Trang chủ » Phổ biến kiến thức » Phòng và chữa bệnh » Phòng ốm lúc giao mùa

Phòng ốm lúc giao mùa

Cúm hoành hành

Theo các chuyên gia: Sở dĩ nhiều người dễ mắc bệnh là do không khí giao mùa khô hơn nên niêm mạc hốc miệng, mũi dễ bị khô, khiến dịch nhầy dễ đông vón, gây chảy máu cam, viêm mũi cấp và mãn tính. Cảm cúm cũng hay gặp, có thể biến chứng sang viêm họng – sốt.

Bác sĩ Trung Anh (Viện Lão khoa TƯ) chia sẻ: Thời điểm giao mùa, người già cũng dễ phát chứng đau khớp và khớp cấp tính. Nhiều người cao tuổi nhập viện do các bệnh về đường hô hấp, tim mạch (như viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, hen, tăng huyết áp…) Nguyên nhân có thể do tập thể dục sáng sớm hoặc quá khuya khi nhiệt độ xuống thấp, nhiều sương, lại hay có mưa nhỏ… nên bị nhiễm lạnh, viêm phổi. Thậm chí có người bị đột quỵ với các triệu chứng tức thời như nói ngọng, cấm khẩu, méo mồm.

Giao mùa có 3 loại virus cúm A, B, C nếu bùng phát mạnh sẽ gây bệnh viêm đường hô hấp cấp, trong đó cúm A dễ tạo thành dịch. Dạng cúm B còn biểu hiện giống viêm ruột thừa, nhiễm trùng và các virus còn làm tăng nặng bệnh viêm phế quản mạn tính, hen. Khi biến chứng, bệnh có thể gây viêm xoang cấp, viêm tai giữa…Nhóm bệnh lý tiêu hóa như tiêu chảy cấp cũng dễ gặp. Nhiều người cơ thể dễ bị nhiệt, với triệu chứng tim đập nhanh, người nóng bừng, miệng và môi khô, bồn chồn, nghiêm trọng hơn là bị loét miệng, viêm họng… ảnh hưởng đến ăn uống. Trong không khí, môi trường xuất hiện nhiều dị nguyên mới (phấn hoa, bụi…) gây viêm da dị ứng, mề đay, viêm kết mạc mắt (đau mắt đỏ), hen phế quản, viêm tiểu phế quản… Mùa này dễ bị ký sinh trùng và muỗi đốt bị sưng đỏ tấy, ngứa, nếu gãi loét da sẽ bị nhiễm khuẩn, mưng mủ…

Cách phòng tránh 

Theo PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng: Một số bà mẹ thấy con ho, sốt hay mang đơn thuốc cũ ra hiệu thuốc mua về cho uống- việc này rất nguy hiểm vì biểu hiện bệnh có thể giống nhau, nhưng gốc bệnh lại khác và chỉ bác sĩ mới phân biệt được để quyết định nên hay không nên cho uống kháng sinh với liều lượng, thời gian cụ thể.

Hay một số bà mẹ cứ nghĩ con bệnh nhẹ, tự chữa ở nhà, đến khi không khỏi mới đi khám thì trẻ đã viêm phế quản, viêm phổi. Đặc biệt trẻ dưới 6 tháng tuổi còn non nớt, bệnh sẽ chuyển nặng nhanh nếu không chữa trị sớm. “Mọi người cần biết là mỗi loại thuốc chỉ phù hợp với từng loại bệnh, thể trạng mỗi người và cần được bác sĩ khám và chỉ định mới dùng thuốc, nhất là kháng sinh. Không nên dùng đơn thuốc cũ, hay tự ý mua thuốc cho con uống, bởi mỗi đơn chỉ có giá trị cho một lần khám, chữa và cũng chỉ trong một thời gian nhất định”- BS Tiến Dũng nói.

Nếu trẻ sốt cao cần hạ sốt đúng cách (cho uống thuốc hạ sốt, làm mát), cặp nhiệt độ theo dõi sát và nên đưa đi bệnh viện. Trẻ sơ sinh và những trẻ biếng ăn kéo dài, sức đề kháng giảm sút nên rất dễ lây bệnh, diễn biến xấu nhanh, khó lường. Với trẻ dưới 6 tháng tuổi nếu thấy bú ít hơn, khóc khi bú hoặc bé thở nhanh, ngực lõm hơn bình thường, đầu gật gù, ngủ li bì thì cần đưa đi viện ngay. Đặc biệt cảnh giác khi trẻ sốt cao (do triệu chứng ban đầu của sốt virus khá giống với sốt xuất huyết, viêm não)… nên khi thấy trẻ sốt cao đột ngột phải đưa đi viện để được phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.

Với cảm cúm không tự tiện uống kháng sinh vì vừa không khỏi, vừa có thể gây phản ứng phụ nguy hiểm. Virus cúm biến đổi nhanh, người dễ mắc (người già, trẻ em), do đó cần bổ sung vitamin C, kẽm cho cơ thể để phòng ngừa. Để tránh viêm phổi, người già – trẻ em cần giữ ấm, tránh lạnh, ẩm, gió lùa… nếu thấy ho – sốt kéo dài, khó thở… phải đi khám sớm.

Vấn đề vệ sinh răng miệng cũng cần được lưu ý, đặc biệt với trẻ em.  Nên tăng cường ăn các món canh từ hẹ, rau quả nhiều vitamin C (cam, chanh, quít, bưởi, su hào, giá đậu…). Trẻ em có thể dùng lá húng chanh 2-3 lá/ngày hấp với đường phèn (mật ong) cho uống hàng ngày. Người dễ bị cảm thì nên ăn món hành nấu đậu phụ rất có hiệu quả. Gừng tươi giã nát, pha nước ấm uống sẽ giảm buồn nôn, tiêu chảy và làm ấm người. Súp gà và đồ uống nóng (sữa, trà) tăng sự bài tiết của mũi, giảm triệu chứng cảm cúm.
 

Gửi thảo luận