Do có tác dụng kháng viêm mạnh nên thuốc không chỉ được sử dụng hiệu quả trong điều trị đau mắt đỏ và còn được dùng trong các bệnh như viêm kết mạc, viêm màng bồ đào, viêm thượng củng mạc, viêm bờ mi… Tuy nhiên nếu người bệnh dùng không đúng, lạm dụng thuốc hoặc dùng thuốc kéo dài sẽ gây ra tai biến do thuốc như dị ứng, làm trầm trọng thêm bệnh (Ví dụ, trường hợp bệnh nhân bị viêm loét giác mạc do nấm hay herpes, nếu nhỏ corticoid sẽ làm bệnh bùng phát và nặng thêm, gây biến chứng thủng giác mạc hoặc sẽ làm cho vết loét rộng ra, lâu làm sẹo và có thể dẫn đến thủng giác mạc, gây mù).
Đây còn là loại thuốc có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm. Nghiêm trọng nhất là nếu sử dụng lâu dài có thể dẫn đến đục thuỷ tinh thể (với biểu hiện nhìn mờ như qua một lớp sương, ra trời nắng thấy chói, thị lực giảm đi rất nhiều). Biến chứng đáng sợ của thuốc nhỏ mắt chứa corticoid là gây tăng nhãn áp, dẫn đến tổn thương thần kinh thị giác và gây giảm thị lực vĩnh viễn. Thường hiện tượng tăng nhãn áp không có triệu chứng gì, nhưng nó tiến triển âm ỉ cùng với thời gian nhỏ thuốc kéo dài của bệnh nhân, cho đến khi người bệnh thấy bị giảm thị lực là lúc bệnh đã ở giai đoạn rất nặng. Nếu bệnh nhân biết sớm, đến với bác sĩ nhãn khoa, họ sẽ được điều trị hạ nhãn áp bằng thuốc. Ngưng thuốc nhỏ mắt có corticoid thì nhãn áp sẽ trở lại bình thường. Trong trường hợp đến quá trễ thì chỉ còn cách phẫu thuật nhưng đôi khi cũng không cứu vãn được thị lực.
Một nghiên cứu về đánh giá kết quả phẫu thuật điều trị glocom do corticoid ở trẻ em mới đây của Bệnh viện Mắt Trung ương cho thấy, đa số trẻ em bị glocom do dùng corticoid kéo dài đến khám ở giai đoạn nặng với biểu hiện bệnh rầm rộ, nặng nề. Kết quả phẫu thuật chỉ bảo tồn được một phần chức năng thị giác và thị trường cho bệnh nhân. Một tỷ lệ không nhỏ bệnh vẫn tiếp tục tiến triển, tỷ lệ thành công sau phẫu thuật giảm dần theo thời gian. Tình trạng trên cho thấy dự phòng vẫn là biện pháp tốt nhất đối với bệnh glocom do corticoid.