Trang chủ » Phổ biến kiến thức » Dinh dưỡng - Sức khoẻ » Dinh dưỡng thông minh cho trẻ 1 – 3 tuổi

Dinh dưỡng thông minh cho trẻ 1 – 3 tuổi

Bé sẽ chuyển dần từ chế độ ăn dành riêng cho mình sang ăn các thức ăn cùng gia đình. Đây chính là một thử thách không nhỏ cho mẹ trong việc chăm sóc bé. Vậy làm thế nào để bé hay ăn, chóng lớn, lanh lợi, thông minh? Những lưu ý sau sẽ giúp mẹ có được những kinh nghiệm bổ ích:

1. Nhu cầu nǎng lượng:
 
Ở tuổi này trẻ cần 110 calo/kg cân nặng. Vì vậy, trẻ nặng khoảng 9 – 13 kg cần 900 – 1.300 kcal. Trong đó, tỷ lệ giữa các thành phần sinh nǎng lượng là: Đạm: béo: đường bột = 15: 20: 65.
 
Bạn có thể ước tính năng lượng của các thức ăn như sau: 1 gam đường (Glucid), hay 1 gam chất đạm (Protein) cho 4 kcal/gam, chất béo (Lipid) cho 9 kcal/gam. Lượng chất đường, đạm, béo thường được ghi trên nhãn mác sản phẩm, bạn nên lưu ý tới chúng khi mua đồ ăn cho trẻ. Việc cho trẻ ăn thừa hoặc thiếu so với nhu cầu này đều không tốt bởi trẻ có thể thừa cân, béo phì hoặc suy dinh dưỡng.
 
Bắt đầu từ 6 tháng tuổi, trẻ cần được bổ sung thêm nước ngoài lượng nước trong sữa. Nhu cầu nước của trẻ là 10 – 15% tính theo trọng lượng cơ thể (bao gồm cả nước trong sữa).
 
2. Số lượng, thời gian ăn
 
Trẻ nên ăn sau bữa một ngày, trong đó ba bữa chính vào lúc 6 – 7 h, 11h và 16h30 – 17h. Bữa ăn phụ vào giữa bữa sáng, giữa bữa chiều và bữa ăn đêm. Khoảng cách giữa các bữa ăn của trẻ (từ 1 – 3 tuổi) là 3 – 4 tiếng. Thời gian giới hạn cho những bữa phụ là 10 – 15 phút, bữa chính là 30 phút hoặc hơn.
 
Nếu trẻ không bú mẹ, bạn nên cho trẻ ăn thêm 200 – 250ml sữa vào mỗi đêm. Nếu không muốn bé ăn đêm, bạn nên lui thời gian cho bé ăn bữa cuối lại hoặc bắt đầu bữa đầu tiên sớm hơn.
 
3. Cách chế biến thức ăn
 
Nấu cháo cho trẻ 13 – 24 tháng: Bạn có thể nấu một nồi cháo trắng nhừ, mỗi bữa múc một bát vào xoong con rồi cho thêm thịt, cá, trứng, tôm, gan, đậu phụ… tùy ý. Bạn nên thêm rau xanh và dầu mỡ như nấu bột nhưng với số lượng nhiều hơn.
 
Nấu cơm nát cho trẻ 24 – 36 tháng tuổi: Bạn nấu cơm nhiều nước hơn bình thường rồi nấu canh thịt, cá, tôm, cua trộn với cơm cho bé ăn. Bạn không nên chỉ cho trẻ ăn nước rau luộc trộn cơm.
Bạn cũng có thể nấu kiểu cơm nát thập cẩm: Dùng các loại bí đỏ, su hào, khoai tây… cắt nhỏ 2 x 3 cm, đun chín nhừ, nghiền nát, cho gạo vào nước rau củ để nấu cơm. Thịt, cá băm nhỏ, mồi bữa 30 – 40g cho vào hấp khi cơm đã chín. Nếu dùng thịt nạc, cá, tôm… bạn cần cho thêm 1 – 2 thìa dầu mỡ, trộn đều.
 
Nấu các món súp cho trẻ: Bạn có thể nấu các món súp bổ dưỡng như súp trứng – thịt – tôm, súp đậu xanh – bí đỏ – thịt, súp trứng chim cút – nấm hương, súp cà rốt – mật ong, súp củ cải – nấm hương – đậu Hà Lan, súp bột mì – trứng gà, súp thịt bò – cà chua, súp khoai tây… Với cách chế biến này, bạn có thể dễ dàng kết hợp đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng trong một tô súp.
 
Hơn nữa, màu sắc tươi sáng của món ăn sẽ rất dễ hấp dẫn bé. 
 
Bữa ăn phụ: Với các món nước ép hoa quả, bạn nên chọn hoa quả theo mùa để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho bé. Các món này cung cấp vitamin mà không làm bé bị đầy bụng. Bạn nên bổ sung thêm các loại sữa bột, sữa tươi, sữa chua, váng sữa, pho mai… vào các bữa ăn phụ này.
 
Một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ được thể hiện qua việc phát triển thể chất, tinh thần của bé. Nếu bé đạt được cân nặng theo chuẩn và ngày càng lanh lợi, thông minh, điều đó thể hiện bạn đã chăm sóc bé đúng cách.

Gửi thảo luận