Cho đến nay, theo định nghĩa, tiểu đường là bệnh do thiếu nội tiết tố insulin của tụy tạng khiến đường huyết tăng cao trong máu rồi kéo theo đủ thứ hậu quả nhiêu khê về biến dưỡng, nội tiết, thần kinh… Lý do là vì tụy tạng không hiểu sao đó, hoặc kiệt lực sau nhiều ngày gắng sức điều chỉnh đường huyết do gia chủ quá mạnh miệng với chất đường, hoặc cạn sức vì phải liên tục đối đầu với tình huống căng thẳng từ cuộc sống của chủ nhân, hoặc tạm ngừng sản xuất cái một rồi tê liệt luôn do cú “sốc” nào đó trong nghề nghiệp, trong gia đình… Chính vì thế, nguyên tắc điều trị trong bệnh tiểu đường là tiếp tế insulin, hoặc bằng cách tiêm, như với bệnh nhân thuộc nhóm I, hay uống thuốc có tác dụng tương tự insulin, như với người bệnh thuộc nhóm 2. Nghe qua hợp lý vì thiếu thì châm nhưng tính lại cho cùng thì với cách nào tụy tạng cũng đóng vai thụ động, cứ như ngồi không đợi tiền… viện trợ!
Quan điểm vừa trình bày về bệnh tiểu đường không còn đứng vững. Gần đây, nhờ tiến bộ trong kỹ thuật phân tích của ngành sinh hóa, các nhà nghiên cứu về bệnh tiểu đường đã khám phá là trong nhiều trường hợp, nội tiết tố insulin trong cơ thể người bệnh không thiếu mà chỉ mất hoạt tính vì bị phong bế, cứ như người có khả năng nhưng hoặc không được trọng dụng, hoặc giận dỗi sao đó nên làm nư không thèm cộng tác.
Từ nhận thức đó, càng lúc càng có nhiều thầy thuốc đồng quan điểm là không nên chỉ tiếp tế mà quan trọng hơn nhiều, làm sao vực dậy sức đề kháng còn ngái ngủ. Chữa bệnh cũng như làm kinh tế, nếu chỉ tập trung vào biện pháp bù lỗ thì không lạ gì nếu cả hai, người cho lẫn người nhận, sớm đến lúc đứt hơi! Tương tự như thế với bệnh tiểu đường, thay vì chỉ trông mong vào thuốc đặc hiệu trong khi thuốc sớm muộn cũng mất tác dụng, vấn đề là làm sao huy động tiềm năng của tụy tạng để cơ quan này chịu ra sân vào hiệp hai với tinh thần quyết thắng, với phong cách thi đấu hiệu quả hơn?
Không riêng gì với bệnh tiểu đường. Chữa bệnh mãn tính nào cũng thế, chẳng khác nào dùng người. Bảo đâu làm đó, nói gì làm y như thế, hay thậm chí gần được như thế thì có gì hay. Khéo hơn nhiều là làm sao huy động niềm hứng thú của người bệnh.
BS. Lương Lễ Hoàng