1. Chân mày mỏng
Đây có thể là dấu hiệu của tình trạng suy giảm hoạt động tuyến giáp, là nguyên nhân dẫn tới nhiều rắc rối khác cho sức khỏe bao gồm tăng cân, chu kỳ kinh nguyệt thất thường, mức cholesterol tăng cao và tệ hơn nữa là đau tim.
Một cuộc xét nghiệm máu có thể xác định mức hormone T3, T4 và TSH (hormone kích thích tuyến giáp) có bị thấp hay không. Từ đó, bác sĩ sẽ có giải pháp điều trị thích hợp.
Đối với chân mày, bạn có thể sử dụng loại serum có tác dụng kích thích chân mày mọc nhanh hơn. Tuy nhiên, cần lưu ý là phải chọn sản phẩm đã được kiểm định về chất lượng và không chứa các hóa chất độc hại.
2. Đốm màu quanh mắt và đốt ngón tay
Những đốm màu đỏ vàng xuất hiện ở vùng da mắt hay trên những đốt ngón tay là dấu hiệu cho thấy sự tăng cao bất thường của mức cholesterol. Điều này có thể khiến bạn phải gánh chịu nguy cơ đau tim và đột quỵ cao hơn.
Xanthoma là tên khoa học của bệnh đốm vàng trên da, có nguyên nhân từ sự tích tụ chất béo bên dưới bề mặt của da. Chúng trông như những vết bầm có màu đỏ vàng hoặc các mụn thịt dưới da.
Do những vết bầm này thường bằng phẳng, sờ vào thấy mềm và có màu vàng đậm nên chúng thường bị nhầm lẫn là các vết nám hoặc đốm tàn nhang trên da những chúng có thể là dấu hiệu của những căn bệnh có liên quan đến tình trạng gia tăng mức lipid trong máu, bao gồm tiểu đường và tăng cholesterol.
Trong trường hợp này, cần phải đi xét nghiệm máu để kiểm tra mức lipid, chức năng của gan và cả bệnh tiểu đường.
3. Cơ thể nặng mùi
Sự thay đổi bất thường của mùi mồ hôi có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư. Khi cơ thể tiết ra nhiều mùi khó ngửi trong thời gian dài, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để tiến hành các bước kiểm tra cần thiết nhằm xác định nguyên nhân chính xác vì sao bạn ngày càng “nặng mùi” hơn.
Sự thay đổi về mùi cơ thể là một trong những biểu hiện ban đầu của một căn bệnh ung thư cực kỳ hiếm gặp đó là ung thư biểu mô lớn tế bào thần kinh nội tiết.
Những căn bệnh khác có liên quan đến mùi cơ thể đó là các bệnh nhiễm trùng, tiếp xúc với các loại độc tố, những khác thường về gien, bệnh răng miệng, các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục và tiểu đường.
4. Đau hàm và tai
Những cơn đau dai dẳng ở hàm và tai có thể là hậu quả của tình trạng căng thẳng hoặc do thói quen giữ điện thoại bằng đầu và tai khi nói chuyện.
Nếu các cơn đau và tình trạng tê cóng xuất hiện ở ngực, vai và cánh tay chính là dấu hiệu phổ biến của cơn đau tim ở đàn ông, thì phụ nữ thường không phải chịu đựng những cơn đau kiểu này. Thay vào đó, rất nhiều phụ nữ nói rằng họ cảm thấy đau và có cảm giác căng cứng chạy dọc theo hàm vào kéo dài xuống cổ, đôi khi lại lan lên tới hai tai. Cơn đau có thể lan rộng xuống vai và cánh tay, đặc biệt là phía bên trái hoặc có cảm giác như bị đau lưng, căng cơ ở cổ và lưng.
Bạn đừng nên lơ là với bất lỳ cơn đau nào xảy ra trên các bộ phận của cơ thể, bởi vì đó có thể là dấu hiệu bất ổn đối với tim.
5. Nhạy cảm với ánh sáng
Nếu bỗng dưng ánh nắng mặt trời khiến bạn bị lóa mắt, buộc phải nhắm mắt, thậm chí đôi khi còn bị đau đầu và buồn nôn khi đi ra ngoài trời nắng thì rất có thể bạn đang đối mặt những rắc rối nghiêm trọng hơn về sức khỏe.
Sự nhạy cảm này có thể là do ánh nắng, ánh sáng huỳnh quang, đèn, màn hình ti vi và thậm chí là đèn flash từ máy chụp ảnh, gây ra tình trạng khó chịu dù chỉ trong vài giây, khiến bạn không thể nhìn rõ mọi thứ trong chốc lát.
Nhạy cảm ánh sáng quá mức hay chứng sợ ánh sáng có thể là một triệu chứng của bệnh viêm mống mắt (một căn bệnh viêm nhiễm ở mắt), bệnh tăng nhãn áp hoặc trầy xước giác mạc, cần phải nhỏ các loại thuốc kháng sinh dạng nước. Tuy nhiên, muốn xác định chính xác nguyên nhân, bạn cần đến bác sĩ nhãn khoa để khám.
6. Móng tay bong tróc
Móng tay bị gãy, bong tróc thường xuyên có thể là dấu hiệu của những rắc rối đang xảy ra ở tuyến giáp. Khô, có lằn gợn, giòn, nứt hay dễ bong tróc chỉ là một trong số rất nhiều triệu chứng của tình trạng suy giảm hoạt động của tuyến giáp. Mức hormone tuyến giáp thấp sẽ khiến các chức năng trong cơ thể hoạt động chậm lại, bao gồm cả hoạt động trao đổi chất. Kết quả là cơ thể ít tỏa nhiệt năng và ít đổ mồ hôi hơn do các tế bào thiếu hụt năng lượng để hoạt động. Tuyến mồ hôi cung cấp nước cho da và móng. Khi những tuyến này không hoạt động hết công suất thì tóc và móng sẽ không nhận đủ lượng nước chúng cần để duy trì mức độ “khỏe mạnh”, không thể bóng, đẹp được. Lúc này, bạn cần đặt lịch hẹn bác sĩ để kiểm tra sức khỏe và đừng quên lau chùi sạch nước sơn móng tay trước hai ngày để bác sĩ có thể quan sát chúng tốt nhất.