Trang chủ » Phổ biến kiến thức » Dinh dưỡng - Sức khoẻ » Những điều chưa biết về cà pháo

Những điều chưa biết về cà pháo

Mô tả
Đông y gọi quả cà là di tử hay giả tử, ải qua.
Dân gian còn gọi là cà ghém, cà pháo, cà muối.
Cà pháo còn gọi là cà gai hoa trắng, tên khoa học là Solanum torum. Nó là cây nhỏ, lá xẻ thùy nông, có gai. Hoa màu trắng, quả màu trắng đổi màu vàng khi chín. Toàn cây đều có thể dùng làm thuốc.

Cà pháo thường được dùng trị đau cả vùng thắt lưng, té ngã tổn thương; đau dạ dày, đau răng; bế kinh; ho mãn tính. Dùng 10 – 15g rễ, dạng thuốc sắc.
100g cà pháo cung cấp 1,5g protein (có đủ các acid amin cần thiết cho cơ thể), 12mg canxi, 0,7mg sắt, 18mg magiê, 16mg phospho, 221g kali, 0,3mg kẽm. Ngoài ra nó còn chứa cả đồng và selen là các vi khoáng quý. Nhiều loại vitamin như tiền vitamin A, vitamin C (3mg/100g), vitamin B1, B2, PP cũng có trong cà pháo. Riêng phần hạt cà đúng là có nhiều sợi lông nhỏ nên có thể là nguyên nhân gây ho. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào công bố về tác hại này. Lượng sitosterol không đáng lưu tâm nhưng lại có solanin độc. Quả cà chưa chín có nhiều solanin hơn quả chín.
Quả cà xanh có thể luộc ăn, làm nộm, ăn xào. Quả già dùng muối xổi để ăn dần; nếu muối mặn để được hằng năm, ăn giòn như nổ trong miệng.
Quả cà cắt miếng ăn sống như rau, chấm mắm tôm hay mắm ruốc: quả cà giòn tan, nhai sồn sột kèm với mắm mặn rất khoái khẩu nhưng cần cẩn thận, ăn nhiều có thể bị nhức mỏi do solanin độc. Trong “Hải Thượng Y tông tâm lĩnh” có ghi rằng: không nên ăn nhiều cà sống.
Cà pháo muối được ưa chuộng hơn món cà sống. Ngâm quả cà vào vại nước muối phải nén vỉ thật chặt, không để quả cà nổi lên, cho nên gọi là cà nén và có câu “trẻ muối cà, già muối dưa”. Cà muối xổi chỉ vài ngày là ăn được, ăn cà muối không bị nhức mỏi, có lẽ muối chua làm giảm độc tính.
Nhiều người cho rằng, cà ăn nhiều sẽ gây ra thấp nhiệt, vì thế người nào có “gốc” trường vị bị “thấp nhiệt” không dám ăn cà nhiều. Tuy nhiên, ăn cà gây ra thấp nhiệt có thể do những món gia vị như: đậu xị, ớt, củ hành… Những món gia vị này, bất luận nấu với cà hoặc là nấu với những loại thịt khác, nếu dùng quá nhiều đều có thể gây ra thấp nhiệt.
Một số dân ở thôn quê khi ăn cà thường đem cắt thành miếng, đựng trong dĩa, lúc nấu cơm để vào hấp, khi chín rồi nêm thêm chút gia vị, cách làm này không những có thể giữ được mùi vị nguyên chất của cà mà khi ăn còn ngon hơn các cách nấu khác, cho dù ăn nhiều cũng không ảnh hưởng đến trường vị thấp nhiệt.
Người Nhật ăn cà, thường ăn sống, đem xắt thành miếng ướp với muối độ ba tiếng đồng hồ, rồi thêm gia vị dùng làm món ăn. Họ cho rằng ăn như vậy sẽ có ích cho trường vị,  chất nước của cà, ăn sống lại càng có công hiệu giải độc.
Trong Trung dược học bản thảo có ghi: “Cà có thể chống sưng, cầm đau, làm tan máu bầm, trừ hàn nhiệt và ngũ tạng lao”.
Những công dụng
Trị đại tiện ra máu, tiểu ra máu, chứng thổ huyết (ói ra máu): lấy cà pháo phơi khô, đem nướng cháy, nghiền thành bột để uống, có hiệu quả khá tốt.
Trị đại, tiểu tiện gây chảy máu: cà pháo già sao vàng, tán mịn, mỗi lần dùng 8g, hòa với nước, dấm loãng để uống, ngày 3 lần. Hoặc dùng rễ và cây cà khô 40g sắc uống.
Trị đại tiện ra máu lâu ngày không khỏi: sách thuốc của Trung Quốc có thuật lại cách dùng cà pháo để trị như sau: dùng vài mảnh giấy tập học trò, đem nhúng nước và gói trái cà lại, cho vào miệng dưới của ống lò, nướng cho chín (tức là đợi khi các mảnh giấy đều cháy hết cả), lấy ra lột sạch bên ngoài, chấm với gia vị để ăn.
Trị tỳ vị suy yếu, ăn uống kém: quả cà tươi 250g nấu lên ăn cùng với một số thực phẩm khác theo thói quen như: thịt heo, rau tía tô, hành tỏi, ngò tàu… liên tục trong mấy ngày, có công năng kiện tỳ, hòa vị; thích hợp chữa trị các chứng bệnh vận hóa của tỳ vị kém (ăn uống khó tiêu, đại tiện phân sống…).
Trị khó tiểu: nước hãm lá tươi cà dại hoa trắng, phối hợp với cành lá của cây đơn buốt.
Trị đau răng, viêm lợi: quả cà muối lâu năm, đốt tồn tính, xát than này vào răng, lợi.
Trị đau răng, răng lung lay, nha chu viêm: núm cà pháo 1kg, ngâm 1 lít nước muối (100g muối cho 1 lít nước), ngâm một đêm. Sáng ra vớt ra để khô, sao cho khô, tán thành bột. Dùng để xát vào răng. Đây là kinh nghiệm của Ohsawa dựa trên nguyên lý điều chỉnh âm – dương, trong đó, núm cà (âm), muối (dương), ngâm nước (âm), sao khô (dương). Làm thành bột (có âm + dương), trên lâm sàng chúng tôi nhận thấy có kết quả khá tốt.
Trị ho lâu năm không khỏi: cà pháo tươi 30 – 60g nấu chín, cho mật ong vừa đủ, nấu lại, ngày ăn 2 lần.
Đây là kinh nghiệm của Trung Quốc dù kinh nghiệm của Việt Nam lại cho rằng khi ho không ăn cà, nhưng có lẽ cà đã được nấu chín và thêm mật ong sẽ không lo bị lạnh bên trong khi dùng, cho nên có thể dùng trị ho vẫn có kết quả.
Trị mụt nhọt đau đớn khó chịu: trái cà pháo tươi giã nát, cho vào một ít đường đắp ngay chỗ đau, có thể chống sưng, cầm đau nhức.
Trị sâu bọ, kiến cắn mà làm độc: trái cà pháo tươi, giã nát đắp vào có thể chống sưng và không làm mủ.
Trị đinh nhọt và viêm mủ da: giã lá tươi và đắp vào chỗ đau.
Trị ong (vò vẽ) đốt, nứt nẻ ở bàn chân, kẽ chân: quả giã nát với lá lốt, lấy nước bôi.
Trị nhọt lở loét: tai quả cà nấu uống rất tốt.
Trị chân tay bị nứt nẻ và giá lạnh: dùng rễ và cây cà khô nấu nước ngâm rửa.
Ở những vùng thường xuyên bị bão lụt, người ta muối cà pháo mặn cả vại để làm thực phẩm dự trữ. Cà muối này rất mặn, cần ngâm nước lâu để sả bớt vị mặn. Cà này mặn tới độ một miếng cà, ba chén cơm và cà Nghệ An càng mặn càng ngon!
Lưu ý:
Theo Đông y, cà pháo có tính hàn (thậm chí rất hàn), vì vậy kiêng dùng đối với người hư hàn, thận trọng khi phối hợp với các thức ăn hàn, nên ăn kèm các gia vị có tính ôn như: tỏi, ớt, sả… người mới đau dậy, suy nhược không nên ăn cà, cà không nên ăn sống.
Cà pháo tính hàn, hơi độc, ăn nhiều có thể bị đau bụng và sinh cố tật cho nên người xưa thật có lý khi nói rằng một quả cà, ba chén thuốc.
Người bị bệnh tăng nhãn áp không dùng.
Cây cà gai hoa tím có hình dáng tương tự như cây cà gai hoa trắng, chỉ khác là hoa màu tím. Quả màu vàng đổi sang màu đỏ khi chín. Quả này không ăn. Đã có khá nhiều trường hợp ngộ độc do nhầm lẫn với loại trên.
Dân gian thường nói: “Một quả cà bằng 3 thang thuốc”, có lẽ chỉ hợp với cà sống (chưa chín) vì trong cà sống có solanin độc. Quả cà chưa chín có nhiều solanin hơn quả chín. Kinh nghiệm lâm sàng cho thấy ăn cà muối không bị nhức mỏi, có lẽ muối chua làm giảm độc tính.


Gửi thảo luận