Trang chủ » Phổ biến kiến thức » Phòng và chữa bệnh » Bệnh tim bẩm sinh có thể phòng ngừa?

Bệnh tim bẩm sinh có thể phòng ngừa?

Bệnh tim bẩm sinh (TBS) là các dị tật của buồng tim, van tim, vách tim và các mạch máu lớn ở trẻ, xảy ra từ lúc còn ở bào thai. Ước tính mỗi năm VN có 16.000 – 20.000 trẻ mắc bệnh TBS ra đời. Trong đó có 30% bị bệnh TBS phức tạp và 70% là bệnh TBS không phức tạp.

Làm sao nhận biết?

Nguyên nhân gây TBS ở trẻ khó xác định, nhưng chủ yếu là do tác động môi trường bên ngoài lên bà mẹ khi mang thai như bị cúm, sốt phát ban, lupus ban đỏ, uống thuốc không đúng, sống trong môi trường có nhiều tia Xquang, tia phóng xạ, hóa chất độc hại…

Bệnh TBS còn có thể bị tác động bởi yếu tố gia đình, di truyền, bất thường nhiễm sắc thể.

Bệnh TBS nặng thường được chẩn đoán ngay khi trẻ vừa mới chào đời. Hoặc được nhận diện là TBS khi đi kèm với những bệnh lý khác: hội chứng Down, sứt môi – chẻ vòm, thiếu hoặc thừa ngón tay – ngón chân, tật đầu to, đầu nhỏ… Còn lại phần lớn các trường hợp, do dị tật nhẹ, nên chỉ được phát hiện một cách tình cờ khi gia đình cho trẻ đi khám một bệnh cảnh khác. Ví dụ như thấy trẻ hay than mệt, ngất; trẻ chậm phát triển; trẻ bị suy dinh dưỡng hay viêm phổi tái đi tái lại…

Do vậy, cần đưa trẻ đi khám bệnh ngay nếu phát hiện trẻ có những triệu chứng khác lạ sau:

– Trẻ ho, khò khè tái đi tái lại, thở khác thường (thở nhanh, lồng ngực rút lõm khi hít vào), thường bị viêm phổi.

– Trẻ có làn da xanh xao, lạnh, vã mồ hôi. Trẻ bị tím môi, đầu ngón tay, ngón chân, độ tím tăng lên khi khóc, khi rặn…

– Trẻ bú hoặc ăn kém, chậm lên cân, thậm chí không tăng cân hay sụt cân. Trẻ chậm phát triển hơn so với trẻ bình thường (chậm mọc răng, chậm biết lật, bò…).

Chăm sóc thế nào?

Trẻ mắc bệnh TBS nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng cách có thể giúp trẻ phát triển như những trẻ cùng trang lứa. Tuy nhiên, đối với những trẻ này, phụ huynh phải theo sát diễn tiến sức khỏe của trẻ để chăm sóc đúng cách. Cụ thể:

– Giữ ấm cho trẻ vì trẻ bệnh TBS rất dễ bị viêm phổi, nhất là khi thời tiết chuyển mùa; không cho trẻ chơi ở những nơi có nhiều khói bụi và giữ vệ sinh răng miệng sạch sẽ để tránh bị nhiễm khuẩn.

– Cho trẻ ăn uống điều độ, đủ chất. Nếu trẻ đang ở tuổi bú sữa mẹ, tránh đừng để trẻ bị sặc, không nên cho ăn quá no và ăn từng ít một. Trẻ lớn hơn nên cho trẻ ăn nhạt hơn. Tránh để trẻ bị táo bón bằng cách bổ sung nhiều rau xanh, trái cây tươi trong thực đơn hằng ngày.

– Không cho trẻ vận động mạnh hay chơi giỡn quá nhiều, tránh để trẻ gắng sức và làm những công việc nặng nhọc.

– Trẻ cần giữ vệ sinh răng miệng tốt để tránh bị nhiễm trùng. Trẻ lớn cần uống kháng sinh khi được làm thủ thuật hoặc điều trị răng để phòng ngừa viêm nội tâm mạc nhiễm trùng.

– Cho trẻ tái khám đúng theo lịch và tuân theo sự điều trị của bác sĩ.

– Trẻ mắc bệnh tim không nhất thiết phải tránh hoàn toàn các hoạt động thể lực. Trái lại, việc tập luyện vừa sức sẽ làm tăng khả năng thích ứng của cơ thể. Nên tiến hành tiêm chủng bình thường cho trẻ. Nếu trẻ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, cần điều trị cẩn thận để không làm cho các tổn thương và tình trạng suy tim trầm trọng thêm.

Phòng ngừa ra sao?

Ngoài một số nguyên nhân khác chưa được làm rõ, nhiều nghiên cứu cho thấy, dị tật TBS thường xảy ra trong thời kỳ bào thai, đặc biệt là ba tháng đầu của thai kỳ. Cụ thể, nếu bà mẹ bị sốt phát ban (trong đó có bệnh rubella) trong ba tháng đầu của thai kỳ thì trẻ có thể mắc bệnh TBS, thường thấy nhất là tồn tại ống động mạch, thông liên nhĩ, hoặc có thể bị hẹp van động mạch chủ.

Do vậy, muốn ngừa TBS, người mẹ cần quan tâm đến những vấn đề sức khỏe trước và trong khi mang thai:

– Cải thiện môi trường sống, tránh ô nhiễm.

– Tránh các tác nhân vật lý, hóa học, chất độc, các loại thuốc an thần, nội tiết tố, rượu, thuốc lá…

– Chủng ngừa hoặc tránh tiếp xúc với các nguồn bệnh do siêu vi gây ra như: rubella, quai bị, herpes, cytomegalovirus, coxsaskie B…

– Nếu người mẹ có các bệnh lý chuyển hóa như: đái tháo đường, lupus ban đỏ lan tỏa… thì cần được điều trị

– Khám và theo dõi thai định kỳ.

Gửi thảo luận