Trang chủ » Phổ biến kiến thức » Phòng và chữa bệnh » Nhận biết và điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung

Nhận biết và điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung

Dịch âm đạo bình thường có màu trong hoặc trắng khi tiết ra là để giữ cho âm đạo sạch sẽ, vì nó thải các tế bào chết và các vi khuẩn ra ngoài.

Nhiều phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ bị viêm lộ tuyến cổ tử cung thấy khó thụ thai. Tuy nhiên, khi viêm lộ tuyến cổ tử cung được điều trị khỏi, người phụ nữ có thể có thai như bình thường.

Biểu hiện

Lộ tuyến là một tổn thương lành tính ở cổ tử cung, hay gặp ở phụ nữ độ tuổi sinh đẻ, do các tế bào tuyến trong ống cổ tử cung phát triển lan ra phía ngoài. 

Do các tế bào tuyến có chức năng tiết dịch nên người bị lộ tuyến thường có nhiều chất dịch ở âm đạo hơn bình thường và do đó dễ bị viêm ở bộ phận sinh dục như viêm âm đạo, viêm cổ tử cung (viêm lộ tuyến cổ tử cung). Vì vậy, nếu lộ tuyến không được điều trị khỏi thì viêm nhiễm rất dễ tái phát.

Khi quan sát bằng mắt thường sẽ thấy phần lộ tuyến đỏ, sần sùi. Nếu kiểm tra bằng máy sẽ thấy lớp biểu mô lẽ ra ở lỗ trong cổ tử cung, nhưng đã lan ra ngoài che phủ một phần cổ tử cung, ở dưới là lớp đệm, có nhiều mạch máu tạo ra hình ảnh một tổn thương có màu đỏ và sần sùi giống như mô hạt.

Mức độ viêm lộ tuyến nặng hay nhẹ được đánh giá thông qua sự tổn thương của tế bào ở mức độ nông hay sâu. Lộ tuyến nông là vùng tổn thương có thể xuất hiện trên diện rộng nhưng lớp tế bào liên kết ở bề mặt chưa hết hẳn. 

Còn lộ tuyến sâu là khi các lớp tế bào đã mất hết, lớp đệm phía dưới lộ hẳn lên bề mặt. Để đánh giá chính xác mức độ tổn thương, cần phải khám và làm xét nghiệm tế bào.

Biểu hiện của viêm lộ tuyến cổ tử cung là ra nhiều khí hư, khi quan hệ mạnh “cậu nhỏ” chạm tới có thể làm trầy xước cổ tử cung, gây chảy máu. Do vùng cổ tử cung không có các thần kinh cảm giác, nên chị em sẽ không có cảm giác đau.

Nhận biết và điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung - 1
Biểu hiện của viêm lộ tuyến cổ tử cung là ra nhiều khí hư. (ảnh minh họa)

Điều trị

Thông thường, khi bị viêm lộ tuyến cổ tử cung, các bác sĩ chỉ định thuốc chống viêm tại chỗ để lộ tuyến hết viêm, đôi khi kết hợp cả thuốc uống nếu lộ tuyến bị viêm nhiễm nặng hoặc nhiễm các tác nhân lây qua đường tình dục. 

Sau khi điều trị hết viêm, các biện pháp như đốt điện, đông lạnh, lazer sẽ được áp dụng để diệt lộ tuyến. Trước khi đốt, các bác sĩ cũng sẽ soi cổ tử cung hoặc làm phiến đồ âm đạo để phát hiện những bất thường của tế bào tử cung.

Khi điều trị bằng phương pháp diệt tuyến, sẽ tác động sâu xuống các lớp niêm mạc nhạy cảm bên dưới, gây biến chứng như xơ hóa, dính tử cung và các tổn thương sâu, lỗ cổ tử cung có thể bị chít hẹp, cổ tử cung sẽ có sẹo cứng nên việc thụ thai có thể bị ảnh hưởng.

Đồng thời, đến khi chuyển dạ đẻ, sẹo xơ cứng ở cổ tử cung sau đốt có thể làm tử cung khó mở để đẩy thai ra ngoài.

Nhìn chung, điều trị tập trung vào tình trạng viêm nhiễm cấp tính vì khả năng nhiễm trùng có nguy cơ lan ngược lên tử cung và vòi trứng, và có thể gây nhiễm trùng huyết. 

Đối với viêm nhiễm mãn tính, việc điều trị khó khăn vì tác nhân thường không xác định, nhưng vấn đề quan trọng là theo dõi khả năng biến đổi bất thường tế bào của cổ tử cung nếu có nhiễm Human papilloma virus. 

Đối với nhiễm Human papilloma virus, hiện tại chưa có thuốc điều trị, chỉ mới có vắc xin ngừa Human papilloma virus (đang khuyến cáo chích cho bé gái từ 13 tuổi).

Để giúp phát hiện sớm các tổn thương bất thường của cổ tử cung, chúng ta nên khám phụ khoa định kỳ, làm xét nghiệm phết mỏng cổ tử cung. 

Nếu nghi ngờ nhiễm Human papilloma virus, xét nghiệm thử xem nhiễm nhóm nào để có kế hoạch kiểm tra thường xuyên hơn.

Gửi thảo luận