Nghiên cứu được thực hiện trên các tế bào ung thư hạch Burkitt – một dạng ung thư hiếm gặp. Các nhà khoa học nhận thấy rằng, serotonin (một trong những "hóa chất hạnh phúc" của não) có thể thâm nhập tế bào ung thư và ra lệnh cho nó tự hủy. Prozac vô hiệu hóa tác dụng này của serotonin và kết quả là các tế bào ung thư, lẽ ra phải tự tiêu diệt, sẽ tiếp tục phát triển.
Tuy nhiên, Giáo sư Gordon cũng nhất trí với các chuyên gia tâm thần rằng, bệnh nhân không nên tự ngừng dùng thuốc chống trầm uất chỉ vì một nguy cơ mang tính lý thuyết như vậy. John Cleare, Viện Tâm thần ở London nói: "Nguy cơ phát sinh từ việc ngừng thuốc cao hơn nhiều so với bất cứ nguy cơ nào mà nghiên cứu này đưa ra". Người phát ngôn của hãng Eli Lilly, nhà sản xuất Prozac, cũng cho rằng không có bất cứ bằng chứng y học hoặc khoa học nào về mối liên hệ giữa Prozac và ung thư.
Giáo sư Gordon cho biết, mặc dù nghiên cứu trong phòng thí nghiệm chỉ ra mối liên hệ giữa Prozac và ung thư, nhưng các nghiên cứu dịch tễ trên quy mô rộng đều không ủng hộ quan điểm đó. Ông nói, Prozac được đưa ra thị trường từ năm 1987, và như vậy đã có đủ thời gian để các nguy cơ gây ung thư kiểu này bộc lộ.
Nhóm nghiên cứu của Gordon hy vọng sẽ tạo được các thuốc chống ung thư từ serotonin.