Trang chủ » Danh y xưa và nay » Imhotep – Vị bác sĩ đâu tiên trong lịch sử thế giới?

Imhotep – Vị bác sĩ đâu tiên trong lịch sử thế giới?

Sống vào khoảng năm 2650 trước Công nguyên, Imhotep được biết đến là nhà kiến trúc sư, nhà thiên văn học, thầy tu nổi tiếng, cận thần của nhiều đời Pharaon và là tể tướng dưới thời Pharaon Zoser song ít ai biết rằng Imhotep còn là vị bác sĩ đầu tiên trong lịch sử Ai Cập cổ đại và thế giới.

Với rất nhiều đóng góp cho Ai Cập cổ đại, Imhotep là người đã viết nên cuốn sách đầu tiên liên quan đến y học của Ai Cập. Trong cuốn sách này, ông đã đề cập đến việc chữa trị các vết thương, gãy xương, thậm chí cả u nhọt… Ông được xem là người sáng lập nên y học Ai Cập.

Bằng nghiên cứu thiên văn học, Imhotep tin rằng các vì sao và các hành tinh có ảnh hưởng đến vận mệnh của con người. Và ông đã ứng dụng những hiểu biết trên mọi lĩnh vực của mình để thiết kế nên những công trình kiến trúc mà một trong những kiến trúc được coi là tuyệt tác có sự đóng góp của kiến trúc sư Imhotep là kim tự tháp Ai Cập. Cùng với nhiều cống hiến trong các lĩnh vực y học, Imhotep đã cứu chữa cho rất nhiều người và vào cuối thế kỷ ông sống, người dân Ai Cập đã tôn thờ Imhotep là vị thần và tạc tượng ông. Tuy nhiên, rất ít bức tượng của Imhotep còn được lưu giữ cho tới ngày nay.

Dưới thời Pharaon Djoser của Ai Cập – triều đại thứ 2 của Ai Cập cổ đại, Imhotep được biết đến với vai thầy tu tin cậy của nhà vua. Ông cũng là vị tể tướng đương triều quyền lực những năm 2630 – 2611 trước Công nguyên và phục vụ cho ít nhất 4 đời vua Ai Cập.

Imhotep sinh ở Ankhatowa – một làng mạc được hình thành từ rất sớm ở vùng ngoại ô Memphis – Ai Cập (một số sách viết rằng ông đến từ ngôi làng Gebelein – phía Nam thành phố Thebes, Ai Cập) còn có tên khác là Li-em-hotep, theo tiếng Ai Cập có nghĩa là người đến trong hoà bình. Cha ông là một kiến trúc sư có tên Kanofer, mẹ là một người phụ nữ xuất thân từ vùng Mendes tên là Khreduonkh. Khi trưởng thành, Imhotep cưới một người vợ có tên là Ronfrenofert và với sự thông minh, khả năng tính toán và năng khiếu của mình, sự nghiệp của ông nhanh chóng phát triển.

 
Khi trở thành thầy tu quyền lực nhất của Heliopolis (thời đó là trung tâm tín ngưỡng của Ai Cập), Imhotep đã thiết kế rất nhiều công trình kiến trúc cho Ai Cập và là kiến trúc sư nổi tiếng với công trình kim tự tháp Step – ngôi mộ dành riêng cho vua Djoser ở Saqqara. Ngoài ra, Imhotep còn góp mặt trong nhiều công trình kiến trúc khác song chưa kịp hoàn thành, trong đó có kim tự tháp Sekhemkhet và đền thờ Edfu nổi tiếng nằm trong thung lũng các vị vua.

Các công trình đồ sộ của Ai Cập hầu hết được xây dựng bằng đá. Việc làm sao những người tham gia công việc xây dựng thời đó có thể vận chuyển, sắp xếp các khối đá khổng lồ này vẫn còn là điều bí ẩn đối với nhân loại. Điều duy nhất mà người ta có thể khẳng định được là những người đã thiết kế và tham gia vào quá trình xây dựng các kim tự tháp cổ của Ai Cập phải là những người có trình độ cao về kiến trúc xây dựng. Những công trình kim tự tháp đồ sộ ở Ai Cập đã phản ánh một nền văn minh sông Nin từng phát triển hết sức rực rỡ.
 

Ở các lĩnh vực khác, trong đó phải kể đến y học, Imhotep đặc biệt được nhắc đến như là vị bác sĩ đầu tiên trong lịch sử Ai Cập. Ông đã từng được biết đến là tác giả của nhiều phương pháp chữa trị vết thương và là người phát minh ra loại giấy viết đầu tiên của Ai Cập – giấy Papyrus. Trên loại giấy này, Imhotep đã ghi lại hơn 90 thuật ngữ liên quan đến giải phẫu sinh vật và mô tả lại cách chữa trị hơn 48 loại thương tích, bệnh lý.
 
Vào thời kỳ đỉnh cao trong sự nghiệp y học, Imhotep là người đã lập ra trường học chuyên dạy các cách thức chữa trị vết thương đầu tiên tại Memphis, Ai Cập. Trường học về y học của Imhotep cùng với nơi thờ cúng mang đậm chất văn hoá tín ngưỡng của Ai Cập cổ đại do Imhotep lập nên đã tồn tại và phát triển trong hàng nghìn năm. Theo ghi chép còn lưu lại, tất cả những sự kiện có liên quan đến quá trình nghiên cứu về y thuật của Imhotep đều diễn ra từ 2200 năm trước khi cha đẻ của ngành y học phương Tây – Hippocrates được sinh ra.
 
Nghiên cứu về lịch sử Ai Cập cổ đại và những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Ai Cập, nhà sử học William Osler cho biết: Lần đầu tiên trong lịch sử, nhân loại được biết đến một người đã nghiên cứu về y thuật từ hơn 2000 năm trước. Trong quá trình tiến hành y thuật của mình, Imhotep đã chẩn đoán và chữa trị khoảng 200 loại bệnh, trong đó khoảng 15 bệnh liên quan đến dạ dày, đường ruột, 11 bệnh về bàng quang, 10 bệnh liên quan đến trực tràng, 29 bệnh về mắt, 18 loại bệnh về da, tóc, móng và lưỡi.
 

Đặc biệt, vào thời đó, Imhotep đã từng nghiên cứu và chữa trị cả những căn bệnh phức tạp hơn các thương tích, nhiễm trùng thông thường như: lao phổi, sỏi mật, viêm ruột thừa, gút và viêm khớp. Giáo sư Osler còn phát hiện ra rằng mặc dù thời đó y học chưa xuất hiện, song người Ai Cập cổ đã rất am hiểu về giải phẫu sinh vật

Chính cách ướp xác và bảo quản các bộ phận xác ướp của người Ai Cập cổ đã chứng minh trình độ hiểu biết về giải phẫu sinh vật của những người thời đó. Một trong những người có cống hiến rất quan trọng vào sự phát triển của qui trình giải phẫu và ướp xác của Ai Cập thời cổ đại đó chính là Imhotep. Vị thầy tu quyền lực của Ai Cập không chỉ tinh thông thiên văn, kiến trúc, mà còn rất am hiểu về giải phẫu. Imhotep biết rất rõ vị trí các cơ quan nội tạng trong cơ thể cũng như cấu tạo và cơ chế hoạt động của hệ tuần hoàn.
 
Chính ông đã tiến hành nhiều ca giải phẫu trên xác ướp và làm công việc của một nha khoa. Trong các tài liệu cổ được tìm thấy tại Ai Cập có ghi chép lại rằng: Ông cũng am hiểu cả về dược học và đã tự mình chiết xuất thuốc chữa bệnh từ các loại cây. Minh chứng cho sự kiện này là việc người dân Ai Cập tôn thờ Imhotep như một vị thần, đền thờ của ông từng là trung tâm truyền dạy về y thuật cho các tín đồ và những người tôn thờ ông.
 
100 năm sau khi ông qua đời, Imhotep đã được tôn lên như một vị thần y thuật của Ai Cập, khoảng 2000 năm sau khi ông chết, vị trí của Imhotep đã thay thế cả Nefertum trong bộ ba thần được thờ ở Memphis, Ai Cập và cái tên Imhotep có mối quan hệ gắn chặt với những tên thần Thoth – vị thần của sự thông thái, học vấn, Ibises. Ông là một trong số rất ít nhân vật được tạc tượng thánh sau khi chết. Imhotep qua đời dưới thời trị vì của Pharaon Huni – triều đại cuối cùng của Ai Cập cổ đại. Nơi chôn cất thi hài của Imhotep được đặt tại Saqqara, Ai Cập, song cho tới nay, không ai thực sự biết vị trí chính xác ngôi mộ của ông.



 

Gửi thảo luận