Trẻ em khi mới cất tiếng khóc chào đời đã bắt đầu quá trình học tập, hòa nhập mình với thế giới xung quanh. Theo thời gian, các bé dần hoàn thiện và phát triển hoàn toàn các khả năng của bản thân. Tuy nhiên, có một điều kinh ngạc là cùng với quá trình ấy, không ít những khả năng kì diệu của trẻ sẽ biến mất…
1. Bản năng dưới nước
Khả năng tuyệt vời này sẽ gợi cho ta nhiều suy nghĩ về tổ tiên thực sự của loài người – rất có thể đã từng sống dưới nước. Mỗi trẻ sơ sinh sở hữu khả năng sinh tồn như vận động viên bơi lội thực sự. Người ta gọi nó là “phản ứng bradycardic” (tạm dịch là phản xạ lặn).
Nó được mô tả như sau: Khi những em bé dưới 6 tháng tuổi bị nhúng mặt xuống nước, các bé vẫn giữ được hơi thở một cách tự nhiên, không hề có biểu hiện bị sặc nước như những người chưa biết bơi.
Khi ấy, tim đứa trẻ sẽ tự động đập chậm lại giúp chúng giữ được oxy, đồng thời, máu sẽ luân chuyển nuôi các bộ phận quan trọng như tim và não. Thật đáng tiếc, khả năng này mất dần đi theo năm tháng, khi mà bộ não dần dần kiểm soát hầu như tất cả các phản ứng của con người.
Bên cạnh đó, khi bị đặt úp bụng xuống nước, các bé liền quạt tay đạp chân một cách tự nhiên. Tuy các bé không biết ngoi đầu lên để thở, nhưng kết hợp với phản xạ lặn, các bé có thể vùng vẫy trong nước một thời gian mà không bị sặc nước.
2. Tiếp thu nhanh
Tốc độ tiếp thu kiến thức khi còn bé là nhanh nhất trong cuộc đời của một con người. Tốc độ đáng kinh ngạc ấy xuất phát từ cơ chế hoạt động của bộ não: ghi nhớ, thành thạo một kĩ năng; lúc đó não sẽ thiết lập các liên kết giữa những tế bào thần kinh.
Đây là lý do vì sao khi bắt đầu làm một việc gì mới sẽ thật khó, sau dần quen ta thấy thật đơn giản.
Đối với một đứa trẻ lên 3, não của bé liên tục thực hiện những kết nối trên, ước tính có khoảng 1.000 tỷ liên kết như vậy (gấp đôi so với người lớn).
Quá trình này diễn ra đến năm 11 tuổi, khi đó, não bắt đầu công việc ngược lại: song song với việc thiết lập liên hệ mới của các noron thần kinh là quá trình cắt bỏ những thông tin không cần thiết. Vì vậy, khi ta càng lớn, tốc độ tiếp thu thông tin càng chậm đi một cách tương đối.
3. Nhận biết nhịp điệu
Cho dù bạn có là một vũ công chuyên nghiệp hay một người vụng về đi chăng nữa thì chắc chắn khi sinh ra, chúng ta đều là "bậc thầy" về nhịp điệu và nhảy múa. Thứ âm nhạc đầu tiên mà chúng ta cảm nhận chính là nhịp tim của mẹ, nhịp điệu lời nói của cha, ông bà và người thân.
Năm 2009, các nhà khoa học đã tiến hành thử nghiệm trên những đứa trẻ 2 – 3 ngày tuổi, chờ lúc ngủ, họ đã chơi nhạc và ghi lại các phản ứng.
Kết quả là tại những thời điểm nhịp trống hay phách nhạc bị lỗi, não trẻ có phản ứng bất bình thường. Nó chứng tỏ trẻ sơ sinh có thể cảm nhận được nhịp điệu, thậm chí rất tốt là khác. Điều này cũng phần nào giúp ta lý giải vì sao con người lại yêu thích âm nhạc đến thế.
4. "Bản năng" dễ thương
Có thể các bạn không tin nhưng đây thực sự là một điều kì diệu chỉ có ở trẻ sơ sinh thôi. Đáng chú ý hơn, nó lại là một bản năng sinh tồn của đứa trẻ. Bạn đã từng thắc mắc vì sao càng lớn, mình càng bớt đáng yêu đi không?
Đơn giản vì khi mỗi con người được sinh ra và lớn lên, chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều sự nguy hiểm. Để sinh tồn, con người cần phát triển và thích nghi với môi trường khắc nghiệt xung quanh. Vì vậy, trong quá trình tiến hóa, chúng sẽ trở nên "bớt dễ thương" hơn lúc mới sinh.
Một điều thú vị là những đứa trẻ có trán phẳng, mắt nhỏ, khuôn mặt vuông thường… ít dễ thương hơn những đứa bé với đôi mắt to, tròn, khuôn mặt bầu bĩnh, mũi nhỏ, miệng chúm chím… Và khi chúng 4, 5 tuổi, sự dễ thương của chúng sẽ… giảm đáng kể.