Trang chủ » Phổ biến kiến thức » Sử dụng thuốc an toàn » Không lạm dụng thuốc Paracetamol

Không lạm dụng thuốc Paracetamol

Rước họa vì "tự làm bác sĩ”

 
BN N.V.B (21 tuổi, sinh viên ĐH Kinh tế quốc dân) và T.T.H (32 tuổi, ở tập thể Thành Công 2, Hà Nội) được đưa vào Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai trong tình trạng huyết áp tăng 150 – 190/120 mmHg kèm theo đau đầu, đau ngực, buồn nôn, giật cơ, mạch chậm, rối loạn điện tim… Cả hai đã bị ngộ độc sau khi dùng liền một lúc 4 viên Paracetamol. Một số người cũng phải cấp cứu tại Trung tâm Chống độc sau khi lạm dụng thuốc Paracetamol do muốn hết hắt hơi, đau họng, đau nhức toàn thân.
 
TS Phạm Duệ – Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho biết: Paracetamol thường được đưa ra thị trường dưới dạng bào chế phối hợp với một số chất kháng histamin, chất chống dị ứng, giảm ho mà người dân hay gọi là thuốc cảm như các biệt dược Tiffi, Decolgen, Pamin, Acemol, Rhumenol…  Chỉ riêng với Paracetamol, trên thị trường đã có hơn 100 biệt dược khác nhau có chứa thành phần là thuốc. Việc tồn tại nhiều biệt dược chữa cảm cúm như trên cùng với việc mua bán dễ dàng, không cần đơn của bác sĩ, đã dẫn tới hiện tượng người dân tự mua và dùng cùng lúc nhiều thuốc có thành phần giống nhau hoặc dùng quá liều một loại thuốc, nên bị ngộ độc. Thống kê tại Trung tâm chống độc 2 năm gần đây cho thấy: Tình trạng ngộ độc thuốc cảm cúm Paracetamol tăng đột biến, đứng thứ 2 sau ngộ độc thuốc ngủ và an thần. Chỉ trong 1 năm, BV Nhi Trung ương tiếp nhận 7 trường hợp ngộ độc cấp thuốc Paracetamol, trong đó 4 ca tử vong.
 
Được biết, hằng năm tại Australia có gần 130 trường hợp phải vào viện cấp cứu vì ngộ độc thuốc Paracetamol, trong đó 4 ca tử vong. Trước tình hình đó, từ năm 2004, Bộ Y tế Australia cho dừng việc bán Paracetamol trong lọ thay thế bằng trong vỉ. Paracetamol chỉ được bán trong hiệu thuốc tây, không bán tràn lan. Theo thống kê, tại Mỹ mỗi năm có khoảng 110.000 trường hợp ngộ độc cấp Paracetamol, 210 người tử vong. Hầu hết BN vào viện khi gan đã bị tổn thương, rối loạn đông máu, suy gan, thận. Nhiều trường hợp suy đa tạng.
 
Để ngăn chặn tình trạng lạm dụng thuốc Paracetamol, từ năm 1998 cơ quan Y tế Anh yêu cầu ngành dược giảm số lượng viên trong mỗi vỉ thuốc và in khuyến cáo trên vỏ hộp. Nhờ đó đến nay tỉ lệ người bị tử vong do Paracetamol đã giảm 21%, số người nhập viện vì hoại tử gan giảm 30%, số người dùng Paracaetamol quá liều và số người dùng thuốc này liều cao giảm 64%.
 
Giải ngộ độc Paracetamol, cách nào?
 
Nhằm giúp các BN ngộ độc Paracetamol sớm thoát khỏi cơn nguy hiểm, Trung tâm Chống độc Bạch Mai đã áp dụng kỹ thuật rửa dạ dày bằng than hoạt và dùng thuốc giải độc đặc hiệu N-acetyl cystein (NAC). Quy trình dùng thuốc áp dụng theo 2 dạng: đường uống và đường truyền tĩnh mạch. Chỉ định dùng NAC càng sớm càng tốt. Thuốc giải độc NAC đặc biệt có hiệu quả với những BN được đưa vào viện trong vòng 8 – 10 giờ sau dùng Paracetamol. Nếu điều trị sau 12 – 16 giờ thì hiệu quả giảm. Với cách làm này, thời gian qua Trung tâm đã sớm cứu sống nhiều trường hợp bị ngộ độc nặng thuốc Paracetamol.
 


Gửi thảo luận