Bệnh lậu do song cầu khuẩn lậu Neisseria gonorrhioeae. Xưa các thầy thuốc Hy Lạp gọi là “bệnh của thói ăn chơi trác táng”, nay xếp vào nhóm lây truyền qua đường sinh dục. Bệnh có từ hàng ngàn năm trước, tăng cao trong 2 cuộc thế chiến; có thời kỳ giảm do sự ra đời của penicilline (1950 – 1960); khoảng 4 – 5 thập kỷ cuối thế kỷ 20 lại tăng lên. Từ 1950 – 1971, tăng gấp 2 lần ở Anh, 3 lần ở Mỹ 4 lần ở Thụy Điển, Na Uy; từ 1976 – 1998 riêng ở nước ta (thống kê chưa đầy đủ) tăng gấp 2,5 lần (2.678 lên 6.859 người mắc). Tuy nhiên, từ những năm cuối thập kỷ 20, do việc mở rộng dùng bao cao su (chống nhiễm HIV) mà theo đó bệnh lậu có chiều hướng giảm, chẳng hạn, theo thông báo của Bộ Y tế Thái Lan (có thể còn chưa đầy đủ) thì đã giảm từ 31.723 (1993) xuống 2.0175 (1994) và 11.475 trường hợp (1995). Theo đó, sự kháng thuốc cũng giảm 30% (1989) và ổn định khoảng 20% từ 1991 trở đi.
Nhiễm lậu có biểu hiện khác nhau ở nam và nữ
Nữ bị nhiễm lậu trong tuần tháng đầu không có dấu hiệu bất thường, khó chịu. Sau đó, cổ tử cung chảy mủ (đặc, vàng hay xanh; nếu bội nhiễm trùng roi thì mủ sẽ loãng và nhiều hơn), kèm theo ngứa vùng âm môn (khác với dịch bình thường không gây ngứa). Vì cổ tử cung nằm khuất ở đáy âm đạo nên không nhìn thấy mủ. Có thể viêm niệu đạo, lúc tiểu tiện có cảm giác nóng bỏng, nhìn kỹ thấy đỏ ở lỗ niệu. Lậu thâm nhập vào tuyến bartholin (tuyến có chức năng bôi trơn các môi nhỏ khi bị kích thích) nhưng không gây ra triệu chứng gì đáng kể, chỉ có 1 – 2% trường hợp bị sưng to, đau, có khi có mủ; đôi khi mủ lan sang môi nhỏ gây viêm tấy, khó chịu. Do sự biểu hiện kín đáo, đa số nữ bị nhiễm lậu không hay biết đến khám muộn, thường sau khi mắc 8 – 10 tuần.
Nếu điều trị muộn, lậu cầu xâm nhập vào màng trong tử cung, nhờ vào các tế bào chết và máu trong chu kỳ kinh nguyệt mà sinh sôi nảy nở; rồi đi ngược từ thành cổ tử cung lên vòi trứng gây viêm vòi trứng cấp hay bán cấp; ở dạng cấp, thường có kinh nguyệt không đều, đau, ra máu nhiều; sau đó ít ngày bị đau một hay cả hai bên bụng dưới, ngày càng nhiều, có khi dữ dội, sốt. Do các triệu chứng ồ ạt này mà người bệnh đến khám. Nếu chữa sớm có thể khỏi viêm vòi trứng nhưng không thể xóa hết các thương tổn đã hình thành, không thể phục hồi một số chức năng buồng trứng; một số tổ chức như tử cung, vòi trứng, buồng trứng, bàng quang, trực tràng, phúc mạc tạo ra dải kết dính; nội tiết buồng trứng bị ngưng trệ dẫn đến hành kinh kéo dài, xuất huyết bất thường ở tử cung, thỉnh thoảng bị rong huyết. Nếu không chữa thì vòi trứng viêm tấy, sưng to hình thành mủ và sẹo làm hẹp tắc vòi trứng. Nếu chỉ hẹp và tắc nhẹ vài chỗ thì trứng được thụ tinh bị giam lại ở vòi trứng gây chửa ngoài dạ con. Nếu cả hai vòi trứng đều bị tắc nặng thì sẽ bị vô sinh. Phải phát hiện sớm, dù không may phát hiện muộn cũng phải chữa ngay không để chậm thêm làm cho biến chứng xấu hơn, di chứng nặng nề hơn.
Nam nhiễm lậu sớm nhất là 1 ngày, thường là 3 – 5 ngày, sau giao hợp; chậm nhất là sau 2 tuần sẽ có viêm niệu đạo (tiết dịch trong miệng sáo, dịch ngày càng đặc, có máu đục hay hơi xanh, lúc tiểu tiện bị nóng buốt khó khăn, có khi phải đi từng ít một). Tuy nhiên, có khoảng có khoảng 10 – 20% không có biểu hiện gì rõ rệt. Ngoài ra, người sinh hoạt tình dục đồng giới có các biểu hiện không điển hình (hậu môn chỉ hơi tấy đỏ kèm theo tiết ít dịch nhầy) Cũng có trường hợp viêm niệu đạo nhưng không do lậu cầu (như do Chlamydia trachomatis). Dù không chữa hay chỉ chữa sơ sài thì chứng viêm niệu đạo cũng có thể đỡ hay tự khỏi sau 2 tuần (dịch tiết ra ít dân, tiểu tiện ít buốt). Tuy nhiên lậu vẫn còn, xâm nhập vào niệu đạo sau, tuyến tiền liệt (khoảng 5 – 10% bị viêm tấy nóng bỏng kèm theo sốt, đau vùng hố chậu). Khoảng hơn 1 tháng sau, lậu xâm nhập vào ống dẫn tinh rồi vào tinh hoàn gây viêm một hay cả hai bên. Lúc đó dù có dùng thuốc chăng nữa thì cũng để lại sẹo, nếu cả hai mào tinh hoàn đều bị sẹo thì đường dẫn tinh bị tắc nghẽn, dẫn tới vô sinh.
Thuốc thường dùng
Dùng thuốc ở nữ nhiễm lậu không mang thai:
– Phác đồ 1: dùng liều duy nhất penicilline: tiêm bắp penicilline-procain chỉ một lần (4,8 triệu IU). Cách này là cổ điển song lại không chữa khỏi trường hợp nhiễm chủng lậu kháng betactam (do sinh ra enzym betaclamase), có thể chữa khỏi cả giang mai nhưng không chữa được Chlamydia trachomatis bội nhiễm. Lưu ý có thể xảy ra dị ứng với penicilline hay procain (cần thử phản ứng dị ứng trước khi dùng).
– Phác đồ 2: dùng tetracylin trong 4 – 5 ngày mỗi ngày 4 lần, mỗi lần 500mg. Cách này chữa được cả Clamydia trachomatis, trùng roi bội nhiễm, nhưng hiệu quả trên bệnh lậu lại kém, không dùng được cho người có thai (vì sẽ ảnh hưởng đến việc tạo răng và men răng của thai).
– Phác đồ 3: dùng liều duy nhất uống ciprofloxacin (500mg) hoặc liều duy nhất tiêm bắp ceftriaxon (250mg) hoặc liều duy nhất tiêm bắp spectomycin (2g) đồng thời có kết hợp thêm doxycyclin (mỗi lần 100mg x mỗi ngày 2 lần x 7 ngày). Cách này chống được Chlamydia trachromatis bội nhiễm.
Phác đồ 3 hiện nay hay được áp dụng hơn phác đồ 1& 2.
Dùng thuốc ở nữ nhiễm lậu có mang thai:
Hiện nay có 4 cách dùng (tùy lựa chọn từng nước): amoxicilin + probenecid – spectinomycin – ceftriaxon – cefizim. Trừ spectomycin, các kháng sinh còn lại đều thuộc nhóm betalactam nên việc chọn kháng sinh tùy thuộc vào tình trạng kháng thuốc (của chủng lậu). Tỉ lệ lậu kháng thuốc ở các nước phát triển thấp hơn các nước đang phát triển (như châu Á). Amoxicilin + probenecid dạng uống tỏ ra kém hiệu quả với lậu đặc biệt là trên các quần thể lậu sinh betalactamase so với 2 dạng thuốc tiêm ceftriaxon (cephalosporin thé hệ 3) và spectinomycin (aminozid). Cefixim (cephalosporin thế hệ 3) dạng uống cũng được đưa vào điều trị trong thời gian gần đây (Thái Lan) tiện hơn, song chưa dùng rộng rãi. Tóm lại, cách tiêm bắp liều duy nhất ceftriaxon hoặc spectinomycin được áp dụng nhiều hơn, tuy giá có đắt hơn amoxicilin song cũng chỉ ở mức trung bình thích hợp cho cộng đông (6 – 7 USD/đợt). Hai thuốc uống thuộc nhóm macrolic thế hệ mới là azithromycin và chlarythromycin cũng được đề nghị dùng song ít được hưởng ứng do giá quá cao (lần lượt là 11USD và 42 USD/ đợt).
Dùng thuốc cho nhiễm lậu ở nam giới:
Dùng thuốc cho nam cũng như nữ (tiêm bắp liều duy nhất penicilline – procain (4,8 triệu IU), uống liều duy nhất cyprofloxacin (500mg), tiêm bắp liều duy nhất ceftriaxon (250mg), tiêm bắp liều duy nhất spectinomycin (2g) kết hợp với doxicyclin (mỗi lần 100mg x mỗi ngày 2 lần x 7 ngày) hoặc uống tetracyclin trong 4 – 5 ngày mỗi ngày 4 lần, mỗi lần 500mg). Tuy nhiên, ở nam có một số cách kiêng cữ riêng: tránh lao động chạy nhảy gây chấn động mạnh bộ phận sinh dục dễ làm cho biến chứng xuất hiện, lúc điều trị cấp tính phải nghỉ ngơi, sau khi khỏi cần tránh giao hợp 4 – 6 tháng, cần địnhh kỳ xét nghiệm để theo dõi sự tái phát.