Trang chủ » Tin tức » Khoa học - công nghệ » Ghép tụy dị loại: Đột phá trong phẫu thuật tụy

Ghép tụy dị loại: Đột phá trong phẫu thuật tụy

Ghép tụy dị loại được gọi là đột phá trong kỹ thuật ghép tạng vì nó mang bản chất và thao tác đầy tính công nghệ và sửa lại cả quy luật tự nhiên. Nếu như kỹ thuật này thành công thì kể như nó sang trang cho ghép tụy một kỷ nguyên mới hoàn hảo. Thay vì lấy tụy cho từ người, chúng ta sẽ lấy tụy từ động vật. Mà nguồn từ động vật luôn chủ động và sẵn sàng. Nguồn cung sẽ không bao giờ bị thiếu và tính hiệu dụng điều trị đạt được tối đa.

Nhưng thực hiện ghép tụy dị loại khá phức tạp. Vì hai đặc điểm mà phải chú ý đó là sự bất đồng kháng nguyên loài, một sự bất đồng vô cùng lớn dẫn đến hiện tượng thải ghép và lượng tụy được ghép liệu có duy trì đủ insulin. Vấn đề chống thải ghép loài được nghiên cứu trên chuột thành công và ngày nay, người ta đã tiến thêm một bước xa trên lợn, con vật vốn có kích thước tạng gần giống với người.

Về mặt nguyên lý, chỉ cần xóa bỏ sự bất đồng kháng nguyên loài thì kể như chúng ta thành công. Và các nhà khoa học đã tạo ra được một giống lợn biến đổi gen có đầy đủ khả năng tạo ra một tụy hoàn hảo, sản xuất ra loại insulin gần giống với người và cách thức chuyển hóa đường y hệt như người vậy nhưng lại không chứa đựng xung đột về miễn dịch. Thành tựu này thuộc về các nhà khoa học đến từ Trường Đại học Ludwig-Maximilians (CH Liên bang Đức). Thực hiện công trình nghiên cứu là nhóm tác giả do giáo sư Eckhard Wolf và giáo sư Jochen Seissler đứng đầu.

 Ghép tạng cả khối (tá tụy).

Nhóm nghiên cứu đã tạo ra sự đột biến gen cho một giống lợn để phục vụ nghiên cứu ghép tụy. Đó là giống lợn có protein LEA29Y đặc hiệu trên tế bào beta của tụy. Protein LEA29Y là một globulin miễn dịch CTLA-4-Ig thế hệ thứ 2. Nó có khả năng chống thải ghép thông qua ức chế hoạt động của lớp tế bào miễn dịch B7. Lợn có chứa tụy mang kháng nguyên LEA29Y không gây ra phản ứng miễn dịch thải ghép nhưng vẫn mang đầy đủ tính năng điều hoà đường máu trên bệnh đái tháo đường týp 1. Và nếu thành công trên lý thuyết thì nó hoàn toàn có thể có ứng dụng thực tế.

Để kiểm định điều này, ban đầu, người ta tạo ra những tế bào tụy mang gen đột biến. Những tế bào này không khác gì tế bào tụy bình thường là bao nhiêu. Chúng chỉ khác ở chỗ là mang trên bề mặt một kháng nguyên cần thiết để thực hiện sự ức chế miễn dịch. Người ta đem cấy những tế bào này vào chuột bị gây bệnh đái tháo đường. Sau đó, người ta quan sát nồng độ đường máu và phản ứng thải ghép. Kết quả thực sự hoàn hảo. Không có một dấu hiệu thải ghép nào xuất hiện dựa vào kết quả phân tích số lượng tế bào CD3. Số lượng tế bào gây thải ghép CD3 không hề tăng lên, đồng thời, người ta lại thấy nồng độ đường máu rất ổn định sau 6 tuần theo dõi.

Điều đáng nói ở đây là những con chuột được mang thử nghiệm có hệ miễn dịch khác hoàn toàn so với hệ miễn dịch của những con lợn bị đột biến gen gốc. Nhưng sự chấp thuận tạng ghép đã đạt được. Hệ miễn dịch của những con chuột này cũng bị làm biến đổi sao cho nó tương tự như trên người. Điều đó có nghĩa là thành tựu này hoàn toàn có khả năng thành công trên người.

“Thực sự thành tựu này sẽ thành công trên người như thế nào thì vẫn còn phải nghiên cứu tiếp”, giáo sư Eckhard Wolf cho biết. “Nhưng chúng tôi tin tưởng đây là một thành tựu đầy khả thi và một đột phá khoa học mang tính ứng dụng cao trên con người”. Và trong một tương lai không xa, công nghệ y học sẽ còn tạo ra nhiều cơ hội điều trị hơn thế nữa cho người bệnh đái tháo đường týp 1.

      NamPhong  (Theo Xenotransplantation)

Gửi thảo luận