Cũ mà vẫn hiệu quả
Tetracycline là một dòng kháng sinh phổ rộng, có hiệu lực với hầu như các vi khuẩn gram âm cũng như gram dương. Nó đã từng được coi là kháng sinh “bách bệnh” dùng cho mọi loại vi khuẩn và được sử dụng khá lạm dụng. Tỷ lệ kháng kháng sinh này khá cao nhưng không phải vì thế mà nó mất đi công hiệu vốn có của nó. Với những tác dụng đặc hiệu thì tetracycline vẫn được bảo toàn sau 70-80 năm và là kháng sinh đầu bảng của các bệnh nhiễm Chlamydiae, bệnh nhiễm Mycoplasma, Rickettsiae như sốt kiểu thương hàn, sốt hồi quy và đặc biệt là nhiễm phẩy khuẩn tả Vibrio cholerae gây ra bệnh dịch tả điển hình trong mùa hè.
Tuy vậy, trong bài viết này chúng tôi muốn bàn tới tác dụng phụ của tetracycline. Dù không có nguy cơ gây dị ứng nhưng nó cũng chẳng phải là một kháng sinh “hiền lành”.
Những tác dụng ngoại ý
Không thể phủ nhận hiệu lực của tetracycline trong việc điều trị nhiễm trùng, đặc biệt là các nhiễm trùng thuộc những vi khuẩn kể trên. Người bệnh sẽ thấy có sự biến chuyển ngay từ liều đầu tiên cho tới khi khỏi bệnh. Song nó cũng mang theo mình những ẩn chứa không có lợi về mặt sức khỏe.
Nếu nói về những cảm giác khó chịu khi dùng thuốc này thì người ta phải kể tới phản ứng làm kích ứng niêm mạc dạ dày. Sự kích ứng niêm mạc dạ dày gây ra bỏng rát bụng, bỏng rát sau xương ức, người bệnh có cảm giác buồn nôn và nôn. Cảm giác kích ứng niêm mạc dạ dày như tăng lên và rõ rệt hơn khi người bệnh có sẵn bệnh cảnh của dạ dày và tá tràng. Do đó, người ta hạn chế tối đa sử dụng dòng kháng sinh này với người đang có dạ dày “mỏng” hoặc phải dùng trong bữa ăn để hạn chế mặt này. Người bệnh có triệu chứng buồn nôn và nôn như sốt cao hay truyền hóa chất chữa ung thư cũng không sử dụng tetracycline trong điều trị.
Biến chứng thứ hai của thuốc là hiện tượng giảm nhu động. Giảm nhu động ruột là một tai hại hay gặp đứng hàng thứ hai sau hiện tượng kích ứng dạ dày – ruột. Nhu động ruột là một yếu tố cần thiết để luân chuyển thức ăn trong lòng ống tiêu hóa. Nếu nhu động ruột bị giảm thì hoạt động tiêu hóa bị đình trệ và người bệnh có cảm giác no lâu và vô cùng khó chịu. Hơn thế nữa, sự giảm nhu động ruột còn gây nhiễm trùng cơ hội trên đường tiêu hóa. Vậy nên, người ta không bao giờ sử dụng kháng sinh tetracycline ở bệnh nhân sau phẫu thuật bụng, vì những đối tượng này nhu động ruột sau phẫu thuật chưa hồi phục hoàn toàn.
Một tác hại mà ảnh hưởng tới thẩm mỹ nổi tiếng của dòng thuốc này là tác dụng trên răng và xương trẻ em. Do đặc tính đặc thù là kết hợp và tạo phức hợp bền (chelat) với canxi, thành phần nhiều trong xương và răng nên tetracycline dễ dàng tạo phức hợp bền với yếu tố này tại hai cơ quan đang cốt hóa. Sự lắng đọng lâu và kéo dài tetracycline sẽ gây ra hiện tượng hỏng men răng, xỉn răng, hủy hoại sự phát triển xương. Nếu chúng ta dùng tetracycline với bà mẹ mang thai vào giai đoạn cuối của thai kỳ thì sẽ ngăn chặn sự phát triển xương của trẻ em. Do vậy, kháng sinh tetracycline tuyệt đối không được sử dụng ở bà mẹ mang thai thời kỳ cuối (ba tháng cuối) và không dùng cho trẻ em đến khi nào đứa trẻ được 12 tuổi.
Do thuốc gây ức chế tổng hợp protein nên nó sẽ gây ra ứ đọng các axit amin, các đơn vị tiền thân của protein. Sự dư thừa các axit amin gây tăng phân giải tạo ra các sản phẩm ure và nitơ. Do đó mà thuốc làm tăng nồng độ ure huyết. Vì tác hại này mà chúng ta cần đặc biệt lưu tâm khi dùng cho người già và người bị các bệnh lý về thận. Nếu không, chúng ta sẽ làm cho sự gia tăng ure huyết là đỉnh điểm và gây ra tai biến, có thể dẫn đến hôn mê. Việc chú ý khi sử dụng ở người cao tuổi bao gồm cả kiểm tra chức năng thận và theo dõi sát trong dùng thuốc.
Nếu xét về độc tính trên gan thì tetracycline là một thuốc kháng sinh gây viêm gan điển hình trong họ hàng nhà kháng sinh. Thuốc gây ra viêm gan và viêm tụy mức độ nặng nếu chúng ta dùng liều cao và kéo dài. Trên những đối tượng có các bệnh lý sẵn có về gan và tụy như viêm gan virut, viêm tụy, viêm gan tắc mật, viêm gan vàng da thì không nên sử dụng kháng sinh này trong điều trị để phòng biến cố bệnh bị nặng thêm.
Cuối cùng, một biến cố cần chú ý nhất đó là tăng áp lực nội sọ. Người ta chưa rõ cơ chế nhưng đã có người bệnh sử dụng tetracycline và bị tăng áp lực nội sọ chỉ sau 3 ngày dùng thuốc. Sự tăng áp lực nội sọ là nặng nề và nó có thể gây tử vong cho nạn nhân. Tuy tần suất gặp phải biến cố này là thấp nhưng nó vẫn là một nguy cơ, nhất là người có nguy cơ tăng áp lực nội sọ điển hình. Vì thế, chúng tôi khuyên bạn không dùng kháng sinh này cho nạn nhân bị chấn thương sọ não, bị tai biến mạch máu não hay bị đột quỵ não.
Dùng đúng liều là điều tối cần thiết để đảm bảo an toàn cho người bệnh. Dùng đúng theo chỉ dẫn nhằm đảm bảo tránh mọi tai biến hệ trọng do thuốc là một việc làm cần thiết để đi tới thành công. Chỉ xin một lưu ý nhỏ: để thuốc ngấm được tối đa vào máu, khuyên bạn không uống kháng sinh với sữa vì khi đó kháng sinh đã bị kết tủa hoàn toàn và việc uống thuốc không có tác dụng.