Trang chủ » Phổ biến kiến thức » Phòng và chữa bệnh » Chóng mặt

Chóng mặt

Chóng mặt do nhiều nguyên nhân, 40% rối loạn tiền đình ngoại biên, 10% tổn thương tiền đình trung ương ở thân não, 15% do rối loạn tâm thần và 25% do các nguyên nhân khác như sắp xỉu và mất thăng bằng khi đi lại. Chẩn đoán chưa rõ chiếm tỷ lệ 10%. Căn nguyên chóng mặt thay đổi tùy theo tuổi, ở người cao tuổi thường do tổn thương tiền đình trung ương, phần lớn do đột quỵ (tương ứng 20%), chóng mặt không điển hình và sắp xỉu gặp ở người trẻ nhiều hơn.
Chóng mặt kiểu xoay tròn (vertigo)
Trong các loại chóng mặt, chóng mặt kiểu xoay tròn xảy ra nhiều nhất, 50% trường hợp. Người bị có ảo giác như mình hoặc mọi vật chung quanh đang chuyển động. Thường là ảo giác xoay tròn, có thể thấy mọi vật chuyển động theo chiều dọc, có cảm giác như đang ngồi trên ghế đu đưa, hay đang đứng trên bong tàu giữa biển. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể chóng mặt mơ hồ, mất thăng bằng hay mất định hướng. Mặt khác, một số bệnh nhân sắp xỉu do thần kinh phế vị kích thích hay bệnh tim mạch cũng có cơn chóng mặt kiểu xoay. Thời gian, yếu tố thúc đẩy và làm nặng thêm là cơ sở giúp chẩn đoán nguyên nhân. Chóng mặt không bao giờ liên tục, ngay cả khi tổn thương tiền đình thường trực. Hệ thần kinh trung ương thích nghi với thiếu sót và triệu chứng nên chóng mặt giảm trong vài tuần, chóng mặt kéo dài nhiều tháng thường do tâm lý hay không tiền đình. Chóng mặt xảy ra tự phát trong khi các chóng mặt khác xuất hiện khi thực hiện các nghiệm pháp thay đổi tư thế đầu hay áp suất trong tai giữa (như ho, hắt hơi hay nghiệm pháp Valsava). Chóng mặt tư thế và sắp xỉu tư thế thường lẫn lộn, cả hai xảy ra khi đứng lên, ngủ dậy. Có thể xác định qua các nghiệm pháp thay đổi tư thế đầu mà không làm giảm huyết áp hay lưu lượng máu não như nằm xuống, xoay đầu trên giường, nhìn lên và ngửa cổ ra sau, chóng mặt trong trường hợp này là chóng mặt tư thế.
Nguyên nhân là do sự mất cân đối cấp tính của hệ thống tiền đình, cơ thể chúng ta được giữ thăng bằng nhờ vào các hệ thống sau: tai trong ghi nhận chuyển động lên xuống, qua lại của đầu. Mắt phát hiện các chuyển động của cơ thể trong không gian; da lòng bàn chân ghi nhận áp lực tiếp xúc của cơ thể với mặt đất; các cơ, khớp xương ghi nhận chuyển động các chi và thân mình. Hệ thần kinh trung ương phối hợp tất cả các thông tin trên cho chúng ta có một cảm giác vị trí của mình trong không gian. Triệu chứng chóng mặt xảy ra khi thần kinh trung ương nhận tín hiệu không đồng bộ của bốn hệ thống trên.
Có rất nhiều nguyên nhân chóng mặt kiểu xoay tròn, một số nguyên nhân thường gặp như sau:

Chóng mặt tư thế lành tính

Là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của chóng mặt, đặc điểm cơn chóng mặt ngắn xảy ra khi thay đổi tư thế đầu. Hầu hết cơn xảy ra khi nằm xuống, xoay đầu qua phải hay trái trên gối, khi cúi xuống hay nhìn lên trên. Chóng mặt kiểu xoay tròn và nặng hơn khi thay đổi vị trí đầu, không kèm ù tai hay giảm thính lực, bản chất vô hại. Khi chóng mặt kéo dài, người bệnh ngăn ngừa nằm tránh tư thế gây chóng mặt, hậu quả dẫn đến rối loạn chức năng cơ cột sống, giảm chức năng tiền đình hay cả hai. Bệnh chiếm từ 17 – 20% nguyên nhân chóng mặt, thường gặp ở lứa tuổi từ 50 – 70, mặc dù có thể gặp trong bất cứ nhóm tuổi nào, và gấp 2 lần ở nữ, 50% chóng mặt ở người già, tỷ lệ mắc bệnh gia tăng theo tuổi. Cơ chế bệnh sinh là do các mảnh vỡ của sỏi tai di chuyển tự do trong ống bán khuyên sau.
Nguyên nhân thường gặp ở người dưới 50 tuổi: sau chấn thương đầu, đau đầu mạch máu, viêm thần kinh tiền đình, bệnh Meniere. Ở người gia, phần lớn do bệnh lý thoái hóa hệ thống tiền đình tai trong, sau phẫu thuật tai. Tuy nhiên đa số trường hợp, người ta không tìm thấy nguyên nhân. Bệnh lành tính, thường sẽ tự động biến mất. Điều trị hiện nay, nghiệm pháp tái định vị sỏi tai của Epley có hiệu quả trong tổn thương ống bán khuyên trước và sau, tỷ lệ thất bại 25% và tái phát trong 6 tháng là 13%. Các bài tự tập tại nhà Brandt Daroff, Epley được khuyến cáo cho những trường hợp có chẩn đoán rõ, hiệu quả hơn do lặp lại nhiều lần.

Viêm thần kinh tiền đình

Dây thần kinh tiền đình được hình thành từ các sợi thần kinh xuất phát từ bộ phận của tai trong, các sợi thần kinh tập trung về hạch Scarpa ở đáy ống tai trong. Từ hạch Scarpa, bó dây thần kinh tiền đình hợp với bó thần kinh thính giác tạo thành dây thần kinh số VIII. Nguyên nhân gây viêm dây thần kinh tiền đình do vi trùng trong viêm màng não, giang mai hay siêu vi trùng cúm, quai bị, zona, một số chất gây độc như thuốc kháng sinh streptomycin, chì, oxyd carbon, thuốc lá, rượu, ma túy…
Bệnh nhân có biểu hiện chóng mặt mọi vật xoay tròn xung quanh mình kèm cảm giác ù tai, người bệnh phát hiện thấy một bên tai nghe kém hẳn và nhức đầu bên mặt, cảm giác bì bì da mặt và da ở vùng tai. Viêm thần kinh tiền đình do siêu vi, bệnh nhân sẽ bị chóng mặt rất nặng nhưng vẫn nghe bình thường. Điều trị triệu chứng bằng các thuốc chống chóng mặt, an thần, điều trị ù tai thuốc tăng tuần hoàn não, giãn mạch. Điều trị nguyên nhân: kháng sinh, chống viêm, loại bỏ chất độc nếu tìm thấy nguyên nhân do nhiễm độc tố. Bệnh thường bớt dần trong vòng 1 – 2 ngày, tuy có khi phải mất đến nhiều tuần mới hết hẳn và ít khi tái phát.

Bệnh Meniere

Bệnh Meniere được đặt theo tên Prosper Meniere của một bác sĩ Pháp, người đầu tiên trình bày về căn bệnh này. Bệnh này ảnh hưởng đến các bộ phận điều khiển chức năng nghe và thăng bằng ở tai. Đa số những người mắc bệnh Meniere có triệu chứng: mất thính lực, cảm giác đầy tai và ù tai do chất dịch tích tụ trong ốc tai. Chóng mặt kiểu xoay tròn do quá nhiều chất dịch trong các ống bán khuyên. Bệnh tiến triển có những cơn chóng mặt liên tiếp, sau đó là những khoảng thời gian không có triệu chứng. Mỗi cơn chóng mặt kéo dài nhiều phút hay nhiều giờ. Đầu tiên, điếc tai chỉ xảy ra trong những cơn chóng mặt, sau dần, người bệnh bị điếc vĩnh viễn, nhiều hay ít. Khoảng 5% có triệu chứng duy nhất là tình trạng mất thính lực tái diễn, giữa tốt hơn và xấu hơn. Nguyên nhân gây bệnh Meniere chưa rõ, bệnh xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào nhưng thường gặp ở tuổi 30 đến 60 và sau một thời gian, nhiều người bị bệnh ở cả hai tai.
Những người mắc bệnh Meniere được khuyên không hút thuốc hoặc dùng các sản phẩm thuốc lá khác, ăn uống theo chế độ giảm muối (eating a low-salt diet) để giảm bớt lượng nước ở tai trong. Tránh các sản phẩm có chất cafein, chẳng hạn như cà phê, trà, nước ngọt và kẹo sô cô la. Các sản phẩm được khử chất cafein có thể dùng được. Dùng thuốc lợi tiểu giúp loại bỏ bớt muối sodium và nước. Để tránh tình trạng mất potassium do thuốc lợi tiểu, dùng thực phẩm giàu chất potassium như nước cam vắt, chuối, trái cây khô, nho khô, đào, đậu trắng, khoai tây và đậu phộng không muối. Tránh căng thẳng, đề phòng dị ứng thực phẩm, một số thực phẩm dị ứng phổ biến là kẹo sô cô la, rượu đỏ, lúa mì, bia, hải sản có vỏ, và các sản phẩm từ sữa. Thuốc điều trị triệu chứng như meclizin (Antivert) và diazepam (Valium) thường sử dụng trong cơn cấp tính, nhưng không giúp ích khi dùng hàng ngày.

Các rối loạn tiền đình ngoại biên khác

Chóng mặt sau chấn thương sọ não, chóng mặt kèm nặng đầu, khó tập trung, hồi hộp, sợ ánh sáng. Ngoài ra, còn có chóng mặt do các bệnh tiền đình ngoại biên khác như: viêm tai xương chũm mạn tính, xơ cứng tai, các loại thuốc gây tổn thương tiền đình – ốc tai như: một vài loại thuốc kháng sinh, thuốc lợi tiểu, thuốc chống ung thư, thuốc giảm đau, rượu, xạ trị.
Các rối loạn tiền đình trung ương thường gặp
Trước một trường hợp chóng mặt xoay tròn dữ dội, kèm ói mửa, chẩn đoán phân biệt tai biến mạch máu ở thân não hay tiểu não, u góc cầu tiểu não và xơ cứng rải rác từng đám. Tổn thương thân não ngoài triệu chứng chóng mặt quay và ói mửa dữ dội, còn nhìn một thành hai (nhìn đôi), nói ngọng, khó nuốt nước hay thức ăn, tê và liệt nửa người. Ngoài ra, khoảng 30% trường hợp đau nửa   đầu cũng bị chóng mặt, có thể xảy ra trước hay trong cơn.
Khi có những triệu chứng chóng mặt kiểu xoay tròn, cần đến khám ở chuyên khoa nội thần kinh, hoặc chuyên khoa tai – mũi – họng, để được chẩn đoán, xác định nguyên nhân mà có hướng chữa trị thích hợp. Việc chữa trị phần lớn là điều trị nội khoa, phòng ngừa tái phát và các bài tập phục hồi chức năng tiền đình.
Chóng mặt kiểu sắp xỉu (presyncope)
Sắp xỉu là triệu chứng báo trước cơn ngất xỉu, thường xảy ra hơn, kéo dài từ vài giây đến vài phút và người bệnh thường cảm thấy gần như choáng, ngất, khi cường độ nhẹ thường mô tả không rõ ràng. Người bệnh thấy mọi vật chung quanh xoay tròn, đầu váng, mắt hoa, chân nặng như đá, rồi trời đất như tối sầm lại, toát mồ hôi, da lạnh, mặt xanh tái. Triệu chứng nặng dần đưa đến ngất xỉu, hoặc bớt dần. Cơn thường xảy ra khi đang đứng hay ngồi thẳng và không xảy ra khi nằm ngửa. Ngất xỉu hay bất tỉnh là tình trạng mất hay suy giảm ý thức tạm thời do giảm lưu lượng máu lên não đột ngột. Nguyên nhân do loạn nhịp tim (nhịp nhanh hay chậm), suy tim, bệnh mạch vành, hạ huyết áp thế đứng, giãn mạch đột ngột (cơn vận mạch phế vị), hạ đường huyết, mất máu cấp. Đây là một cấp cứu nội khoa đòi hỏi phải chẩn đoán nhanh nguyên nhân và hướng xử trí thích hợp.
– Cơn vận mạch phế vị (vasovagal episode): có thể xảy ra ở một người hoàn toàn bình thường, và hay tái phát. Thường xảy ra khi xúc động tinh thần (nơi nóng nực, đông người), sợ hãi, mệt lả, bị chấn thương, hay đau. Tuy nhiên, nhiều trường hợp không tìm thấy nguyên do gì rõ rệt. Mạch máu đột ngột giãn nở, tim đập chậm lại, huyết áp thấp do đó máu lên não giảm. Người bệnh buồn nôn, tái xanh, vã mồ hôi, ngất xỉu. Gác chân lên cao lúc đã nằm xuống, giúp máu về tim nhanh hơn có thể làm triệu chứng mau thuyên giảm.
– Hạ huyết áp khi đứng dậy (orthostatic hypotension): đứng lên nhanh trong lúc đang nằm, cảm giác choáng váng, có khi xỉu. Khi ngồi dậy từ một vị trí thấp, thường cơ thể có phản xạ co mạch, các mạch máu co thắt lại để áp huyết không tụt thấp, và lượng máu cung cấp cho não bộ trong tư thế đứng vẫn đầy đủ. Trường hợp bệnh lý mạch máu không co thắt đủ để đưa máu lên não bộ gây ra chóng mặt, hoặc ngất xỉu.
– Các tình trạng mất nước trong cơ thể (như khi tiêu chảy nặng) hay thiếu máu (như khi chảy máu đường tiêu hóa) đều có thể gây chóng mặt.
– Các bệnh lý tim mạch, bệnh phổi nặng trong máu không có đủ dưỡng khí cũng gây chóng mặt, muốn xỉu.
– Chóng mặt, xỉu trong lúc ho dữ dội, trong lúc hoặc ngay sau khi đi tiểu, do phản xạ thần kinh, khiến máu lên não không đủ.
– Thuốc: nhiều thuốc có thể gây chóng mặt, nhất là những thuốc chữa cao áp huyết.
Mất thăng bằng (disequilibrium)
Cảm giác mất thăng bằng xảy ra chủ yếu khi đi bộ, chóng mặt mãn hay mất thăng bằng gây tổn thương đáng kể về thể chất và xã hội, đặc biệt ở người lớn tuổi. Mất thăng bằng có thể do tổn thương thần kinh ngoại biên, rối loạn cơ xương khớp ảnh hưởng đến dáng đi, rối loạn tiểu não tiền đình, thoái hóa cột sống cổ, bệnh Parkinson. Tổn thương thị giác làm gia tăng mất thăng bằng. Khi chuyển động, đi đứng, các tín hiệu từ các dây thần kinh nhận định vị trí ở bàn chân, các tín hiệu ở mắt được liên tục gửi về não bộ giúp xác định cơ thể.

Chóng mặt không điển hình

Chóng mặt không điển hình thường khó mô tả, người bệnh có thể khăng khăng “tôi chóng mặt”, váng đầu (light-headedness), ngây ngây, choang choáng, không phải cảm giác mọi vật chung quanh quay cuồng, cũng không phải cảm giác sắp xỉu hoặc mất thăng bằng khi đi lại. Rối loạn tâm thần có thể là nguyên nhân chủ yếu chóng mặt không điển hình trong một số trường hợp. Một phần tư có trầm cảm nặng, một phần tư rối loạn lo âu hay loạn thần và còn lại là rối loạn dạng cơ thể, nghiện rượu và rối loạn nhân cách. Chóng mặt không điển hình thường liên quan đến tăng thông khí, lo âu hay trầm cảm, chúng phát triển từ từ, lúc thịnh lúc suy trong thời gian 20 phút hay lâu hơn và khỏi dần. Chóng mặt không điển hình là một trong những định bệnh nhiều nhất (chiếm đến 20 – 25% các trường hợp chóng mặt, chỉ sau chóng mặt kiểu xoay tròn).
Làm gì để có thể giảm chóng mặt?
– Tránh thay đổi tư thế đột ngột như đang nằm đứng nhanh dậy hay xoay nhanh sang hai bên.
– Tránh xoay đầu quá mức như cúi xuống hay ngửa lên hoặc xoay đầu.
– Tránh các chất có thể làm giảm tuần hoàn não như cà phê, thuốc lá, ăn mặn.
– Tránh các yếu tố nguy cơ như tình trạng căng thẳng, các chất gây dị ứng.
– Không làm các công việc nguy hiểm khi đang chóng mặt như lái xe, leo trèo cao…

Gửi thảo luận