PGS.TS. Đỗ Sỹ Hiển.
|
PV:
Xin PGS cho biết những tác nhân gây bệnh cúm mùa?
PGS. TS. Đỗ Sỹ Hiển: Virut cúm influenza thuộc nhóm Orthomyxoviridae được chia thành 3 týp A,B C trong đó hay gặp và quan trọng nhất là virut cúm týp A. Týp B gây ra các vụ dịch nhỏ, týp C ít gặp và gây ra các trường hợp nhẹ và tản phát. Tùy theo sự phối hợp giữa kháng nguyên H và N của virut cúm A mà có các chủng gây bệnh khác nhau như H5N1, H1N1, H3N2… Cúm do týp A như A/H1N1, A/H3N2 thường xuất hiện hàng năm vào những mùa nhất định và được gọi với cái tên quen thuộc là cúm mùa và điều cần lưu ý là các chủng gây bệnh hàng năm thường có sự thay đổi kháng nguyên làm cho người đã mắc bệnh trong năm trước vẫn có thể mắc bệnh vào năm sau.
PV: Những đối tượng nào được coi là nguy cơ cao khi phơi nhiễm với bệnh cúm, thưa ông?
PGS. TS. Đỗ Sỹ Hiển: Trẻ em, người cao tuổi, người mắc bệnh tim mạch, hen suyễn, tiểu đường là những đối tượng nguy cơ cao khi phơi nhiễm với cúm (vào mùa dịch cúm, trong khi tỷ lệ mắc ở người lớn vào khoảng 5-10% thì tỷ lệ mắc ở trẻ em là 20-30%). Với người cao tuổi do tuổi cao, sức yếu lại sẵn bị mắc nhiều bệnh như tim mạch, hen suyễn, tiểu đường… nên cúm là bệnh nguy hiểm với người cao tuổi, làm tăng tỷ lệ nhập viện và tỷ lệ tử vong.
PV:Bệnh cúm có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm gì, thưa ông?
Trẻ bị cúm dễ có những biến chứng nặng như: viêm phế quản, viêm phổi, làm nặng thêm tình trạng bệnh hen sẵn có, viêm tai giữa, rối loạn tiêu hóa, co giật do sốt, viêm não dẫn tới tử vong, đặc biệt là ở trẻ dưới 2 tuổi. Với những người có bệnh lý tim mạch (ngoại trừ tăng huyết áp đơn thuần) khi bị mắc bệnh cúm sẽ làm tăng các rối loạn chức năng hoạt động hệ tim, mạch máu; có nguy cơ nhồi máu cơ tim tăng 2-3 lần. Với bệnh nhân hen/suyễn và viêm phổi mạn, mắc cúm là nguyên nhân gây khởi phát các cơn hen cấp tính với tỷ lệ rất cao, đặc biệt ở bệnh nhân là trẻ em và người cao tuổi.
PV: Theo PGS, làm thế nào để phòng tránh tối đa nguy cơ bị nhiễm cúm, đặc biệt là những người có nguy cơ cao như đã nói ở trên?
PGS. TS. Đỗ Sỹ Hiển: Để phòng chống bệnh cúm, ngoài các biện pháp giám sát dịch tễ học chặt chẽ để phát hiện sớm người bệnh, vệ sinh cá nhân, cách ly người bệnh và sử dụng các trang bị phòng hộ cá nhân khi tiếp xúc bệnh nhân thì biện pháp sử dụng văc-xin phòng cúm là biện pháp chủ động và mang lại hiệu quả cao nhất cho cộng đồng.
Các đối tượng nguy cơ cao cần được tiêm vắc-xin cúm hàng năm vào trước mùa dịch, trước tiên là người cao tuổi và trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi, đặc biệt từ 6 tháng đến 2 tuổi. Đây là những đối tượng được đặc biệt quan tâm để tiêm vắc-xin ở nhiều nước. Nhiều nghiên cứu cho thấy ở trẻ em bị hen/suyễn việc tiêm ngừa cúm sẽ giúp phòng ngừa được 59-78% các đợt hen cấp tính nặng phải nhập viện.
Các chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về SKCĐ thăm và làm việc tại một điểm tiêm chủng.
|
Hiện nay đã có nhiều loại vắc-xin cúm. Vắc-xin cúm mùa hiện gồm 3 chủng cúm phổ biến là A/H1N1, A/H3N2, B. Ngoài ra còn có vắc-xin phòng cúm gia cầm A/H5N1 và cúm gây đại dich A/H1N1. Ngoài việc làm cho cộng đồng có hiểu biết đầy đủ về tác dụng tiêm vắc-xin phòng cúm mùa cho các đối tượng nguy cơ cao, cần làm tốt công tác truyền thông để mọi người tự giác tham gia tiêm phòng khi có dịch, đặc biệt các đợt dịch nguy hiểm do cúm gia cầm A/H5N1 và cúm gây đại dịch A/H1N1.
Vắc-xin phòng cúm mùa an toàn và có hiệu lực bảo vệ rất cao đến 80-90%, tuy nhiên do hiệu lực bảo vệ ngắn chỉ 1 năm và chủng cúm biến đổi hàng năm nên việc tiêm vắc-xin cho các đối tượng nguy cơ cao cần được tiêm hàng năm và theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất và các cơ sở y tế. Việc tiêm vắc-xin cúm một cách rộng rãi cả cho các khu công nghiệp, nơi tập trung đông người như trường học, doanh trại… không những làm giảm rõ rệt tỷ lệ mắc bệnh mà còn làm giảm tỷ lệ tử vong do cúm và mang lại lợi ích kinh tế rõ rệt do giảm được chi phí điều trị, nhân lực và tăng năng suất lao động .