Trang chủ » Phổ biến kiến thức » Phòng và chữa bệnh » Làm sao để biết có nhiễm trùng vùng cấm?

Làm sao để biết có nhiễm trùng vùng cấm?

Là phụ nữ thì chắc chắn có nhiều điều hay, nhưng có vài khía cạnh cũng khiến chúng ta cảm thấy phiền toái, đó là những vấn đề diễn ra ở vùng cấm. Nhiễm trùng âm đạo là vấn đề gây khó chịu nhiều nhất, 1/3 số phụ nữ gặp phải vấn đề này vào một thời điểm nào đó trong cuộc sống.

Nhiễm trùng âm đạo chính xác là gì?

Đó là một thuật ngữ nói về một vài loại bệnh nhiễm trùng ở vùng kín của phụ nữ, có ba loại nhiễm trùng phổ biến nhất là:

1.      Viêm âm đạo do vi khuẩn (Bacterial Vaginosis): là loại viêm nhiễm do nhiều loại vi khuẩn có sẵn trong âm đạo gây nên. Bệnh làm bong niêm mạc âm đạo và khiến khu vực này có mùi hôi và tanh như mùi cá ươn. Đây là loại viêm âm đạo phổ biến nhất, chiếm tới 50% các ca viêm nhiễm âm đạo.

2.      Nhiễm trùng âm đạo do nấm Candida (vaginal candidiasis): Biểu hiện của bệnh vùng kín sưng viêm, bị ngứa nhức, ra khí hư màu trắng có dạng như bột.

3.      Viêm âm đạo do trùng roi (Trichomoniasis ): một loại viêm do ký sinh trùng gây nên có cả ở đàn ông và phụ nữ, nó lây truyền qua đường tình dục. Bệnh làm biến đổi màu sắc của âm đạo, tạo ra mùi tanh hôi, làm gia tăng tiết dịch và vùng kín bị sưng viêm, nổi các vết đỏ.

Nguyên nhân gây bệnh

Có nhiều yếu tố góp phần tạo nên chứng viêm nhiễm âm đạo:

Viêm âm đạo do vi khuẩn là do có sự thay đổi hoặc mất cân bằng về các loại vi khuẩn trong âm đạo. Nhiễm trùng âm đạo do nấm Candida là do các loại nấm trong âm đạo phát triển quá mức, gây nên tình trạng viêm nhiễm nghiêm trọng hơn ở những người có hệ miễn dịch yếu, như phụ nữ mang thai hoặc phụ nữ nhiễm HIV.

 

Vài yếu tố tác động đến việc nhiễm bệnh:

–          Căng thẳng

–          Thuốc kháng sinh (vì chúng phá hủy các vi khuẩn có lợi có tác dụng ngăn chặn nấm phát triển quá mức)

–          Dị ứng với bột giặt và các loại nước xả vải

–          Thay đổi hormon có thể do mãn kinh, có thai hay rụng trứng

–          Mắc bệnh đái tháo đường


Vài lời khuyên giúp phòng bệnh:

–          Rửa với nước rửa vệ sinh phụ nữ như Lactacyd, có độ pH-cân bằng

–          Giữ sức khỏe ổn định, ăn uống điều độ, ngủ đủ giấc và uống đủ lượng nước cần thiết

–          Đừng thụt rửa vì sẽ gây phá vỡ sự cân bằng tự nhiên về vi khuẩn và nấm cũng như độ pH trong âm đạo

–          Giữ vùng kín của bạn khô ráo và sạch sẽ

–          Lau từ trước ra sau mỗi khi đi tiểu xong

–          Mặc đồ lót cotton

–          Tránh dùng các chất khử mùi và băng vệ sinh loại tampon

–          Đừng dùng dầu hôi hay các loại dầu khác để làm dầu bôi trơn

–          Tránh giao hợp cho tới khi điều trị xong và hết hẳn các triệu chứng

–          Đừng mặc đồ quá chật, đặc biệt là đồ lót. Nên chọn loại vải sợi tự nhiên. Tránh dùng nước hoa, nước xịt vào vùng kín.

 

Khi nào nên đi gặp bác sĩ?

Viêm âm đạo do vi khuẩn và viêm âm đạo do trùng roi chỉ dùng kháng sinh mới trị được, vì thế bạn cần phải đến gặp bác sĩ nếu nghi ngờ mình đang mắc một trong các loại bệnh đó. Phụ nữ có thai nên nhờ bác sĩ tư vấn trước khi điều trị vì nhiễm trùng âm đạo có thể gây nên các vấn đề phức tạp cho đối tượng này và cho em bé. Bạn cũng nên gặp bác sĩ nếu bị đau nhiều hoặc ói mửa và bị sốt. Nếu nhiễm trùng tái đi tái lại, bạn cần phải đi khám để được làm các xét nghiệm đầy đủ để tìm ra cách điều trị phù hợp nhất.

Gửi thảo luận