Trang chủ » Phổ biến kiến thức » Phòng và chữa bệnh » Đột quỵ – nguyên nhân gây tàn phế hàng đầu

Đột quỵ – nguyên nhân gây tàn phế hàng đầu

Đột quỵ là gì?

BS Nguyễn Đình Quang, Phó trưởng khoa nội thần kinh, nội tiết, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho biết: Theo điều tra của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 ở các nước phát triển và là nguyên nhân gây tàn phế hàng đầu. Đột quỵ còn là tình huống cấp cứu về thần kinh thường gặp nhất.

Đột quỵ (hay còn gọi là tai biến mạch máu não) xảy ra khi một phần não bộ bị tổn thương đột ngột do mất máu nuôi não vì bị tắc mạch máu hoặc vỡ mạch máu não. Nếu mạch máu bị tắc, các tế bào não không được cung cấp đủ oxy dẫn đến tế bào ngưng hoạt động và sau đó là chết tế bào. Phần nào của não bị tổn thương thì phần cơ thể tương ứng do nó điều khiển sẽ không hoạt động được, biểu hiện bằng liệt nửa người, tê và mất cảm giác nửa người, nói khó hoặc không nói được, hoặc hôn mê…

Đột quỵ gồm hai loại chính là thiếu máu não và xuất huyết não. Thiếu máu não do mạch máu não bị tắc kéo dài làm tế bào não thiếu máu nuôi và hoại tử, chết đi. Xuất huyết não do mạch máu trong não bị vỡ, máu không đến nuôi tế bào não được mà chảy tràn ra chèn ép vào các vùng não khác làm não bị hư hại.

Các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ

– Tiền sử gia đình bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim hoặc bị cơn thiếu máu não thoáng qua.

– Tuổi càng lớn nguy cơ đột quỵ càng cao. Tuy nhiên, những năm gần đây độ tuổi bị đột quỵ đang trẻ hóa dần, từ 40 – 45 tuổi so với ngoài 60 tuổi như trước đây. Đặc biệt, có những bệnh nhân mới 20-30 tuổi và tập trung nhiều ở các thành phố lớn. Người bệnh có nếp sống công nghiệp, sử dụng bia, rượu cộng với thức ăn chứa nhiều dầu, mỡ, như: phô-mai, lòng đỏ trứng, thịt, lạp xưởng và các chất béo khác được sử dụng quá nhiều chính là một trong những yếu tố dẫn đến nguy cơ bị đột quỵ.

– Giới tính: Nam giới bị nhiều hơn nữ giới.

– Đối tượng có nguy cơ bị đột quỵ cao, như: người có tiền sử tăng huyết áp, bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch, tăng mỡ trong máu, nghiện rượu và thuốc lá, béo phì, ít vận động, dùng thuốc ngừa thai (đặc biệt thuốc có nồng độ Estrogen cao).

Các dấu hiệu nhận biết đột quỵ

Triệu chứng xuất hiện đột ngột và diễn tiến phụ thuộc vị trí và mức độ phần não bị hư hại. Các triệu chứng thường gặp là:

– Đột ngột có cảm giác tê, yếu, liệt ở mặt, tay, chân, méo miệng.

– Đột ngột không nói được, giọng nói bị thay đổi, nói nhảm, nói những từ vô nghĩa, không hiểu lời nói.

– Đột ngột mất thị lực, đặc biệt là mất thị lực ở một bên.

– Đột ngột đau đầu dữ dội, chóng mặt, mất thăng bằng, không đi được.

– Đột ngột hôn mê, mất ý thức.

Thời gian vàng trong cấp cứu bệnh nhân bị đột quỵ

Bác sĩ Quang cho biết: “Ba giờ đầu tiên khi bệnh nhân bị đột quỵ được xem là thời gian vàng trong trường hợp nhồi máu não (mạch máu não bị tắc), các bác sĩ có thể cấp cứu bằng cách tiêm thuốc làm tan cục máu đông ở mạch máu  não để hạn chế não bị tổn thương ở mức độ thấp nhất. Trường hợp cấp cứu trễ sau 3 giờ thì não bị tổn thương nhiều và để lại những di chứng nghiêm trọng như liệt tay chân, liệt nửa người, liệt toàn thân, hôn mê, thậm chí tử vong”.

Nếu được điều trị sớm, kịp thời ngay sau khi bệnh khởi phát, những bệnh nhân đột quỵ có thể phục hồi chức năng vận động và rất nhiều chức năng quan trọng khác của não bộ. Vì vậy, khi thấy người thân có những dấu hiệu bị đột quỵ, người nhà cần nhanh chóng đưa người bệnh tới ngay bệnh viện chuyên khoa để tận dụng thời gian vàng của não, không nên sơ cứu tại nhà hay áp dụng bất kỳ một phương pháp dân gian nào điều trị.

Làm thế nào để phòng ngừa đột quỵ?

Bác sĩ Quang khuyến cáo, cách phòng ngừa đột quỵ và tránh tái phát là phải kiểm soát được các yếu tố nguy cơ của bệnh đột quỵ, như:

– Theo dõi huyết áp định kỳ (mức lý tưởng cho mọi lứa tuổi là không quá 130/80 mmHg). Nếu bị bệnh tăng huyết áp thì cần uống thuốc chữa huyết áp hàng ngày để giữ huyết áp ổn định, kết hợp chế độ ăn giảm muối. Tránh chữa tăng huyết áp theo kiểu khi nào thấy mệt, nhức đầu mới uống thuốc.

– Nếu bị tiểu đường, phải kiểm soát tốt đường huyết bằng chế độ ăn (hạn chế đường, giảm tinh bột, ăn nhiều rau, ít béo) uống thuốc hoặc tiêm Insulin theo chỉ định của bác sĩ; tái khám và xét nghiệm máu định kỳ.

– Nếu tăng cholesterol máu (mỡ trong máu) thì phải kiểm soát cholesterol bằng chế độ ăn và dùng thuốc hạ lipide máu (nếu cần).

– Bỏ thuốc lá, hạn chế bia rượu, điều trị bệnh tim nếu có.

– Tăng cường tập thể dục, giảm cân, hạn chế stress.

Gửi thảo luận