Những cư dân sinh sống tại khu vực tỉnh Hồ Nam vốn ưa thích các món ăn được chế biến cùng các loại gia vị cay. Do đó, Hồ Nam được xem là một trong những khu vực tiêu thụ các sản phẩm ớt khô và nhiều loại gia vị cay khác vào loại bậc nhất tại Trung Quốc.
Tuy nhiên mới đây, Cục Thương mại và Công nghiệp thành phố Trường Sa thuộc tỉnh Hồ Nam đã phát hiện một số cơ sở sản xuất nhẫn tâm trộn Rhodamine B – một loại chất hoá học dùng để nhuộm quần áo và bị cấm tuyệt đối trong thực phẩm và dược phẩm, vào trong ớt khô nhằm màu sắc của sản phẩm khi tiêu thụ trên thị trường.
Hiện tại, các quan chức tại thành phố Trường Sa đang tiến hành tịch thu những lô hàng bị nghi chứa chất Rhodamine B, đồng thời đưa ra mức phạt hành chính từ 10.000 – 60.000 Nhân dân tệ (tương đương 1.580 – 9.500 USD) với những người có liên quan.
Một bản báo cáo trên website của Tân Hoa Xã cho biết Cục Thương mại và Công nghiệp thành phố Trường Sa đã phát hiện 10 trường hợp sai phạm liên quan tới việc sử dụng các chất phụ gia trái phép trong đó có tới 6 trường hợp sử dụng chất Rhodamine B để sản xuất ớt khô.
Thông thường, các nhà sản xuất sử dụng chất Rhodamine B như một chất nhuộm huỳnh quang trong công nghệ sinh học. Ngoài ra, Rhodamine B còn được dùng để làm thuốc nhuộm đỏ cho những sản phẩm khác như giấy lụa, giấy đánh máy, sơn, vật liệu hội họa, nhuộm vải tơ tằm và vải lanh cũng như nhuộm da.
Các kết quả nghiên cứu cho thấy chất Rhodamine B có thể gây ức chế quá trình phát triển của các tế bào KD trong cơ thể con người, không những ngăn chặn khả năng liền vết thương mà còn ảnh hưởng tới quá trình tổng hợp protein. Trước đây, giới khoa học từng chứng minh Rhodamine B là tác nhân gây ra căn bệnh ung thư mô liên kết dưới da trên loài chuột.
Do lo ngại trước nguy cơ gây bệnh ung thư cho con người, Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ, Nhật Bản, New Zealand, Australia và nhiều quốc gia khác thuộc Liên minh châu Âu đã ban hành lệnh cấm sử dụng hóa chất Rhodamine B trong sản xuất và chế biến thực phẩm.
Tuy nhiên trên thị trường hiện nay, người tiêu dùng vẫn có thể dễ dàng phát hiện hóa chất độc hại này trong các sản phẩm như kẹo, gia vị, ớt bột, dung dịch tẩy rửa và nhiều loại thực phẩm khác.