Mới đây một nhóm khoa học gia thuộc Viện Ung thư Mỹ ở Atlanta, bang Georgia, công bố trên chuyên san dịch tễ học American Journal of Epidemiology một công trình nghiên cứu mới về cà phê sâu rộng hơn cũng có những kết luận tương tự. Lần này các nhà nghiên cứu tin rằng mỗi ngày uống 4 tách cà phê có thể giảm tới 50% nguy cơ mắc bệnh ung thư miệng.
Nghiên cứu trên cũng cho biết thêm hai điều thú vị: thứ nhất, nó có hiệu quả với cả những người hay uống rượu và hút thuốc lá, hai thứ dễ gây ung thư miệng và họng. Thứ hai, cà phê đã tách caffein cũng làm giảm nguy cơ ung thư miệng nhưng tỉ lệ thấp hơn. Trong khi đó, nếu uống trà thì chẳng có hiệu quả gì mặc dù trong thức uống phổ biến không thua gì cà phê này cũng có chất kích thích caffein.
Từ những đặc điểm trên, các nhà khoa học tin rằng chất caffein trong cà phê có thể không đóng vai trò chống lại được sự hình thành khối u ác tính trong miệng và họng. Chính hàng trăm hóa chất kháng ôxy có tự nhiên trong cà phê mới thật sự hữu ích trong việc giảm nguy cơ ung thư miệng.
Vậy là thêm một lợi ích nữa của cà phê đối với sức con người được khám phá. Trước đây nó từng được chứng minh rằng có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư ruột, đột quỵ và Alzheimer.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng lưu ý rằng uống quá nhiều cà phê có thể làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp. Phụ nữ có thai cần hạn chế cà phê bởi vì uống nhiều có thể sinh con thiếu cân.
Để thực hiện công trình nghiên cứu lợi ích của cà phê nói trên, các nhà khoa học Mỹ đã nghiên cứu và phân tích dữ liệu sức khỏe của gần một triệu người Mỹ thuộc cả hai giới nam nữ tham gia chương trình Nghiên cứu Phòng chống Ung thư phần II năm 1982.
Qua nghiên cứu, họ xác định được 868 người tử vong do ung thư miệng hoặc họng trong vòng 30 năm. Tìm hiểu thói quen ăn uống của những người này và so sánh với những người khác không bị ung thư miệng và họng trong cùng thời điểm, họ phát hiện uống cà phê với số lượng tương đối lớn có tác dụng mạnh. Những người uống hơn 4 tách cà phê/ ngày ít có nguy cơ mắc bệnh ung thư miệng hơn những người không uống hoặc uống ít cà phê 49%.