Mục đích của việc thay khớp nhân tạo là giúp cho bệnh nhân không bị đau đớn, tự đi lại được, cải thiện chất lượng sống cho người bệnh. Tuy nhiên, cũng như bất kỳ phẫu thuật nào, phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo cũng có mặt tích cực và tiêu cực. Vấn đề là chúng ta cần hiểu rõ nó để hạn chế bớt mặt tiêu cực, tận dụng hết mặt tích cực của loại khớp này.
Vì sao phải thay khớp?
Khi hai mặt sụn khớp đã bị hủy hoại vì một nguyên nhân nào đó như chấn thương, viêm, thoái hóa… sẽ làm bệnh nhân đau đớn khi cử động. Các bác sĩ sẽ phẫu thuật đặt khớp nhân tạo để tạo hai mặt khớp mới, khớp đặt vào cơ thể vĩnh viễn nhằm làm giảm sự đau đớn, đem lại chất lượng sống tốt hơn cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, tùy theo giai đoạn của bệnh khớp mà có thể được điều trị bằng hai phương pháp là nội khoa và ngoại khoa. Điều trị nội khoa được áp dụng cho bệnh ở giai đoạn nhẹ. Bệnh ở giai đoạn vừa và nặng phải điều trị bằng phương pháp ngoại khoa, tùy theo từng giai đoạn mà có các cách phù hợp, trong đó phẫu thuật thay khớp nhân tạo được chỉ định cho trường hợp nặng nhất.
Vì vậy, các chỉ định mổ thay khớp chỉ đặt ra với trường hợp bệnh nhân quá đau đớn mỗi khi cử động khớp bị hư do một nguyên nhân nào đó. Ở khớp háng, thường gặp là tình trạng hoại tử chỏm xương đùi ở người trẻ, gãy cổ xương đùi ở người già do khả năng lành xương rất kém; thoái hóa khớp háng do nguyên nhân chấn thương hay tuổi tác, với mặt sụn khớp bị hư hoàn toàn.
Bài này sẽ tập trung giới thiệu cho bạn đọc các kiến thức về thay khớp nhân tạo do gãy cổ xương đùi.
Vì sao hay bị gãy cổ xương đùi?
Do đặc điểm cấu tạo các thớ xương ở vùng cổ xương đùi tạo ra nơi đây có một điểm yếu còn gọi là tam giác Ward; mặt khác, đây lại là vùng chịu toàn bộ sức nặng của cơ thể đè lên. Đặc biệt ở những người cao tuổi và phụ nữ thời kỳ mãn kinh, khối lượng xương thấp và giòn nên chỉ cần một chấn thương nhỏ hay vận động sai tư thế đều có nguy cơ gãy cổ xương đùi.
Nguyên nhân làm gãy cổ xương đùi thường gặp là do những tai nạn trong sinh hoạt hằng ngày như: đi vấp hay trượt chân ngã đập mông xuống đất, ngoài ra còn do tai nạn giao thông…
Phát hiện bằng cách nào?
Với trường hợp điển hình, khi thăm khám sẽ nhận thấy: chi bên gãy ngắn hơn so với chi bên lành; cổ và bàn chân bên gãy xoay ra ngoài; bệnh nhân có cảm giác đau chói ở khớp háng, không tự duỗi hay nhấc chân lên khỏi thành giường.
Những biến chứng và hậu quả
Gãy cổ xương đùi là một bệnh lý nặng, đặc biệt nếu xảy ra ở người lớn tuổi và có nhiều bệnh lý kèm theo. Nếu không điều trị đúng cách sẽ xảy ra nhiều biến chứng như sau:
– Loét da ở những vùng tì đè như: cùng cụt, vùng mắt cá ngoài, vùng gối…
– Viêm phổi và nhiễm trùng đường tiểu…
– Tắc mạch vì phải nằm lâu, ít vận động nên dễ hình thành những cục máu đông trong lòng mạch máu. Nếu những cục máu này di chuyển đến phổi, não hoặc tim gây nguy hiểm tính mạng.
Cách xử lý
– Sơ cứu: giảm đau cho bệnh nhân bằng thuốc uống hay tiêm; cố định chân gãy bằng nẹp; vận chuyển bệnh nhân về cơ sở y tế chuyên khoa.
– Tùy theo tình trạng sức khỏe của người bệnh, thời gian bị gãy, chất lượng xương và kiểu gãy mà bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp phẫu thuật phù hợp: như điều trị bảo tồn, cố định bằng vít hay phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo… Nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy, với gãy cổ xương đùi cần được chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt, nếu để muộn thì khả năng hoại tử và tiêu mòn chỏm xương đùi càng cao.