Trang chủ » Phổ biến kiến thức » Sử dụng thuốc an toàn » Tác dụng phụ thường gặp của corticoid dạng hít

Tác dụng phụ thường gặp của corticoid dạng hít

Sử dụng liều corticoid hít thấp nhất đủ hiệu quả kiểm soát bệnh với mỗi bệnh nhân được cho là cách tốt nhất để giảm thiểu những nguy cơ tác dụng phụ của thuốc. Các tác dụng phụ của corticoid dạng hít thường gặp nhất liên quan đến mắt, sự phát triển chiều cao và xương khớp.

Tác dụng phụ trên mắt

Một số nghiên cứu dịch tễ học cho thấy, việc sử dụng các loại corticoid hít như budesonide, beclomethasone ở liều cao có thể làm tăng gấp 2 lần nguy cơ gây đục thủy tinh thể, mức nguy cơ có liên quan rõ rệt với cả liều dùng hiện tại và liều tích lũy liều theo thời gian dùng thuốc. Tuy nhiên, nguy cơ này được xác định là thấp hơn đáng kể so với các loại corticoid đường uống hoặc tiêm truyền  và cũng thấp hơn nhiều so với lợi ích do thuốc đem lại trong việc kiểm soát bệnh hen. Bên cạnh đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp cũng là một biến chứng ở mắt có liên quan đến việc dùng corticoid hít. Một số nghiên cứu bệnh chứng trên số lượng lớn bệnh nhân đã cho thấy, budesonide và fluticasone ở liều cao làm tăng nguy cơ tăng nhãn áp. Do đó, những người có yếu tố tăng nhãn áp gia đình nếu phải dùng corticoid hít liều cao nên được đo nhãn áp trước điều trị và định kỳ trong quá trình dùng thuốc để kịp thời phát hiện và xử trí tai biến này.

 Thuốc dạng hít cũng có nhiều tác dụng phụ.

Ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao

Ảnh hưởng của việc dùng corticoid hít trên sự phát triển chiều cao của trẻ nhỏ hiện vẫn là một vấn đề còn nhiều tranh cãi do các nghiên cứu trên quy mô lớn về vấn đề này đã không cho những kết quả đồng nhất. Ảnh hưởng này được cho là có liên quan với liều dùng của thuốc và tính nhạy cảm cá thể. Một số nghiên cứu cũng cho thấy, những trẻ em bị giảm tốc độ phát triển khi dùng corticoid hít liều cao hoặc trung bình đều tăng tốc độ phát triển trở lại khi chuyển sang dùng liều thấp. Lợi ích của việc kiểm soát được hen trên sự phát triển chiều cao của trẻ có thể vượt qua nguy cơ của thuốc.

Tác dụng phụ trên xương

Loãng xương, gãy xương luôn là những biến chứng quan trọng liên quan đến việc dùng kéo dài các loại corticoid đường uống và tiêm truyền, điều này cũng làm tăng mối quan tâm về ảnh hưởng của corticoid hít đối với xương. Một số điều tra cắt ngang đã phát hiện tình trạng giảm khối lượng xương và mật độ xương ở những bệnh nhân hen dùng corticoid hít, tuy nhiên, rất khó để có thể khẳng định corticoid hít là nguyên nhân duy nhất gây ra tình trạng này. Hơn nữa, rất nhiều nghiên cứu khác lại không phát hiện thấy ảnh hưởng của việc dùng corticoid hít kéo dài đối với mật độ xương ở các bệnh nhân hen. Nói chung, nguy cơ loãng xương liên quan với corticoid hít tăng lên khi dùng liều cao hoặc qua những dạng dụng cụ hít có tỷ̉ lệ phân phối thuốc vào phổi lớn như bình hít bột khô (turbuhaler, accuhaler), bình xịt định liều gắn buồng đệm hoặc ở những đối tượng có nguy cơ loãng xương cao như mãn kinh, hạ canxi máu… Việc theo dõi mật độ xương và bổ sung canxi là cần thiết ở những người bệnh hen có các yếu tố nguy cơ loãng xương và phải dùng corticoid hít liều cao.

Tác dụng phụ tại chỗ

Ho kéo dài, khản giọng và nhiễm nấm Candida miệng – họng (tưa miệng) là những biến chứng tại chỗ thường gặp nhất với các loại corticoid hít. Dùng thuốc 4 lần mỗi ngày, dùng liều cao có nguy cơ gây tưa miệng cao hơn rõ rệt so với dùng 2 lần mỗi ngày, dùng liều trung bình và thấp. Các bình hít dạng bột khô cũng ít có nguy cơ gây nấm miệng – họng và khản giọng so với bình xịt định liều chuẩn, kể cả khi dùng liều cao do ít gây lắng đọng thuốc ở miệng – họng. Cần lưu ý là khản giọng thường không gây ra do nấm thanh quản, do đó, cũng không đáp ứng với việc điều trị các thuốc chống nấm.

Bên cạnh những tác dụng phụ thường gặp kể trên, việc dùng corticoid hít liều cao còn có thể liên quan với một số nguy cơ khác như teo da, suy tuyến thượng thận, ức chế miễn dịch, bầm tím trên da… Tuy nhiên, những nguy cơ này là rất nhỏ so với việc dùng các loại corticoid toàn thân cũng như rất nhỏ so với lợi ích điều trị của thuốc.    

  BS. Nguyễn Hữu Trường (TT Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng,  BV Bạch Mai)

Gửi thảo luận