanh. Vị ngọt và mềm của từng miếng thịt, vị chua chua của nước mắm, chút “sần sật” của miếng cà rốt hoặc đu đủ, vị thơm của các loại rau khiến cho món ăn này thật hoàn hảo.
Ở Hà Nội có nhiều hàng bún chả nổi tiếng như Hàng Mành, nhà hàng bún chả Hà Thành (5 N7A Nguyễn Thị Thập, Cầu Giấy)…
3. Chả cá Lã Vọng
Nhà hàng Chả cá Lã Vọng ở số 14 phố Chả Cá là một nhà hàng “danh bất hư truyền” do gia đình họ Đoàn lập ra đầu thế kỷ 20. Dần dần món chả cá đã trở thành một đặc sản của người Hà Nội.
Vào tiết trời mát mẻ, đến đây thực khách sẽ được người phục vụ bưng ra bát hành, thì là, chén mắm tôm pha cùng đường và chanh, ớt, lạc rang, bạc hà, hành, rau thơm và bún. Khi ăn, cho những miếng cá Lăng đã nướng sơ vào chảo mỡ, bỏ hành, thì là vào. Khi rau hành chín tái, cho bún vào bát, bỏ vài miếng cá lên trên, rắc đậu phộng, rưới mắm tôm (hoặc nước mắm pha chanh), cùng một ít dầu ăn đang sôi trong chảo vào trộn đều. Quả là một món ăn ngon cả bằng vị giác và khứu giác.
4. Bún thang Hà Nội
Bún thang là món cầu kỳ, công phu, thường được làm vào những ngày lễ, tết.
Nước dùng luôn sôi lăn tăn nấu từ nước luộc gà, xương heo, rồi thả một xâu tôm he khô. Trứng tráng thật mỏng thái nhỏ như sợi chỉ vàng. Giò lụa trắng mềm cũng thái chỉ. Thịt gà nạc luộc chín được xé nhỏ làm một hỗn hợp màu sắc. Ruốc tôm tơi như bông nên còn gọi là ruốc bông. Ít củ cải khô, ít nấm hương… Mỗi loại được đặt vào một góc trên mặt bát. Thêm ít rau mùi, hành hoa, rau răm thái lẫn với hành lá. Chút mắm tôm để ngoài (thiếu nó bát bún thang thiếu đi chút duyên thầm), điểm thêm tí chút hương cà cuống là hoàn hảo.
5. Gỏi cuốn Sài Gòn
Gỏi cuốn đơn giản chỉ là cái bánh tráng mỏng, mềm, dai bên ngoài, bên trong cho vài ba con tôm, mấy lát thịt ba rọi luộc, chút bún tươi, vài cọng hẹ sống xanh ló ra ngoài, thêm ít giá, rau thơm, xà lách… cuốn lại. Yếu tố quyết định lại ở nước chấm.
Mắm nêm được chọn là loại nước chấm dùng cho gỏi cuốn ngon hơn cả, mắm nêm được pha cùng tỏi ớt giã nhuyễn, chanh đường để nước chấm có đủ vị mặn, ngọt, chua, cay, thêm một ít thơm bằm nhuyễn để món chấm có vị thanh dịu. Cũng có thể dùng nước mắm chua ngọt hoặc tương. Mỗi thứ nước chấm cho món gỏi một hương vị ngon, lạ khác nhau.
6. Cơm tấm Sài Gòn
Xưa kia, cơm tấm được xem là món ăn của nhà nghèo. Nay cơm tấm rất được ưa chuộng ở đất Sài thành. Cơm tấm thường được ăn với 4 món chính: sườn nướng, bì, chả, trứng ốp la. Hấp dẫn nhất với thực khách là được thưởng thức đĩa cơm tấm bốc khói cùng với miếng sườn nướng vàng rượm, thơm tho, bên cạnh những sợi bì dai mềm được làm da heo, ăn cùng miếng chả hay trứng ốp la vừa chín tới.
Thành công của món cơm tấm phải kể đến cách pha nước mắm, bí quyết riêng của mỗi quán. Ăn kèm với cà chua, dưa leo xắt mỏng, cà rốt, củ cải trắng ngâm giấm.
Ngoài ra còn 9 món ăn nổi tiếng khác của các vùng miền: 2. Cơm cháy Ninh Bình 3. Miến lươn Nghệ An 4. Bún bò Huế 5. Mì Quảng 6. Phở khô Gia Lai 7. Bánh canh Trảng Bàng 8. Bành khọt Vũng Tàu 9. Bánh còng Sóc Trăng |