“Tuy nhiên, có thể các mẫu phân tích này được cơ quan chức năng lấy và gửi đến vào thời điểm vừa sử dụng hoặc đang sử dụng lưu huỳnh để bảo quản nên hàm lượng lưu huỳnh có trong các mẫu là rất cao so với khuyến cáo của WHO”, ông Thơm nhận định thêm.
Ông Thơm cũng khẳng định nếu người tiêu dùng sử dụng sản phẩm có lưu huỳnh thường xuyên, sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng.
Còn theo ông Trần Văn Tâm, Phó Giám đốc Sở Công Thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Thanh Hóa, việc phát hiện măng khô nhiễm lưu huỳnh bằng mắt thường là rất khó và cần phải qua kiểm nghiệm mới khẳng định được. Ông Tâm cũng cho biết các cơ quan chức năng tỉnh đang kiểm tra tại 11 huyện miền núi nhằm phát hiện xử lý những cơ sở sử dụng lưu huỳnh sấy măng khô.
“Do lâu nay việc chế biến măng khô chủ yếu diễn ra ở quy mô nhỏ lẻ tại các hộ dân, số lượng không nhiều nên rất khó kiểm tra phát hiện. Sắp tới, chúng tôi sẽ tập trung vào các cơ sở chế biến lớn, các đầu mối thu gom măng nhiều tại các địa phương để kiểm tra, xử lý, nhằm bảo vệ người tiêu dùng…”, ông Tâm nhấn mạnh.
Trước đó, liên tiếp trong vài ngày, lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa phát hiện hàng loạt cơ sở chế biến sấy, tẩm măng bằng lưu huỳnh, với số tang vật thu giữ lên hàng chục tấn.