Trang chủ » Giải trí - Thư giãn » Chuyện thú vị từ chuyến đi Cairo

Chuyện thú vị từ chuyến đi Cairo

Bữa sáng thư thả
 
Ngày cuối tuần ở Ai Cập bắt đầu bằng một bữa sáng no đủ, tôi thong thả vừa ngắm Địa Trung Hải vừa nhâm nhi ly café nóng hổi với đĩa hạnh nhân và hạt điều. Trên đường đi kiếm chỗ đổi tiền, tôi tình cờ gặp một anh chàng taxi vui vẻ chào hỏi, hỏi giá tới ga Sidi Gaber, 20 LE (đơn vị tiền tệ Ai Cập, 1 LE = 4.000 VND)  – ok, bao lâu: 10’. Tôi nhìn đồng hồ 8h, 15’ nữa tới chuyến gần nhất đi Cairo, tôi quyết định đi luôn.
 
Tới ga, phi vào chỗ mua vé, trả 36LE cho một tấm bìa nhằng nhịt chữ Arab (chắc sát giờ nên không có vé tử tế), tôi chạy thẳng lên tàu, vừa kịp giờ khởi hành. May mắn, chỗ ngồi sát cửa sổ, tôi tha hồ ngắm nghía cảnh vật trên đường.
 
Qua miền nông thôn
 
Tôi như được trở về với nông thôn Việt Nam, cánh đồng, hàng chuối, trâu bò, … sự khác biệt có chăng là những hàng lau phấp phới, thi thoảng điểm xuyết những bụi xương rồng được trồng vừa làm cảnh, vừa làm hàng rào. Một màu xanh trù phú trải dài hai bên đường đi, khác hẳn với khung cảnh thường thấy của sa mạc châu Phi.
 
Sau khoảng 2,5 tiếng tàu dừng tại ga Ramses. Aha, Salam Cairo, buổi sáng thứ 6 (ngày cuối tuần theo lịch hồi giáo) đường phố thưa thớt hơn rất nhiều so với vẻ thường thấy của 1 siêu đô thị gần 20 triệu người. Nhấc điện thoại gọi một người bạn (tôi quen khi bạn ấy tới Hilton Alexandria hỗ trợ), hẹn gặp sau hơn 1h nữa. Tranh thủ thời gian, tôi bắt taxi tới Tahrir, làm một vòng quảng trường, đặc biệt bị thu hút bởi hàng trăm cái lều người dân dựng lên ngay giữa trung tâm thành phố (chi phí thuê nhà đắt đỏ, mà không ai bắt phải dỡ bỏ những cái lều này nên người ta cứ dựng thoải mái).
 
Bài học Papyrus
 

Đang lơ ngơ ngắm nghía, chụp ảnh, tôi bất ngờ được một bác trung niên lịch sự hỏi han bằng thứ tiếng Anh khá sõi, tự giới thiệu là nghiên cứu và giảng dạy về viết chữ Arab. Sau màn trao đổi qua lại, bác ấy nhiệt tình mời tôi qua văn phòng để viết tặng tên Arab cho cả nhà. Tới nơi thì giống như một galery với nhiều tranh chữ trên giấy payrus. Một bức lớn có thể cần tới 3 tháng để hoàn thành vì phải chờ màu mực này khô mới vẽ tiếp màu khác…
 
Tranh giấy Payrus
Tranh giấy Payrus

 
Tôi được đon đả mời trà, rồi hỏi tên vợ và con. Xong xuôi, bác ấy nhiệt tình giới thiệu các bức tranh, và nhã nhặn hỏi mình thích bức nào. Thế rồi hết sức ngoạn mục, màn giới thiệu chuyển thành một cuộc bán hàng. Một mình trong không gian vắng vẻ, tôi đành bỏ 50 LE mua đại 1 bức cho xong chuyện. Dù đã giảm hết cỡ so với giá niêm yết (1 bức tương tự trên tường đề giá 300 LE), sau này tôi phát hiện ra, với số tiền đó tôi có thể mua được … 10 cái như vậy ngoài phố. Tôi có một món quà lưu niệm bất đắc dĩ và một bài học thú vị về bán hàng. Tôi định chụp hình lưu niệm “người bán hàng vĩ đại”, nhưng bác ý từ chối khéo rằng … “sắp đến lúc phải cầu nguyện”.
 
Sông Nile êm đềm
 

Rời “cửa hàng tranh”, tôi đi vài bước đã đến sông Nile, rộng rãi, mênh mông và bình yên trong buổi sáng cuối tuần. Những quán café vẫn còn thưa thớt, những con thuyền vẫn như còn ngái ngủ dập dềnh bên mép sông… Gió lành lạnh, cảm giác như đang đi dạo ở châu Âu vậy. Giá như có thời gian để ngồi đây đọc sách cả buổi…tiếc là đã đến lúc phải tới điểm hẹn ở Hilton Ramses mất rồi.
 
Sông Nile
Sông Nile

 
Tạt qua Hilton Ramses
 
Giống như hầu hết các khách sạn cao cấp ở xứ này, bước chân vào cửa bạn phải qua màn kiểm tra an ninh giống như ở sân bay vậy. Qua cửa, Hilton Ramses hiện rõ vẻ xa hoa của một trong những khách sạn lớn nhất Ai Cập (hơn 1000 phòng).Ấn tượng nhất với tôi chính là việc có chi nhánh ngân hàng ngay trong khuôn viên khách sạn, thật là tiện cho khách tiêu tiền. Rủng rỉnh rồi, có “tour guide” miễn phí, lên đường thôi, bảo tàng Ai Cập ngay gần đó.
 
Bảo tàng Ai Cập cổ đại
 

Vé vào cửa ở bảo tàng là 60 LE, an ninh nghiêm ngặt, bao gồm việc phải để máy ảnh ở phòng gửi đồ, nhưng tôi vẫn “bon chen” vài kiểu kỷ niệm bằng điện thoại. Quả thật đây là một điểm đến không thể bỏ qua nếu bạn tới Ai Cập. Trước mắt du khách là vô số những cổ vật được tìm thấy từ kim tự tháp, chỉ riêng bô sưu tập của Tutan Khamun, xem qua loa cũng hết hơn một tiếng đồng hồ. Lúc đầu tôi còn chăm chú đọc phần thuyết minh, ghi chú, sau thì nhiều quá nên chủ yếu chỉ ngắm nghía tượng, đồ đá, vàng và xác ướp thôi.
 
Các bức tượng trong bảo tàng Ai Cập cổ đại
Các bức tượng trong bảo tàng Ai Cập cổ đại

 
Không hiểu vì nhiệt độ bảo quản, hay là không gian chết chóc mà tôi cứ thấy hơi lành lạnh. Thật may là có Besheer đi cùng, trao đổi vừa vui, vừa có thêm thông tin từ người địa phương, lại vừa… đỡ sợ. Besheer nảy ra ý tưởng rất thú vị, mong một trong những cái xác kia sống dậy để hỏi xem điều gì đã gây đứt đoạn một trong những nền văn minh rực rỡ nhất trong lịch sử nhân loại.Còn tôi thì không hứng thú lắm với viễn cảnh một xác ướp đột nhiên bước ra chào hỏi.
 
Chào kim tự tháp
 

Cũng không còn sớm, tôi và người bạn nhảy lên mini-bus và nhắm hướng bình nguyên Giza thẳng tiến. Một lần nữa 60 LE cho vé vào cửa, du lịch nói chung và kim tự tháp nói riêng là nguồn thu lớn nhất cho Ai Cập, nhưng có lẽ số tiền thu được, tiền vé chẳng hạn, được chi dùng cho các mục đích khác hơn là việc đầu tư, tôn tạo.
 
Tượng Nhân sư và Kim tự tháp Ginza
Tượng Nhân sư và Kim tự tháp Ginza
 
Qua cổng, trước mắt tôi là một bầy ngựa và lạc đà, đan xen là khách du lịch đang tạo dáng chụp hình kim tự tháp và nhân sư ở phía xa. Đây là thời điểm khó khăn với ngành du lịch, lượng khách vãn hẳn so với các năm trước. Âu cũng là một cái may, chứ nếu như vào 2 năm trước, kiếm một chỗ thoáng để đứng chụp hình cũng không dễ. Suy thoái, cuộc sống của người làm dịch vụ du lịch ở đây càng khó khăn hơn. Họ luôn phải cố gắng bán một cái gì đó cho du khách. Chính Besheer bị nhiếc mắng thậm tệ khi cùng tôi đi bộ thay vì sử dụng dịch vụ taxi/xe ngựa vào khu kim tự tháp, hay từ chối dịch vụ hướng dẫn của một người giả làm thành viên ban tổ chức…

 
“Phi thuyền” sa mạc

Đang lững thững đi sâu về hướng kim tự tháp, tôi bắt gặp một lão niên phúc hậu đang dắt lạc đà ở chiều ngược lại. Bắt gặp ánh nhìn của tôi (một tên nước ngoài, tay lăm lăm máy ảnh, lủng lẳng cuộn giấy papyrus), bác ngay lập tức hồ hởi đề nghị cho chụp ảnh miễn phí với lạc đà. Khi cái khăn của bác được quàng lên cổ, tôi nghe văng vẳng bên tai những con số đầu tiên.
 

Và khi đã yên vị trên lưng lạc đà, những con vật được gọi là “Phi thuyền” sa mạc, con số leo thang tới 50 LE (gần 10 USD). Tôi nhớ lại phần chia sẻ đọc đâu đó trên mạng, chỉ cần 5 LE để leo lên lưng lạc đà (tôi thậm chí chẳng mất đồng nào), nhưng cần nhiều nhiều hơn thế để trèo xuống. Bài học thật nhãn tiền. Dù sao thì đi lòng vòng ngắm cảnh từ độ cao hơn 2 mét cũng có cái thú riêng của nó, trừ những lúc lạc đà kêu ầm lên không biết tại sao, hoặc khi bạn ấy xuống dốc hay … phi nước đại.
 
Cưỡi lạc đà ngắm cảnh
Cưỡi lạc đà ngắm cảnh

 
Buổi tối Ai Cập truyền thống
 
Trời đã về chiều, đã đến lúc về nhà Besheer ăn bữa trưa lúc 6h tối. Nhà bạn tôi ngay gần đó, ra ban công là nhìn thấy kim tự tháp. Một bữa tiệc thịnh soạn trong không gian ấm cúng và thân mật, với ông chủ nhà Besheer và 3 cậu con trai rất dễ thương (theo truyền thống của người Hồi giáo, phụ nữ không được ăn cơm cùng khách).
 

Chuyện trò chán chê, cả nhà, bao gồm khách mời là tôi, sang chào hỏi hai cụ thân sinh của Besheer. Thế là tôi được diện kiến nhân viên lỗi lạc của khách sạn Hilton ở Ai Cập, người đã được trao bằng danh dự vì 45 năm cống hiến cho Hilton Nile. Ngoài ra, cụ còn định hướng, dẫn dắt 4 người con làm cho các khách sạn Hilton khác nhau, chỉ có một người làm cho Marriott.
 

Câu chuyện ấm cúng trong không gian trà đạo Ai Cập truyền thống, qua lần lượt 3 tuần trà do chính bác gái pha chế, một kỷ niệm đáng nhớ, đáng để lùi kế hoạch thăm khu chợ Khan El Khalili sang ngày hôm sau…
 
Nhà thờ Al Azhar
 
4h chiều, cuối cùng xe buýt từ Suez cũng dừng tại ngay cổng ga Ramses, biết thế tôi đi thăm Old Cairo trước, đi Suez rồi lên tàu về Alexandria luôn. Nhưng thôi, đi sớm về sớm, 1h chiều mà đường đã tắc rồi, lúc đi chưa đến 2 giờ, khi về hơn 2 tiếng rưỡi. Tôi loanh quanh hỏi đường, bắt minibus tới Housen (khu quảng trường nơi có Khan El Khalili).
 
Trên xe, tôi tranh thủ hỏi thăm thông tin từ một bạn Ai Cập nói tiếng Anh rất sõi ngồi cạnh, hóa ra là một người Sunni chính cống, làm việc tại nước ngoài và về chơi đợt này thăm bạn gái nhân sinh nhật thứ 30. Bạn sunni rất hào hứng giải thích về sự khác biệt giữa 2 trường phái của Đạo hồi, về đức tin, về quan điểm. Tôi không hứng thú lắm với đề tài này nên ậm ừ cho phải phép. Được cái sau đó bạn ấy dẫn vào nhà thờ Al Azhar rất lớn ngay gần đó để làm lễ, dù chỉ ít phút nhưng thấy được nhiều điều thú vị.
 
Khan El Khalili
 

Lạc vào Khan El Khalili, đúng là thế giới của thủ công, mỹ nghệ, đồ cổ. Đây có thể là khu chợ lớn nhất thế giới thuộc thể loại này. Tôi hoa cả mắt với bao nhiêu thứ mới lạ. Bạn Sunni lúc đầu còn hăng hái nói về tôn giáo, sau thấy tôi chẳng có vẻ nhập tâm tí nào nên đành chuyển qua giới thiệu về hàng hóa, tiện tay mua cho tôi một cốc đậu lộc, cả 2 vừa đi vừa ăn vừa ngắm.
 
Một góc Khan El Khalili
Một góc Khan El Khalili

 
Chẳng biết tình cờ hay hữu ý mà bạn ấy kéo tôi vào 1 cửa hàng bán đồ lưu niệm, la liệt kim tự tháp, nhân sự, nefertiti… Vốn đang không có hứng mua sắm, lại thấy các sản phẩm chủ yếu xuất xứ từ Trung Quốc nên tôi quyết định đi thẳng ra ngoài mà không mua bất kỳ thứ gì. Bạn sunni có nán lại ít phút nói chuyện riêng với người bán hàng, cả hai dường như có gì tiếc nuối…
 
Tiếp tục loanh quanh những ngõ hẻm, những dẫy hàng, chỉ tiếc là không có nhiều thời gian hơn để la cà ở đây. Bạn sunni hơi thất vọng vì giới thiệu, tư vấn mãi mà chẳng thấy tôi mua gì. Cũng đã đến lúc phải đi, bạn sunni cũng có hẹn gì đó, nhưng vẫn hết sức nhiệt tình đưa mình ra ngoài chợ, hỏi giúp đường tới Hanging Church (nhà thờ treo), cẩn thận ghi chú bằng chữ Arab để mình hỏi tiếp cho dễ, tạm biệt bằng lời nhắn nhủ rất ăn năn “Thứ lỗi cho tôi vì không thể tiếp tục đi cùng bạn tới những điểm tiếp theo”…
 
Nhà thờ treo và những người Ai Cập tốt bụng
 
Nhảy lên 1 chiếc mini bus, 1 LE, đường phố Cairo giờ này đã bắt đầu kẹt cứng với đủ loại âm thanh inh ỏi. Sau một hồ, đến một khu chợ trên phố, bạn tài xế bảo tôi rằng đến nơi rồi, Xuống xe, tôi đang lơ ngơ chưa biết ga tầu điện ngầm ở đâu thì nó may mắn gặp Mohamed Saad, một nghệ sỹ trẻ rất nhiệt tình đưa đường chỉ lối, bao gồm cả việc tặng tôi 1 vé metro miễn phí (chỉ 1 LE nhưng tôi rất bất ngờ và cảm kích), đi cùng tới ga chuyến tuyến (Ataba tới Girgis phải chuyển tàu 1 lần), dẫn tới tận đường tàu mới chào tạm biệt để đi hướng khác.
 
Trên tàu tới Girgis, tôi gặp thêm nhiều người Ai Cập đôn hậu và vui tính. Trong đám đông bất ngờ tôi gặp được Medo, một dược sỹ trẻ, dù tiếng Anh bập bõm thôi nhưng cũng đủ làm tôi an tâm hơn. Medo hỏi tôi muốn đến nhà thờ gì đó bằng tiếng Arab không. Ra khỏi ga, ngay trước mặt là nhà thờ đá to đùng.Tiếc là đã hết giờ thăm quan, tôi chỉ có thể loanh quanh ngắm nghía bên ngoài một lát rồi về. Medo lại kiên quyết trả tiền vé cho tôi, đưa tôi lên tầu về ga Al Shohadaa (Ramses) rồi rẽ đi hướng khác.
 
Tạm biệt Cairo
 

Thấm thoắt đã 7h tối, đường phố kẹt cứng nên cũng chẳng đi đâu được nữa. Tôi quyết định ra ga mua vé về sớm. Loay hoay cũng tìm được quầy bán vé, tôi tình cờ xếp hàng sau đám sinh viên. Không biết vô tình hay cố ý, bác bán vé đã dành cho tôi vé sinh viên, giá giảm tới 50%.
 

Lúc loay hoay ở quần vé, tôi gặp được 1 bạn nữ hồi giáo đi cùng chuyến và nói tiếng Anh rất tốt. Marwa bé xíu, cao chưa tới mét rưỡi, trùm vải đen kín mít, nhưng rất tận tình chỉ đường dẫn lối. Chị bạn ấy làm cho Marriott ở Cairo, tuy sống ở Alexandria nhưng Marwa có 1 cửa hàng nhỏ trên phố, thi thoảng về đây bán sách cho trẻ em. Marwa nhiệt tình đem ra mời đủ loại đồ ăn từ Pepsi tới sô cô la, giết thời gian trong khi chờ đợi. Tàu khởi hành trễ hơn 1 tiếng nhưng không hề có thông báo gì!
 
Một buổi tối tôi may mắn gặp quá nhiều người tốt, chợt nhận ra, người dân Ai Cập nói chung rất dễ mến, nhất là khi họ không phải tìm cách moi 50 LE/10 USD từ ví bạn.
 
Chào nhé Cairo, hẹn gặp lại!
 

Gửi thảo luận