Theo Tổ chức UNICEF thì không nên cho trẻ em dưới 6 tháng tuổi uống nhiều nước bởi điều này sẽ dễ dẫn đến hiện tượng ngộ độc nước. Để giải thích cho kết luận mình đưa ra, tổ chức UNICEF cho biết, thông thường, trẻ em dưới 6 tháng tuổi chỉ cần bú sữa mẹ đầy đủ mà không cần phải bổ sung bất cứ loại thực phẩm và đồ uống nào bao gồm cả nước.
Các chuyên gia của tổ chức này cho rằng, trong sữa mẹ đã chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng và các nguyên tố vi lượng cần thiết cho sự phát triển của trẻ nhỏ. Bởi vậy, việc bổ sung thêm các loại thực phẩm và nước bên ngoài là không cần thiết.
Hơn nữa, trong sữa mẹ có chứa tới 87,5% là nước. Lượng nước này đủ để đáp ứng các nhu cầu cho cơ thể trẻ. Chính vì thế mà các bà mẹ không cần thiết phải bổ sung nước cho con mình. Ngược lại, nếu để trẻ uống thêm quá nhiều nước bên ngoài và việc uống nước này không khoa học thì sẽ khiến cơ thể trẻ gặp phải những nguy hiểm.
Hiện tượng ngộ độc nước thường rất dễ xảy ra ở các bé dưới 6 tháng tuổi do thận của trẻ vẫn còn yếu. Phải sau 1 tuổi thì chức năng của thận mới có thể đạt được tiêu chuẩn bình thường như người lớn. Do đó trong một ngày, nếu cha mẹ cho bé uống quá nhiều nước thì thận không có khả năng kịp thời đào thải. Phần nước dư thừa ấy bị tích lại trong cơ thể và trong máu dẫn đến hiện tượng pha loãng quá độ, khiến lượng natri trong máu hạ thấp và dẫn đến ngộ độc nước, ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ.
Các chuyên gia cho biết, đối với trẻ bú bình thì cha mẹ nên cẩn trọng pha sữa theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất và sau khí bé bú xong hãy cho con uống thêm 2-3 miếng nước để tránh bị tưa lưỡi.