Trang chủ » Phổ biến kiến thức » Sử dụng thuốc an toàn » Các thuốc trị viêm phổi

Các thuốc trị viêm phổi

Nguyên nhân và sự thường gặp

Viêm phổi là bệnh lý rất thường gặp, bệnh gây tử vong khoảng từ 6,5 – 21%. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do 5 loại vi sinh: phế cầu, liên cầu, Hemophilus influenza, Legionella pneumophilus, Mycoplasma P, virus (virút cúm A kể cả týp H5N1, các Rhinovirus, Coronavirus, virut đại thực bào đường hô hấp).

Mỗi năm ở Mỹ có khoảng 2 đến 3 triệu trường hợp viêm phổi, ở Nhật Bản, tỷ lệ tử vong do viêm phổi đứng hàng thứ 4, ở Việt Nam, viêm phổi chiếm 12% các bệnh nhân mắc bệnh phổi.

Những yếu tố thuận lợi làm bệnh nhân dễ mắc viêm phổi bao gồm: cơ thể suy yếu, còi xương, già yếu; người nghiện rượu; người có chấn thương sọ não, hôn mê, mắc các bệnh lý phải nằm giường lâu ngày; lồng ngực biến dạng, cột sống bị gù, vẹo; có các bệnh ở tai – mũi – họng như viêm xoang, viêm amidan; có các bệnh mạn tính đường hô hấp như: bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản. Thời tiết lạnh, bệnh thường xảy ra nhất là về mùa đông hoặc khi trời trở lạnh đột ngột.

 Hình ảnh phổi bị viêm, dịch ứ đọng trong phế nang.

Triệu chứng lâm sàng ở bệnh nhân bị viêm phổi

 

Thông thường, bệnh khởi phát đột ngột sau nhiễm lạnh hoặc cảm cúm thông thường bằng sốt cao đột ngột 39-40oC, đau ngực, khó thở, ho khan.

Vài ngày sau có thể ho khan đờm màu gỉ sắt hoặc nâu đỏ, đờm nhầy mủ hoặc đờm mủ, 30% bệnh nhân có mụn Herpes ở quanh miệng.

Triệu chứng toàn thân: mệt mỏi, môi khô, lưỡi bẩn, hơi thở hôi, đau mỏi xương khớp, ở nhóm người già hay bị tụt huyết áp.

Triệu chứng không điển hình như trên, đôi khi chỉ có đau ngực, thậm chí không sốt và khạc đờm. Ở người già, có khi không thấy triệu chứng thực thể nhưng triệu chứng loạn thần nhiễm khuẩn lại nổi bật.

Khi nghi ngờ viêm phổi ở người già, bệnh nhân cần được đưa đến bệnh viện khám, xét nghiệm máu, chụp Xquang phổi và cần được điều trị nội trú.

Điều trị như thế nào?

Viêm phổi mắc phải ở cộng đồng khá thường gặp, hầu hết các trường hợp được điều trị khỏi hoàn toàn, tuy nhiên, nếu điều trị chậm hoặc không đúng, bệnh có thể diễn biến nặng, gây áp-xe phổi, tràn mủ màng phổi hoặc thậm chí có thể tử vong.

Nguyên tắc

Kê đơn thuốc điều trị tùy theo mức độ nặng của mỗi bệnh nhân.

Lựa chọn kháng sinh điều trị phù hợp với từng chủng vi khuẩn, virút, nấm là căn nguyên gây bệnh, nhưng ban đầu (do chưa có kết quả xét nghiệm tìm căn nguyên gây bệnh) việc chọn thuốc thường theo kinh nghiệm lâm sàng, yếu tố dịch tễ, mức độ nặng của bệnh, tuổi bệnh nhân, các bệnh kèm theo, các tương tác thuốc, tác dụng phụ của thuốc.

Thời gian dùng kháng sinh: từ 7 – 10 ngày nếu do các tác nhân gây viêm phổi điển hình, 14 ngày nếu do các tác nhân không điển hình.

Kháng sinh thường được sử dụng là penicillin với liều lượng tùy theo mức độ bệnh, gần đây có tỷ lệ đáng kể phế cầu khuẩn kháng penicillin (nhưng thường vẫn đáp ứng khi dùng liều cao), có thể dùng nhóm cephalosporin, macrolide; các kháng sinh nhóm quinolon: ciprofloxacin, levofloxacin, moxifloxacin từ 10 – 14 ngày (ngừng khi hình ảnh tổn thương xóa gần hết trên phim Xquang phổi hoặc sau khi hết sốt 10 ngày).

Trường hợp xác định viêm phổi do virut, nấm hoặc ký sinh trùng, bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị đặc hiệu cho từng trường hợp.

Có thể cân nhắc sử dụng phối hợp kháng sinh tùy theo tình trạng cụ thể của bệnh nhân.

Điều trị triệu chứng nếu cần (dùng các thuốc giảm đau hạ sốt, bồi phụ nước điện giải, giảm ho, long đờm, kết hợp vỗ rung, dẫn lưu đờm theo tư thế).

Bệnh nhân viêm phổi được điều trị ngoại trú (điều trị tại nhà) khi không có các dấu hiệu nặng của bệnh. Khi bệnh nhân có một trong các dấu hiệu sau, cần được điều trị tại bệnh viện: thở nhanh > 25 lần/phút, có tím môi, đầu ngón chân, ngón tay; mạch nhanh > 100 lần/phút, có huyết áp thấp; rối loạn ý thức: lú lẫn, nói lảm nhảm, la hét, co giật; sốt cao > 400C hoặc nhiệt độ cơ thể hạ quá thấp < 350C.

Bệnh viêm phổi đã có biến chứng: áp-xe phổi, tràn mủ màng phổi, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não mủ…

Viêm phổi có tổn thương rộng trên phim chụp Xquang.

Có các rối loạn về công thức máu hoặc các xét nghiệm sinh hóa máu: thiếu máu, suy thận, suy gan, toan hóa máu… Cần được khám bệnh và điều trị tại bệnh viện.

Cách dự phòng

Việc tốt nhất là nên luôn dự phòng bệnh viêm phổi bằng cách vệ sinh môi trường; giữ gìn sức khỏe; nếu bị cảm lạnh nên nghỉ ngơi, uống bổ sung vitamin C, ăn đủ chất sẽ hạn chế viêm phổi sau nhiễm siêu vi.

Người nghiện thuốc lá cần ngừng hút hoặc cai thuốc. Tiêm vắc-xin là một trong những biện pháp dự phòng viêm phổi có hiệu quả nhất. Tiêm vắc-xin phòng cúm được khuyến cáo cho những người từ 50 tuổi; những người có các bệnh mạn tính như tiểu đường, suy thận, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…; nhân viên y tế tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân có nguy cơ viêm phổi. Tiêm vắc-xin phòng phế cầu 5 năm một lần ở người trên 65 tuổi và ở người trẻ hơn nhưng có mắc bệnh mạn tính.
 
Dự phòng nhiễm khuẩn đường hô hấp trên (đeo khẩu trang, súc họng bằng nước sát khuẩn họng, miệng) và điều trị sớm, tích cực khi nhiễm khuẩn đường hô hấp trên xuất hiện. Thực hiện chế độ ăn uống đầy đủ chất đạm, vitamin, chất khoáng. Có chế độ lao động, nghỉ ngơi, rèn luyện thể dục hợp lý, tránh lạnh đột ngột (không tắm lạnh, ăn đồ ăn, uống nước quá lạnh…). Khi có các triệu chứng gợi ý viêm phổi cấp người bệnh cần phải đến phòng khám hoặc bệnh viện gần nhất để được khám xét, chẩn đoán và điều trị kịp thời.  

ThS.Nguyễn Vân Anh

Gửi thảo luận