Vậy là trong thực đơn mang thai của chị Hạnh, bên cạnh những món tẩm bổ bao giờ cũng có thêm đĩa mướp đắng… tẩm mát. Bữa thì mẹ chồng cho chị ăn mướp đắng xào trứng, bữa lại chuyển sang mướp đắng nhồi thịt hay canh mướp đắng. Mãi đến khi chị Hạnh thấy bị đau bụng phải đi khám, bác sĩ kết luận chị có dấu hiệu đe dọa sảy thai thì mẹ chồng nàng dâu mới vỡ lẽ.
Bác sĩ cho biết, mướp đắng là một thực phẩm, thảo dược rất tốt. Hàm lượng folate cao trong mướp đắng rất cần thiết cho thai kỳ với mục đích tránh dị tật ống thần kinh ở bé sơ sinh. Vitamin C trong mướp đắng giúp tăng miễn dịch cho bà bầu và bảo vệ cơ thể khỏi những chất độc hại.
Bên cạnh đó, mướp đắng cũng giàu vitamin B, các chát như sắt, kẽm, kali, mangan, magiê nên đóng vai trò quan trọng trong việc giữ sức khỏe cho bà bầu và giúp bào thai phát triển.
Tuy nhiên, nếu mẹ bầu quá lạm dụng mướp đắng lại gây ra những nguy hiểm khó lường vì vị đắng của loại quả này có thể làm co bóp dạ dày và tử cung. Điều này dẫn tới hậu quả là dễ gây sảy thai, đẻ non ở những phụ nữ có nguy cơ cao như tử cung ngả sau, tử cung có sẹo, nạo phá thai nhiều lần.
Mặc dù tất cả các nghiên cứu chưa chỉ rõ chất nào trong mướp đắng có thể gây tác hại này nhưng thí nghiệm trên chuột cho thấy, mướp đắng liều cao có thể gây ra quái thai ở thai nhi chuột. Vì vậy các nhà khoa học đã đưa ra một cảnh báo là phụ nữ mang thai không nên ăn nhiều mướp đắng.
Không những thế, một chất có tên vicine có trong hạt mướp đắng có thể gây ngộ độc ở một số cơ địa nhạy cảm. Bởi thế, trẻ em và phụ nữ mang thai nên tránh ăn phải hạt mướp đắng. Khi chế biến và đun nấu, cần loại bỏ hoàn toàn hạt mướp đắng.