Phần lớn trẻ em đều mắc phải các bệnh dị ứng khi chúng chơi đùa cùng nhau trong trường học, công viên hay tại nhà. Trẻ em dễ mắc những căn bệnh dị ứng vì chưa hiểu được nguy cơ lây bệnh, lại có xu hướng tò mò, nếm thử mọi thứ xung quanh, vô tư lau chùi mũi, vọc đất cát rồi bóc thức ăn bằng tay… Chính vì vậy, bạn cần dạy cho trẻ biết cách giữ vệ sinh và không để chúng gặm nhấm những đồ vật dơ, bẩn.
Triệu chứng của dị ứng
Cảm giác ngứa bên trong và xung quanh khu vực mũi chính là một trong những dấu hiệu đầu tiên của bệnh này. Ngoài ra, trẻ có thể bị chảy nước mũi, xuất hiện tình trạng xung huyết ở ngực, khó thở, hắt hơi thường xuyên, ho liên tục, thở bằng đường miệng kèm theo tình trạng mắt đỏ và chảy nước.
Nếu những triệu chứng trên tồn tại trong nhiều tuần, có thể khẳng định chắc chắn rằng trẻ đang mắc bệnh dị ứng. Những căn bệnh này nếu không được chẩn đoán đúng có thể dẫn thới những biến chứng phức tạp hơn như viêm xoang hay nhiễm trùng tai.
Trong những trường hợp đặc biệt, nếu thường xuyên bị dị ứng, trẻ có thể bị mất thính giác hoặc mắc các bệnh hen suyễn, chàm.
Nguyên nhân dị ứng
Hầu hết các nguyên nhân gây dị ứng phổ biến là bụi, những mùi mạnh, một số loại thực phẩm, lông vật nuôi, nấm mốc và những chất liệu của quần áo như sợi len. Các dung dịch vệ sinh cá nhân hay chất tẩy rửa như xà bông, dầu gội, sữa tắm… cũng có thể gây dị ứng. Một số người, đặc biệt là trẻ dưới bảy tuổi, có khuynh hướng bị dị ứng ở da do sự phản ứng của cơ thể với những hóa chất được sử dụng hàng ngày. Một yếu tố khác gây dị ứng là do di truyền. Nếu cha mẹ mắc một bệnh dị ứng nào đó thì con của họ cũng có khả năng mắc bệnh này.
Mặc dù xác định được nguyên nhân gây bệnh nhưng các bệnh dị ứng không thể tự khỏi, ngoại trừ những trường hợp dị ứng với thực phẩm.
Chẩn đoán dị ứng
Cách tốt nhất để xác định các chất có thể gây dị ứng là xét nghiệm máu. Tuy nhiên, những xét nghiệm kiểu này đã được chứng minh là chỉ có hiệu quả ở những trẻ từ ba tuổi trở lên.
Đối với những trẻ nhỏ hơn, cách duy nhất để xác định tác nhân gây dị ứng là tìm hiểu nguyên nhân, thời gian tồn tại, mức độ thường xuyên và xem xét liệu tình trạng dị ứng có xảy ra theo mùa hoặc có liên quan đến thời tiết hay không… để có kết luận chính xác nhất.
Việc theo dõi và ghi lại những lần trẻ bị dị ứng có thể giúp bác sĩ xác định được chính xác loại dị ứng mà trẻ đang mắc phải.
Ngăn ngừa
– Một số quan niệm phổ biến trong cuộc sống hàng ngày có thể giúp làm giảm những khó chịu cho trẻ đang bị dị ứng. Chẳng hạn như mặc quần áo có chất liệu cotton tự nhiên, không sử dụng mền làm từ các loại sợi vải có thể gây dị ứng như len…
– Hạn chế ăn uống ở bên ngoài cũng sẽ làm giảm bớt nguy cơ bị dị ứng thức ăn do đồ ăn đường phố không đảm bảo vệ sinh, thường sử dụng nhiều chất hóa học và chất bảo quản.
– Giữ nhà cửa luôn sạch sẽ, lau chùi bụi bẩn thường xuyên, sử dụng khăn ẩm khi vệ sinh thảm chùi chân và màn cửa để bụi không “tung bay” mịt mù trong nhà, không nuôi các loại vật nuôi như chó, mèo… sẽ giúp hạn chế được phần lớn nguy cơ bị dị ứng khi trẻ ở trong nhà.
– Giữ vệ sinh và dạy trẻ biết cách giữ gìn vệ sinh, đặc biệt là đôi tay – bộ phận thường xuyên tiếp xúc với nhiều thứ có khả năng lây nhiễm bệnh.
Chăm sóc trẻ kỹ hơn trong giai đoạn chuyển mùa hoặc khi thời tiết thay đổi nhằm tăng sức đề kháng, giúp trẻ chống chọi được với các tác nhân gây dị ứng do thời tiết.