Nguyên nhân gây thoái hóa hoàng điểm chủ yếu do tuổi già. Ngoài ra, còn có thể do tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh tim mạch, hút thuốc lá và đặc biệt là do dinh dưỡng kém không bổ sung đầy đủ dưỡng chất Lutein cần thiết cho mắt. Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp đôi so với nam giới.
Thoái hóa hoàng điểm có dạng khô gọi là cườm khô (chiếm khoảng 90%) và dạng ướt gọi là cườm ướt (chỉ khoảng 10%) nhưng lại là nguyên nhân của 90% tình trạng mất thị lực nặng.
Các triệu chứng của bệnh bao gồm: Giảm thị lực trung tâm, bệnh làm cho mắt nhìn mờ dần và hình ảnh bị méo mó. Nếu chỉ có một mắt bị bệnh thường lúc đầu người bệnh không để ý. Nhưng sau đó sẽ thấy nhiều triệu chứng xuất hiện như: phần hình ảnh giữa thì mắt nhìn không thấy, trong khi những phần xung quanh vẫn được thấy rõ.
Ví dụ như khi nhìn vào ai đó, người bệnh chỉ nhận thấy được chân, tay không nhìn rõ mặt người đó. Khi nhìn một vệt kẽ thẳng sẽ thấy đoạn giữa của đường này trở thành lượn sóng. Nếu hai mắt cùng bị bệnh, bệnh nhân sẽ cảm thấy khó khăn khi đọc sách hoặc khi làm việc trong khoảng cách gần, tăng nhạy cảm với ánh sáng, chớp sáng. Ngoài ra, người bệnh cũng không nhận biết được màu sắc hoặc bị ảo ảnh về thị giác. Vùng hoàng điểm có những tổn thương lúc đầu không gây trở ngại, nhưng khi tiến triển sẽ gây phù hoặc xuất huyết trong mắt. Bệnh nặng có thể gây mù lòa.

Điều trị:
Khám mắt định kỳ 1 năm 1 lần: Khi bệnh thoái hóa hoàng điểm đã nặng, ở giai đoạn cuối thì hiệu quả điều trị rất hạn chế. Tuy nhiên bệnh thường tiến triển chậm qua một thời gian dài nên có thể ngăn chặn sự tiến triển đó bằng chế độ dinh dưỡng và chăm sóc mắt thích hợp theo sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Cần bảo vệ mắt tránh ánh sáng mặt trời bằng cách đeo kính râm chống tia cực tím
Ngừng hút thuốc lá, thực hiện chế độ ăn có nhiều rau xanh, trái cây và cá
Dùng thuốc có chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho hoàng điểm, võng mạc như thuốc có chứa vitamin C, E, beta-caroten, oxyt kẽm, oxyt đồng
Tập thể dục đều đặn để cải thiện sức khỏe của toàn cơ thể.
Cách tốt nhất để sớm phát hiện bệnh là đi khám mắt định kỳ mỗi năm một lần. Dù chưa có triệu chứng gì của bệnh, những người từ 50 tuổi trở lên nên đi khám mắt đều đặn để phát hiện bệnh, nhất là khi trong gia đình đã có người bị các bệnh về mạch máu của võng mạc.